Thú vị với đề thi bằng thơ của trường ĐH Luật HN về tình huống "Cai sữa cho con"

(Dân trí) - “Rồi một hôm đang ngồi/ Cô vợ liền tâm sự/ Anh ạ…! Con vẫn…bú…/ Dù em hết… sữa rồi…!/ Nó vẫn cứ nhằn thôi/ Nhiều hôm…em đau quá…!/ Anh A. cười ha hả…”… đó là một trong những khẩu thơ của Đề thi học phần môn Kỹ năng chung về tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn Pháp luật - trường ĐH Luật Hà Nội.

Đề thi ra một tình huống sau: Anh A, trong tâm trạng rất bất ổn đến Trung tâm Tư vấn pháp luật có yêu cầu tư vấn về vụ việc vừa xảy ra tại nhà anh. Đề bài cho phép học viên sử dụng tài liệu.

Nội dung vụ việc mà anh A trình bày có thể đã được thể hiện tóm tắt bằng Thơ với nhiều đoạn thú vị như sau:

…Mặt trời vừa mới nhú

Anh A. liền mang sang

Lọ dung dịch màu vàng…

Bôi đôi gò bồng đào…

Hôn vợ yêu một cái

Anh A. vội đi làm

Anh đến thẳng cơ quan…

Làm lu bu công việc…

Một hồi sau mới biết

Mình lấy nhầm lọ rồi…

Lọ thuốc… cực độc… ôi…!

Con ơi…! Ba có tội…!

…đoạn cuối bài thơ như sau:

Nhìn thấy từ ...xa xa

Nhà đông người qua lại

Người thì hô cấp cứu

Kẻ bảo... nó chết rồi

Ôi! Ba giết con rồi

Anh A. khuỵu trước cổng

Như phép tiên… rồi bỗng…

Đứa bé từ trong nhà

Rẽ đám đông chạy ra…

Ôm chầm lấy người cha…

Hổn hển… mách rằng là….

Chú HÀNG XÓM… gần nhà…

Chết… trong kia… ba ạ…!


Đề thi thú vị

Đề thi thú vị

Đề thi được đưa lên mạng và đã thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi lẽ từ trước đến nay, những bộ môn khô khan của ngành Luật ít khi có những đề thi dí dỏm như vậy. Độc giả Mỹ Dung (Hà Nội) cho biết, tụi mình lúc đầu cũng chưa hiểu ra vấn đề nhưng càng đọc đến cuối càng thấy thú vị. Đặc biệt ở cái kết của bài thơ là một tình huống vừa hài hước nhưng rất hấp dẫn.

Ông Vũ Văn Cương xác nhận với PV Dân trí, đề thi do chính Trung tâm Tư vấn Pháp luật (thuộc ĐH Luật Hà Nội) ra vào ngày 30 tháng 5. Đây là đề thi hết học phần, môn “Kĩ năng chung về tư vấn pháp luật”,dành cho các sinh viên đang theo học văn bằng hai của trung tâm.

Được biết, đề thi do Ban ra đề phụ trách. Trong đó, với vai trò quyền Giám đốc Trung tâm, ông Cương chịu trách nhiệm đứng đầu. Theo ông Cương, về cơ bản, các câu hỏi vẫn theo dạng đề thi truyền thống trước đây. Tuy nhiên, chỉ khác nhau ở cách thức thể hiện phần tình huống được biến tấu cho khác lạ và thú vị, kích thích sự sáng tạo của người làm bài.

Chia sẻ về lý do vì sao Trung tâm quyết định ra đề thi cho một môn học khô khan bằng thơ, ông Cương cho biết, đề có thể viết bằng văn xuôi hoặc bằng thơ. Tuy nhiên, viết bằng thơ có một số lợi thế, giúp người đọc có cảm nhận tốt hơn: Có thể diễn tả sự việc có hình ảnh; Thể hiện được tâm trạng của nhân vật trong sự kiện, tình huống mà mình đưa ra.

“Khi đưa đề thi ra, chúng tôi thấy số đông người học tiếp nhận khá nhẹ nhàng và vui vẻ. Đối tượng sinh viên đang học ở đây là những người đã đi làm, đã có một bằng đại học nên trong một kì thi căng thẳng, thời tiết nóng bức, nếu đề thi có chút gì nhẹ nhàng, hài hước trong khuôn khổ, có thể tạo ra cho người làm sự dễ chịu, thoải mái khi đọc đề sẽ giúp việc làm bài hiệu quả hơn”, ông Cương nói.

Ông cũng cho biết thêm, để có một đề thi bằng thơ, phải rất cầu kì, đầu tư nhiều công sức như chọn từ, hài hòa âm điệu nhưng không được thiếu dữ kiện. Vì thế, Ban soạn thảo mất nhiều thời gian hơn so với bình thường. Mặc dù đề thi hài hước nhưng cái “hài” này vẫn nằm trong khuôn khổ nên không làm mất đi tính mô phạm.

“Tôi giảng dạy môn này và đã ra đề nhiều lần. Tôi nghĩ ra đề theo lối truyền thống hơi nhàm chán nên muốn đưa một cái gì đó mới lạ. Việc đưa cái mới ra, tất nhiên sẽ có người ủng hộ, người không ủng hộ là điều bình thường. Nhưng tôi nghĩ đây là một bước đột phá xem có nâng cao chất lượng hiệu quả cho học viên hay không”, ông Cương cho hay.

Theo ông Cương, đây là môn kỹ năng nên qua tình huống này, người học luật phải nhìn nhận các vấn đề thận trọng hơn. Nếu đọc qua đề thì 99% người không có chuyên môn pháp luật sẽ suy luận ngay vấn đề ngoại tình, vấn đề nhảm nhí của xã hội. Đây là cách nhìn nông cạn. Nếu người làm pháp luật mà nhìn nhận cái chết của nhân vật như vậy sẽ dẫn đến nhiều án oan sai. Đề thi yêu cầu học viên phải có tầm nhìn khác, tư duy rộng và toàn diện hơn.

Ông Cương chia sẻ, cái chết của một con người có thể nhiều nguyên nhân, người làm nghề pháp luật phải có tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh để đưa ra đánh giá một vụ việc cho kết quả đúng, tránh trường hợp kết tội oan trong xét xử chỉ vì nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất. Trong đáp án của đề thi có tới 5 - 6 nguyên nhân dẫn đến cái chết của người hàng xóm.

H.H - Mỹ Hà