Thủ tướng: Sính bằng cấp nên nhiều tiến sĩ thiếu công trình khoa học có giá trị

(Dân trí) - Về chất lượng đào tạo sau đại học, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện rất đáng lo ngại. Do bệnh thành tích, sính bằng cấp, mặc dù có nhiều tiến sĩ nhưng thiếu công trình khoa học có giá trị với xã hội...

Ngày 5/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015- 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016- 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và các sở GD-ĐT, trường đại học tham gia họp.

Ưu tiên đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT khi tổ chức kì thi THPT quốc gia vừa qua thành công, được nhiều người hoan nghênh. Nhờ đó, sức nóng và sức ép của xã hội đối với kì thi cũng đỡ hơn nhiều năm qua.

Theo Thủ tướng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các kế hoạch phát triển của kinh tế xã hội.

Chúng ta tập trung sức lực trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục nước nhà. Đây là công việc quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa chiến lược lớn lao vì liên quan đến đầu tư cho con người. Các thế hệ nối tiếp nhau để xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hội nhập toàn cầu, kỷ nguyên thông tin và công nghệ cao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Kim Khang)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: Kim Khang)

Để làm được điều này, theo Thủ tướng, cần quán triệt yêu cầu chuyển nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang hình thành nhân cách và phát triển năng lực. Việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy phải ưu tiên hàng đầu, xây dựng chương trình giáo dục mở, thực học.

Theo Thủ tướng, Việt Nam từ một nước nghèo kém phát triển đã trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Trong thành tựu chung đó của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành giáo dục.

Năm học 2015-2016 mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành giáo dục đã đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu triển khai toàn bộ nghị quyết 09/NQTW, đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo, tiếp tục đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, khắc phục bất cập của các năm trước tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình.

“Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa nhậm chức nhưng thú thực, kì thi THPT quốc gia vừa qua đã thành công, giảm nhiều áp lực lo lắng cho phụ huynh học sinh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở vật chất được nâng cao, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Hệ thống công nghệ thông tin được ứng dựng nhiều hơn trong dạy học.

"Đáng mừng cách đây vài hôm nhiều học sinh đạt Olympic quốc tế, đánh giá cao trí tuệ người Việt qua nhiều cuộc thi quốc tế. Điều đó chúng ta ghi nhận đánh giá cao của ngành giáo dục", Thủ tướng chia sẻ.

Nhiều nội dung học phổ thông không có giá trị thực tiễn

Cùng với đánh giá những mặt đã đạt được của ngành giáo dục trong năm qua, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém chỉ mới khắc phục một bước nhưng chưa căn bản.

Về giáo dục phổ thông, chưa coi trọng đánh giá giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nên lo ngại nhiều hiện tượng như: Bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên... Ngành giáo dục phải làm sao để các em biết kính trên nhường dưới, yêu nước, yêu lịch sử.

Đặc biệt, về trình độ ngoại ngữ học sinh phổ thông của nước ta còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được trong thời kì hội nhập sâu rộng. Học sinh còn thiếu kỹ năng sống, nhiều trẻ còn bị đuối nước.

Việc khắc phục quá tải với học sinh phổ thông còn rất chậm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống sau này, trong khi đó kiến thức toàn diện thiếu.

Về giáo dục đại học, nghề nghiệp còn hạn chế chưa gắn với nhu cầu xã hội, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp.

"Trong bất cứ cuộc họp hội đồng nhân dân, quốc hội đều nói đến tỷ lệ % sinh viên ra trường thất nghiệp, nhiều nhà lao động thiếu công nhân. Số trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện dảm bảo chưa đáp ứng được yêu cầu. Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, chúng ta phải chi hàng hàng tỷ USD đưa công nhân ra nước ngoài", Thủ tướng cho biết.

Về chất lượng đào tạo sau đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, theo Thủ tướng, hiện rất đáng lo ngại. Do bệnh thành tích, sính bằng cấp nên nhiều tiến sĩ nhưng thiếu công trình khoa học có giá trị với xã hội. Về điều này, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục cần nghiêm túc.

Lãnh đạo ngành giáo dục cần phải lắng nghe

Về việc quản lý và công tác thanh kiểm tra giáo dục, Thủ tướng cũng chỉ ra, việc quản lý hiện còn bất cập, chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát còn lúng túng.

Vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng. Người dân vẫn lo lắng với việc học hành của con em. Ở thành phố, vấn đề dạy thêm, học thêm, học phí… còn gây lo lắng, căng thẳng cho nhân dân.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Lãnh đạo Ngành giáo dục cần lắng nghe để cùng giải quyết một số vấn đề yếu kém còn tồn tại lâu dài như: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh chưa đạt, cơ sở vật chất vùng sâu vùng xa còn rất khó khăn. Một bộ phận con em còn học tạm bợ, mùa đông giá rét hoặc không có nhà vệ sinh…

Về giáo dục phổ thông- nền tảng giáo dục nói chung, cần đổi mới chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa vừa đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, giảm tải nhanh cho các cháu không nặng nề về khối lượng, không phát triển kiến thức chuyên môn, cần phát triển đều. Nên dạy học sinh biết yêu lịch sử, yêu tổ quốc, kính trên nhường dưới. Giáo dục phổ thông cần chú trọng hình thành nhân cách hơn.

Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục với trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số. Hiện ở một số vùng cao, nhiều người không biết tiếng phổ thông, cán bộ cứ nói nhưng không biết nói gì. Vì thế, ngành giáo dục xác định, phổ cập giáo dục miền núi quan trọng, tạo điều kiện cho mọi người được học tập là vấn đề quan trọng.

Về giáo dục đại học và nghề nghiệp, cần hướng đến công dân toàn cầu, khuyến khích liên kết nhà trường với doanh nghiệp. Đẩy mạnh tự chủ đề đổi mới đại học không chỉ thể hiện trong việc thu chi mà cả trong đào tạo, trong tuyển sinh…

Mỹ Hà