Thương hoàn cảnh các em học sinh mồ côi ngày Tết

(Dân trí) - Em mất bố, em mất mẹ vì nhiều lý do khác nhau. Rồi người bị bệnh hiểm nghèo, người bỏ đi biệt xứ không quan tâm đến con cái. Tuổi thơ của các em không người chăm bẵm, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần…

Chúng tôi đến Trường tiểu học Thiết Ống I (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vào những ngày cận Tết. Ở ngôi trường nơi vùng khó khăn của huyện miền núi Bá Thước này, học trò nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả.

Cô Nguyễn Thị Hương - hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường có tổng cộng 413 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mường, Thái, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Trong số đó có 32 em học sinh mồ côi, em thì mất bố, em thì mất mẹ. Còn có những trường hợp mất bố thì mẹ bỏ đi biệt xứ, đi lấy chồng, hay bố bị bệnh hiểm nghèo.

Trường tiểu học Thiết Ống I có hơn 30 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trường tiểu học Thiết Ống I có hơn 30 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo các giáo viên Trường tiểu học Thiết Ống I, thì những trường hợp bố mẹ các em mất có người bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, bệnh liên quan đến tệ nạn xã hội. Trong đó chủ yếu là do liên quan đến các tệ nạn xã hội. Những người thân, chỗ dựa cho các em mất đi, tuổi thơ các em lớn lên trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhà trường trở thành cái nôi cho các em, cô giáo như những người mẹ hiền. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, để các em không bỏ học là một việc làm khó khăn với nhà trường.

Em Lê Quỳnh Trang, học sinh lớp 5 B mồ côi bố.
Em Lê Quỳnh Trang, học sinh lớp 5 B mồ côi bố.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng theo đánh giá của các cô giáo thì những trường hợp học sinh mồ côi rất chăm chỉ, có em còn học rất giỏi như em Lê Quỳnh Trang, học sinh lớp 5B. Bố Trang qua đời, mẹ em đi lấy chồng và bỏ lại hai chị em Trang từ khi em còn rất nhỏ. Từ ngày người mẹ bỏ đi đến nay, chưa một lần về thăm con hay có tin tức gì. Hiện Trang và chị gái đang học lớp 9 ở với chú ruột còn trẻ chưa có gia đình.

Vốn là học sinh giỏi của nhà trường, ngày trước, Trang được chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh, nhưng nhà neo người, không có ai đưa đi ôn thi ở thị trấn Cành Nàng, hơn nữa điều kiện gia đình khó khăn nên em đành phải bỏ lỡ kỳ thi học sinh giỏi.

Lớp cô Trần Thị Dung có đến 8 học sinh mồ côi bố hoặc mẹ.
Lớp cô Trần Thị Dung có đến 8 học sinh mồ côi bố hoặc mẹ.

Khi hỏi về người mẹ của mình, trong trí tưởng tượng của em Lê Quỳnh Trang không còn nhớ rõ: “Cháu không biết mẹ ở đâu nữa, giờ gặp lại cháu cũng không nhận ra mẹ được. Cháu ước mơ sau này học ra làm bác sỹ. Chú ở nhà làm nghề sửa máy tính, chị gái đi bê tráp đám cưới, còn cháu đi học về nấu ăn, giặt quần áo và quét dọn nhà cửa giúp chú”.

Đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, Nhà trường luôn tạo điều kiện ủng hộ quần áo, sách vở cho các em. Có chương trình học bổng nào, nhà trường cũng ưu tiên dành cho những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nêu trên. Các khoản đóng góp ở trường các em đều được miễn. Ngoài ra, nhà trường còn quan tâm tạo điều kiện về tinh thần, giúp đỡ, động viên các em.

Hoàn cảnh của em Nguyễn Công Hiếu, học sinh lớp 5B khi nghe đến cũng khiến nhiều người phải chạnh lòng, bố em bị bệnh hiểm nghèo mất từ lúc em còn nhỏ. Sau khi bố mất, người mẹ cũng bỏ đi từ đó.

Cô Trần Thị Dung, chủ nhiệm lớp 5B cho biết, riêng lớp cô có 8 em học sinh mồ côi cha hoặc mẹ. Nhắc đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô Dung rơm rớm nước mắt nhớ lại, trường hợp em Lê Đình Dũng, sau khi bố mất, thời gian đầu, em thường buồn bã bỏ lên rừng luồng ngồi thờ thẫn vì quá nhớ bố, các cô phải đi động viên em đến lớp. Bố mất, mẹ chỉ bán rau nuôi ba chị em Dũng ăn học. Cuộc sống gia đình khó khăn trăm bề, thiếu thốn vật chất, tình cảm.
 
Cô Dung cho biết, về vật chất các em thiếu thốn, điều kiện học hành không có ai chăm bẵm nên rất khó khăn. Nhờ có sự quan tâm nên các em không còn bị đứt bữa. Đến ngày lễ Tết, nhà trường dành các suất quà để động viên các em.

Duy Tuyên