Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về "kỷ luật" trong giáo dục

(Dân trí) - Thực tế, giáo viên ngày càng ít dám phê bình học sinh, lại càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới lớp làm ầm… Vậy, kỷ luật có nên sử dụng trong giáo dục hiện đại hay không?

Chương trình mẫu giáo ở Mỹ rất chú trọng rèn luyện cho trẻ tính kỉ luật

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Dung (Ellie Phương D. Nguyễn) - Giáo sư bậc 1 ĐH bang Oklahoma, Mỹ cho biết, tính kỉ luật là nền tảng để xây dựng tính tự chủ, tự giác và tập trung. Không có tính kỉ luật thì khó có thể làm gì thành công lâu dài.

"Thời điểm vàng để bắt đầu rèn luyện tính kỉ luật cho con là từ 3 đến 6 tuổi, khi các bé bắt đầu hiểu, ý thức được tính nguyên nhân và kết quả của những việc mình làm (causes & effects), đây cũng giai đoạn chủ chốt hình thành 80% tính cách của bé. Nếu bỏ qua giai đoạn sớm này thì càng về sau sẽ càng vất vả hơn trong việc rèn tính kỉ luật cho con, và nhiều khi trẻ phải tự mình trả giá đắt khi trưởng thành để học được bài học này", TS Phương Dung cho hay.

Theo TS Phương Dung, có 3 phương diện để xây dựng và duy trì càng sớm càng tốt: Sinh hoạt tập thể, sinh hoạt gia đình và hoạt động rèn luyện.

Đối với sinh hoạt tập thể, phụ huynh nên chú trọng chọn trường mẫu giáo (Day Care & Pre-school) có phương châm rèn tính kỉ luật cho trẻ với phương pháp cụ thể.

Nữ tiến sĩ phân tích: "Để thấy tính kỉ luật quan trọng thế nào hãy quan sát các chương trình mẫu giáo ở Mỹ rất chú trọng rèn tính kỉ luật này cho học sinh trong nếp sinh hoạt, vui chơi và tương tác với bạn bè từ lúc 2 tuổi.

Ví dụ, đến giờ ăn là trẻ ngồi yên một chỗ tự xúc ăn không rời khỏi bàn cho đến khi ăn xong. Đến hết giờ, nếu trẻ không ăn hết cũng phải ngưng đồng loạt nên là muốn ăn hết để khỏi đói thì phải lo ăn nhanh, đến giờ ngủ thì không nói chuyện và gây tiếng ồn dù không ngủ nằm yên đó cũng được cô không ép. Đến giờ học muốn phát biểu thì phải giơ tay và im lặng khi bạn khác nói.

Còn giờ chơi tự do theo phương pháp Montessori thì chơi gì tùy chọn nhưng chỉ bày ra trong diện tích cho phép của một cái khay hay một tấm thảm và chơi xong thì dọn dẹp cất lại đúng chỗ cũ mới được chơi cái khác. Nếu món nào bạn khác đang chơi thì phải chờ bạn chơi xong sẽ đến lượt mình chứ không giành giật. Cứ lặp đi lặp lại hằng ngày đều đặn như thế thì bé sẽ có tính kỉ luật tự nhiên như hơi thở và ý thức rõ lợi ích của việc tôn trọng kỉ luật".

Đối với sinh hoạt gia đình, trong giai đoạn 5 năm đầu đời của cả bé trai và bé gái thì ảnh hưởng của người mẹ vô cùng lớn - không ai bằng, kể cả bố. Vì theo tự nhiên thì mẹ luôn là thành trì, là điểm tựa tinh thần lớn nhất của bé trong giai đoạn dưới 5 tuổi. Không phải tự nhiên mà có câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại ông bà" vì thực ra mẹ hay ông bà chỉ là biểu tượng đại diện cho những người thường gần gũi và yêu chiều bé nhiều nhất.

"Mình quan sát thấy nhiều gia đình mà bé có thói quen xấu như trong việc ăn chẳng hạn, nếu chủ yếu chỉ là bố mắng rồi sau đó bay vào ôm mẹ để mẹ xoa, hay mẹ chỉ im lặng thì thật sự không hiệu quả lắm, đâu lại hoàn đó. Vì bé sẽ có xu hướng nghĩ đơn giản thế này: Nếu mình không ăn tốt hay mình làm việc này thì bố sẽ không thích và bố mắng/phạt, nên cách giải quyết là… mình sẽ nghỉ chơi bố hay không yêu bố nữa, có mẹ yêu mình rồi nên cần gì sửa đâu!

Còn nếu bố mẹ thay phiên nhau phạt chứ không chỉ có bố mắng là chủ yếu, hay tốt hơn mẹ là người chủ đạo trong việc này thì câu chuyện sẽ khác, lúc đó bé sẽ thấy việc mình làm là không vui vì không ai trong nhà hài lòng kể cả mẹ thì rõ ràng là không nên làm nữa", TS Dung chia sẻ.

Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về kỷ luật trong giáo dục - 1

TS Ellie Phương D. Nguyễn (trái) - Giáo sư bậc 1 Đại học bang Oklahoma, Mỹ.

Đối với hoạt động rèn luyện, các trò chơi hay những câu chuyện ngắn dạy bé về tính nhân - quả sẽ rất có ích để phát triển ý thức kỉ luật khi bé hiểu hành động thế này sẽ có kết quả thế kia. Hình phạt chỉ có tác dụng khi bé hiểu vì sao mình bị phạt và cần phải làm gì để lần sau không bị phạt nữa.

Nên trước khi phạt bố mẹ hãy yêu cầu bé tự nói ra nguyên nhân vì sao bố/mẹ phạt con, và con cần sửa thế nào. Chứ không thì bé chỉ đơn giản nghĩ là bị đánh thì đau, bị phạt thì buồn, còn quậy phá thế này thì vui nên cứ làm thôi, nên nói chung chả ăn nhập gì với nhau, có phạt mấy cũng thế, khóc xong bữa sau cũng lặp lại như cũ, không có tác dụng làm bé thay đổi gì cả!

Hình dưới đây minh họa cụ thể cho bài học về tính nguyên nhân và kết quả (causes & effects) nhằm tạo nền tảng cho việc dạy tính kỉ luật cho các bé lứa tuổi mẫu giáo ở Mỹ, bé sẽ chọn xem nguyên nhân nào (a hoặc b) dẫn đến kết quả minh họa trong từng hình vẽ.

Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về kỷ luật trong giáo dục - 2

Tính nguyên nhân và kết quả, cơ sở của tính kỷ luật trong giáo dục.

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Cách đây vài năm, dư luận xứ Trung cũng đã từng dậy sóng vì một bài diễn thuyết gây chấn động của giáo sư Tiền Văn Trung (giảng viên Đại học trọng điểm Phúc Đán được trình bày tại "Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3").

Bài diễn gạt bỏ sự hô hào mù quáng cho các bậc phụ huynh về hình thức giáo dục được coi là "văn minh", "tiến bộ" như "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất". Từ đó, ông đã chỉ ra rằng, lối dạy dỗ con cái không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc sẽ phá hủy tương lai của xã hội. Theo ông, trẻ em ngày nay đang phải trả giá quá thấp cho việc phạm lỗi.

Dưới đây là phân tích của vị Giáo sư:

"Ngày nay, chúng ta ưa chuộng thứ gọi là "giáo dục vui vẻ", chúng ta yêu thích việc kể lại thời thơ ấu của mình một cách thật vui vẻ.

Vậy nhưng, tuổi thơ của chúng ta có thực sự "vui vẻ" hay không? Ít nhất, cá nhân tôi, không hề cảm thấy thời thơ ấu của mình vui vẻ một chút nào!

Hồi chúng ta còn tới trường, có lúc không làm bài tập sẽ bị các thầy cô đánh vài cái, mắng vài câu. Vậy thì sao có thể gọi đó là "giáo dục vui vẻ"?

Tôi thực sự nghĩ không ra, vì sao giáo dục lại cứ nhất thiết phải đề cao, tôn thờ hai chữ "vui vẻ"? Phải chăng đó là hệ quả của việc chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục nước ngoài?

Tôi cho rằng, trong giáo dục nhất định phải có yếu tố "đau khổ", và đây là chuyện đương nhiên. Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao chúng ta cứ phải nhượng bộ đối với con cái của chính mình?

Trẻ em ngày nay, nói không nghe, mắng không được, phê bình cũng chẳng xong, thậm chí càng ngày càng không chịu nổi một cú vấp ngã.

Lúc còn nhỏ, thầy của tôi cũng từng phạt tôi. Nhưng cho tới bây giờ, tình cảm thầy trò giữa chúng tôi vẫn luôn rất tốt.

Kỷ luật thì sao?

Tôi từng đi du học ở châu Âu. Đó là nơi mà chúng ta vẫn thường ca ngợi về sự hoàn mỹ trong nền giáo dục của họ.

Được! Vậy tôi và các bạn cùng xem thử xem, nội quy của các trường học tại Anh nghiêm khắc tới mức nào.

Nghị viện Anh đã thông qua một điều luật có nội dung khái quát là: "Trong trường hợp đã cảnh cáo nhiều lần, cho phép các giáo viên được áp dụng những biện pháp cần thiết, bao gồm cả "tiếp xúc thân thể" trong phạm vi nhất định để khiến những học sinh không tuân thủ kỷ luật buộc phải chấp hành kỷ luật".

