Giáo dục ĐH, CĐ:

Tiến tới chấm dứt tình trạng “có gì dạy đó”

(Dân trí) - Sáng nay 25/10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc giao ban khối các trường ĐH, CĐ về “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay trong khâu đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Hiện trạng giáo dục ĐH, CĐ

Tại hội nghị, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện tượng chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội cả về số lượng và chất lượng đang là một trong những thức thách lớn nhất, là điểm yếu nhất và là một trong những sự lãng phí lớn nhất của hệ thống giáo dục ĐH”.

Cũng theo bà Hà thì sau một năm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động “Hai không” cho thấy, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định như tổ chức tốt, nghiêm túc nhất từ trước đến nay kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ… nhưng dấu ấn của cuộc vận động “Hai không” chưa đồng bộ và chưa thực sự rõ nét.

Đứng trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT yêu cầu khối ĐH, CĐ phải có chuyển biến mạnh mẽ theo tinh thần cuộc vận động “Hai không”, đặc biệt năm học 2007-2008 là năm đầu tiên của giai đoạn 3 năm (2007-2010) các trường ĐH, CĐ đột phá vào việc đổi mới triết lý giáo dục, đổi mới tư duy và phong cách quản lý để từ đó thúc đẩy cả hệ thống chuyển động, đó là triển khai cuộc vận động với nội dung: “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Tiến tới chấm dứt tình trạng “có gì dạy đó” - 1

Thứ trưởng Bành Tiến Long trao đổi tại hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long cho rằng, để thực hiện tốt cuộc vận động thì phải hiểu rõ tiêu chí khung đối với “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn” và “Nói không với đào tạo không đáp nhu cầu xã hội”.

Thứ trưởng Long nhận định: không đạt chuẩn đối với người học có thể hiểu là không đạt mục tiêu đặt ra đối với một chương trình đào tạo của một ngành học. Cụ thể là về kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Về phía nhà trường thì có thể hiểu không đạt chuẩn là không đạt các yêu cầu tối thiểu về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với một chương trình đào tạo của một ngành học.

Bà Trần Thị Hà nói: “Do mục tiêu đào tạo của các ngành đều được dẫn từ khung rất chung của Luật Giáo dục, thiếu cụ thể nên việc xât dựng chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, kiểm định và đánh giá khó phân loại được chất lượng”.

“Trong tháng 10 và 11/2007, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội thảo về đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, Hội thảo Chất lượng giáo dục ĐH để bàn cụ thể, chi tiết hơn vấn đề chất lượng giáo dục ĐH và hướng hoạt động của trường tập chung chủ yếu vào đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, sẽ mổ xẻ kỹ hơn các nguyên nhân, giải pháp để đào tạo đáp ứng chuẩn đào tạo và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định.

Nguyễn Hùng