Tiến sĩ Việt tại ĐH Stanford: “Bố mẹ là ai trên đường học hành của con cái?”

(Dân trí) - TS. Nguyễn Chí Hiếu đã mở đầu chương trình Stanford Talk 2017 diễn ra vào ngày 7/5 tại Hà Nội bằng một câu hỏi được tất cả các bậc phụ huynh và các em học sinh quan tâm: “Không phải là người định hướng nghề nghiệp, vậy bố mẹ sẽ là ai trên con đường học hành của con cái?”.

Nếu các bậc phụ huynh không lấy điểm số làm thước đo…

Chương trình Stanford Talk 2017 với chủ đề “Chúng tôi đã học như thế nào?” quy tụ 6 gương mặt diễn giả, tất cả đều là sinh viên/ cựu sinh Việt tại ĐH Stanford (Mỹ) để cùng giao lưu, chia sẻ về quá trình học tập và rèn luyện của họ để có được thành công như ngày hôm nay.


TS. Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ quá trình vào Đại học Stanford của mình.

TS. Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ quá trình vào Đại học Stanford của mình.

Chàng trai 8X Nguyễn Chí Hiếu đã chia sẻ rằng bố mẹ anh chưa từng một lần tham dự lễ tốt nghiệp hay lễ trao giải thưởng nào của con trai. Mặc dù vậy, anh chưa từng buồn về điều đó vì bố mẹ luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho anh theo đuổi con đường đam mê và cũng không ngại nếu phải đi ăn xin để làm việc đó.

Từ Bình Định vào TPHCM học, sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm việc. Sau đó lại sang Anh học MBA tại ĐH Oxford (Anh), rồi lại quay trở về, lại ra Hà Nội làm việc. Hành trình học vấn của TS. Nguyễn Chí Hiếu (33 tuổi) là câu chuyện đi ngược dòng thú vị.

Theo TS Hiếu, vai trò và vị trí của bố mẹ rất quan trọng trong con đường học tập của con cái: “Bố mẹ sẽ là nguồn động lực tinh thần lớn nhất cho con. Hãy cố gắng để con tự do và theo đuổi những thứ mà con yêu thích”. Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra sự hạn chế trong tư tưởng giáo dục con cái của các bậc phụ huynh ở Việt Nam là lấy điểm số, thành tích làm thước đo năng lực của con em.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sỹ Văn Đinh Hồng Vũ nói: “Nếu các bậc phụ huynh không lấy điểm số làm niềm vui hay là thước đo năng lực của con thì chắc chắn con bạn sẽ không lấy điểm số, thành tích làm động lực học tập. Không có một bài thi nào có thể đánh giá hết khả năng của con em chúng ta!”.

Tiến sĩ Việt tại ĐH Stanford: “Bố mẹ là ai trên đường học hành của con cái?” - 2


Các vị khách mời nhiệt tình chia sẻ và giải đáp thắc mắc của người tham dự

Các vị khách mời nhiệt tình chia sẻ và giải đáp thắc mắc của người tham dự

Trả lời câu hỏi đặt ra từ đầu chương trình, anh Hiếu khẳng định: “Việc định hướng nghề nghiệp cho con quan trọng nhưng quan trọng hơn cả chính là việc phụ huynh phải khơi nguồn sáng tạo, khả năng tư duy cho con mình. Điều tuyệt vời nhất bố mẹ có thể cho con là sự yêu thương và được tự do theo đuổi đam mê”.

Sinh viên Việt Nam trong môi trường giáo dục quốc tế

Để vào được một trường đại học quốc tế, nhất là Đại học danh giá- Stanford không đơn giản nhưng để có thể đạt kết quả như mong muốn trong môi trường đó thì càng khó hơn. Xoay quanh những câu chuyện từ khi mới nhập học đến khi ra trường, các vị khách mời khiến khán giả trải qua nhiều cũng bậc cảm xúc: vui khi trở thành tân sinh viên, những giọt nước mắt cô đơn trong môi trường học hoàn toàn mới, hay những tình huống dở khóc dở cười khi va chạm những nền văn hóa khác.


Các bậc phụ huynh và các em học sinh sôi nổi giao lưu cùng khác mời

Các bậc phụ huynh và các em học sinh sôi nổi giao lưu cùng khác mời

Các cựu sinh viên Stanford cho rằng sinh viên Việt Nam khi học tập tại môi trường quốc tế có những điểm mạnh nhất định: chăm chỉ, cần cù, suy nghĩ thấu đáo,... nhưng gặp không ít khó khăn, mà thử thách lớn nhất chính là sự mạnh dạn hay tư duy phản biện. Anh cho rằng sự khác biệt lớn nhất trong mục đích giáo dục của nước ta với quốc tế chính là chiều sâu và chiều rộng.

“Nếu như ở nước ta, các bậc phụ huynh muốn con em tập trung nghiên cứu sâu một lĩnh vực thì ở nước ngoài, phụ huynh giáo dục theo mô hình chữ T, tức là định hướng cho con em học tập cả chiều sâu như thanh thẳng và chiều rộng như thanh ngang của chữ T”.

Các vị khách mời cũng đưa ra lời khuyên cho học sinh, sinh viên Việt Nam về quy tắc “Năm phút vàng”. Quy tắc này có nghĩa là hãy giơ tay phát biểu bất kì điều gì trong 5 phút bắt đầu giờ học bởi nó sẽ phá tan sự sợ hãi đang hiện hữu và khẳng định cho mọi người xung quanh về sự hiện diện của mình.

Chia sẻ bí quyết để vượt qua những khó khăn khi học tập tại môi trường quốc tế, chị Vân Vũ nói: “Khó khăn luôn hiện hữu dù bạn đang còn học trong Stanford hay khi đã ra trường. Điều bạn có thể làm đó chính là niềm tin, chỉ khi bạn tin rằng mình có thể làm được thì chắc chắn bạn sẽ làm được!”

Khép lại chương trình, anh Hiếu chia sẻ câu chuyện về bức tường cùng thông điệp gửi gắm tới tất cả mọi người: “Bức tường đứng ở đó không phải để cản trở bạn mà nó ở đó để cản những ai không có năng lực và lòng quyết tâm vượt qua nó”.

Thu Hiền (ghi)