Nói trắng ra, là các giáo viên tại Anh có quyền kỷ luật những học sinh vi phạm kỷ luật bằng hình thức đánh.

Tôi cũng thường nghe người ta ca ngợi về nền giáo dục của Singapore. Nhưng dường như họ quên rằng, đất nước ấy không phải vẫn thường treo một cây thước ở tường sau đấy ư?

Tôi còn nghe nói, trẻ em ở đó nếu không nghe lời, theo quy định sẽ bị đánh ba thước, và chỉ được phép đánh vào lòng bàn tay chứ không được đụng đến lưng bàn tay. Hình phạt này cũng chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai giáo viên tại hiện trường.

Nếu như nói cách giáo dục của chúng ta trong quá khứ đều là sai lầm, vậy thì ai đã đào tạo nên những người như hiệu trưởng Du Mẫn Hồng của chúng ta, và còn cả những đồng chí tài ba khác nữa?

Mỗi người chúng ta ở đây đều không phải là thành quả của một nền giáo dục trong quá khứ đào tạo thành hay sao? Chúng ta có khạc nhổ bừa bãi hay trở thành bè lũ du côn chăng?

Hoàn toàn không! Hơn nữa, chúng ta còn trưởng thành rất tốt.

Tôi cho rằng, giáo dục không thể càng ngày càng thêm nhân nhượng. Bởi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với con trẻ.

Hầu hết chúng ta đều thấy, học là gian nan, khó nhọc

Bản thân tôi là một người thầy giáo, công việc hằng ngày đều cần tiếp xúc với học sinh. Vì vậy, tôi muốn nói với mọi người, chúng ta cần phải có ý thức về sự gian khổ trong giáo dục ở Trung Quốc.

Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn. Con em của chúng ta nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật, nhất định phải để cho chúng biết, giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ, học tập cũng không đơn giản là con đường trải toàn hoa hồng.

Chúng ta học vì một mục đích nào đó, và hơn hết là bởi ta ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc đời, cho nên dù thế nào, cũng không thể không học!

Tiến sĩ Mỹ và Giáo sư Trung Quốc nói về kỷ luật trong giáo dục - 3

Nếu một người có thể cảm thấy vui vẻ trong học tập, vậy người ấy nhất định sẽ trở nên vô cùng tài giỏi. Nhưng đại đa số mọi người đều không cảm thấy việc học là sung sướng, là thoải mái.

Chúng ta cần nói cho con trẻ biết rằng, phạm lỗi là việc phải trả giá. Nếu như cả xã hội này đều chạy theo trào lưu nhân nhượng con em, vậy thì không chỉ tương lai của đứa trẻ đó đáng lo ngại, mà tương lai của chúng ta cũng là điều đáng lo ngại.

Những đứa trẻ được dạy dỗ như vậy, khó có thể gánh nổi trọng trách phát triển tương lai cho Trung Quốc.

Hiện nay, trẻ em tiến bộ, xã hội tiến bộ; trẻ em thụt lùi, giáo viên thụt lùi; trẻ em mắc lỗi, phụ huynh nhượng bộ. Cha mẹ thương xót con em mình, giáo viên thì e dè học sinh của mình. Vấn nạn "con một" từ đó mà hình thành.

Tôi bây giờ vô cùng ngưỡng mộ cha mẹ tôi. Họ dám đánh, dám mắng chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng yêu họ.

Trẻ em ngày nay nói không nghe, mắng không được, thậm chí chỉ lườm một cái, không chừng còn bị ông bà chúng quở trách vì quá nghiêm khắc.

Giáo viên càng ngày càng ít dám phê bình học sinh, càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới cửa lớp làm ầm.

Vòng hộ mệnh cuối cùng của chúng ta chỉ có giáo dục. Chúng ta không nên dễ dàng nhượng bộ xã hội, càng không nên dễ dàng nhượng bộ con em của mình.

Chúng ta nên trao cho hiệu trưởng và giáo viên quyền kiểm soát nhiều hơn. Đối với con trẻ, vinh dự càng cao, đãi ngộ càng tốt, thì trách nhiệm cũng càng phải nhiều lên".

Đây là những lời "rút ruột rút gan" của tôi. Nếu có chỗ nào không đúng, mong các vị hiệu trưởng trước hết hãy xem tôi như một học sinh, sau đó coi tôi như một vị phụ huynh, và cuối cùng mới nhìn nhận dưới tư cách là một giáo viên "hậu bối" để nhận xét, phê bình"...

Còn quan điểm của độc giả về tính kỷ luật trong giáo dục ra sao, hãy để lại bình luận phía dưới nhé!

Lệ Thu

Mọi ý kiến đóng góp của độc giả về giáo dục, xin gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!