Bạn đọc viết:

“Thuận tay trái là có lỗi ư?”

(Dân trí) - Bài báo “Khắc phục tình trạng giáo dục mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” trên báo Dân trí bóc tách một thực trạng vẫn đang tồn tại xưa nay trong giáo dục nước nhà. Đó là lối dạy học ép “khuôn” chung cho mọi đối tượng học sinh, làm bào mòn cá tính người học.

Quan điểm này được Giáo sư Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) đưa ra tại buổi tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm chủ chốt từ ngày 1-3/8.

Cụ thể, GS Đinh Quang Báo khẳng định: “Trong giáo dục hiện nay còn tình trạng mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc. Để thực hiện chương trình mới, cần phải hướng tới mỗi bệnh nhân có cách điều trị khác nhau, có đơn thuốc khác nhau… nghĩa là dạy học cần lưu ý đến tố chất, đặc điểm cũng như mỗi cách học của từng học sinh”.

Dạy học phân hóa, phát huy năng lực người học, tôn trọng cá tính học sinh là chử trương đổi mới giáo dục đúng đắn mà nước ta đang theo đuổi. Tuy nhiên, để con thuyền đổi mới giáo dục cập bến, tôi nghĩ chúng ta còn một hành trình dài cần phải khắc phúc khó khăn, tháo gỡ vướng mắc.

Lời phát biểu của GS Đinh Quang Báo nhắc tôi nhớ đến câu chuyện của cháu tôi năm ngoái, một người mẹ có con vào lớp 1 đã phải lao đao không ít vì con trai thuận tay trái. Cháu tôi đã phải thốt lên đầy phẫn uất “Thuận tay trái là có lỗi ư?”.

Chuyện là cậu bé ấy cực kỳ thông minh nhưng sớm bộc lộ việc tay trái thuận hơn tay phải. Sau một thời gian rèn giũa không thành công, gia đình quyết định xin cô giáo ở mầm non cho phép cháu được tập viết bằng tay trái. Rồi khi con lên lớp 1, giáo viên lại không đồng ý với việc học sinh trong lớp viết tay trái nên thường nhắc nhở, đe nẹt.

Cháu tôi đã phải đến gặp cô giáo lớp 1 trình bày nguyện vọng cho con cầm bút bằng tay trái. Nhưng đáp lại đề nghị của gia đình, cô giáo vẫn khăng khăng về quy định của ngành và yêu cầu gia đình viết đơn xin cho con viết bằng tay trái.

Người mẹ trẻ ấy vẫn giữ nguyên chính kiến của mình lên gặp thầy hiệu trưởng trình bày vấn đề và chất vấn “Thuận tay trái là có lỗi ư?”. Cháu tôi đưa ra những tấm gương thành công với bàn tay trái cầm bút và thầy hiệu trưởng đồng cảm. Sau đó, nhà trường chỉ đạo ngược xuống giáo viên chủ nhiệm và cậu bé an toàn trong suốt năm học qua. Giờ cậu bé sắp vào lớp hai, hôm trước đã vội nhắc mẹ: “Mẹ nhớ lên gặp cô chủ nhiệm lớp 2 xin cho con viết tay trái”. Cháu tôi cười bảo đó là “cuộc chiến tay trái” của hai mẹ con và nó còn tiếp diễn dài dài.

Qua câu chuyện nhỏ ấy thôi, chúng ta thấy một cậu bé hơi khác bạn bè cùng trang lứa chuyện thuận tay trái hay tay phải đã suýt không được chấp thuận trong một môi trường giáo dục với những yêu cầu khe khắt về quy định, nề nếp học tập.

Trong khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng phương pháp giáo dục chú trọng tố chất và phát huy năng lực người học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì nhan nhản ở các trường phổ thông vẫn là cảnh dạy học rập khuôn theo một giáo án và cách kiểm tra đánh giá đại trà.

Nhiều đối tượng học sinh với năng lực, sở thích khác nhau vẫn phải thực hiện chung một nhiệm vụ học tập, lĩnh hội cùng một mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ như nhau. Chính phương pháp giáo dục cào bằng cá tính người học đã vô tình biến việc học trở nên nhàm chán với người giỏi và khó nhằn với người yếu. Ví von “mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc” quả là chính xác!

Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm đặt ra trong bối cảnh hiện nay thật sự cấp thiết. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ giáo viên phổ thông cần hiệu quả, thiết thực và sâu sát hơn nữa để mỗi người thầy đứng trên bục giảng cảm nhận rõ và tích cực “kê đơn”, “bốc thuốc”, “chữa bệnh”!

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!