Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Chiều 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và 60 nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đội ngũ giáo viên nói riêng, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung đúng theo tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa cho thành công, là tương lai của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 2

Ngày 20/11 hàng năm được chọn là Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh của toàn xã hội đối với nhà giáo, nghề giáo. Nhân ngày này, Thủ tướng tổ chức buổi gặp mặt những nhà giáo tiêu biểu nhất. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 3

Tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và 40 nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cô giáo Mầm non thắp sáng làng Đồng - Phú Yên

Tại cuộc gặp mặt, cô Phạm Thị Tâm (Giáo viên Lớp Mẫu giáo thôn Phú Đồng - Trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, lập gia đình tại Phú Yên, sinh đôi hai con gái, cuộc sống tự lập khó khăn nhưng cô Tâm vẫn cố gắng học lên đại học rồi cao học.

"Tôi trở thành Thạc sĩ đầu tiên của ngành Mầm non trong huyện với bằng xuất sắc, chuyên ngành giáo dục học - Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hiện tôi đang dạy học tại Thôn Phú Đồng xã Phú Mỡ - một trong những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên. Tôi luôn tự nhủ "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai".

Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, dù đường xá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng tôi vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp", cô Tâm chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 4

Cô Phạm Thị Tâm (Giáo viên Lớp Mẫu giáo thôn Phú Đồng - Trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cô Tâm chia sẻ thêm: "Thật may mắn khi tôi được chính quyền ủng hộ, được cả làng quý mến, tin tưởng và nghe theo nên một số hủ tục lạc hậu bớt dần, các em học sinh không chỉ đầy đủ hơn về vật chất mà còn được nuôi dưỡng về tinh thần.

Bà con không còn phải đi xa 30-40 km xách từng can nước nhỏ về dùng và mỗi khi màn đêm buông xuống thì trên đường làng ngõ xóm trẻ em lại rộn rã vui đùa dưới ánh điện sáng trưng.

Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no...

Nhiều giọt nước sẽ tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ chiến thắng khổ đau, nhiều điều nhỏ bé sẽ lan tỏa khắp cộng đồng để thắp thêm ước mơ, mở dần ra tương lai tốt đẹp hơn cho các em và hướng niềm tin cho cả bản làng về một ngày mai tươi sáng".

Trước khi kết thúc phần phát biểu, cô Tâm tha thiết đề nghị nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các giáo viên và học sinh vùng cao cũng như các vùng đặc biệt khó khăn của Phú Yên và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 5

Cô giáo Ma Thị Hồng (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cũng tại buổi gặp mặt, cô giáo Ma Thị Hồng (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, Lâm Bình là huyện mới thành lập được 10 năm, có 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (60% dân tộc Tày, 30% dân tộc Dao), có hơn 70% là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Sinh kế của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân trí chưa phát triển.

"Tôi và các đồng nghiệp nhiều năm trăn trở làm sao để giúp kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Chúng tôi xác định đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với thị trường lao động, lợi thế đại phương định hướng xuất khẩu lao động.

Phát huy thế mạnh của địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa phong phú, chúng tôi đã tập trung đào tạo nghề du lịch, tổ chức dạy thêm tiếng Nhật vào buổi tối cho người lao động để đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con: Con đường thoát nghèo là có việc làm", cô Hồng chia sẻ.

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ, trực tiếp hỏi thăm, trao đổi với 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho toàn thể hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo có mặt tại đây ngày hôm nay và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ, trực tiếp hỏi thăm, trao đổi với 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho toàn thể hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Qua nghe ý kiến của các thầy cô tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta được hiểu, cảm thông hơn với nghề giáo. Đây là những ý kiến hay, ngắn gọn, làm gì nói nấy, thể hiện sự chân thành, mộc mạc - những yếu tố cốt lõi của ngành giáo dục".

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất xử lý theo thẩm quyền, nhất là về chế độ chính sách liên quan đến đời sống tinh thần, vật chất của các thầy cô giáo.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn: "Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 7

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục đào tạo nói chung và các thầy cô nói riêng. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…".

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - 8

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng 60 nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình.

Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ..., cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngành giáo dục hiện có gần 27 triệu học sinh, sinh viên; gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong đó, Giáo dục Mầm non có 14.969 trường, với 4.349.667 trẻ và 456.155 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Phổ thông có 26.208 trường, với 17.908.236 học sinh và 957.341 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Đại học có 244 cơ sở đào tạo, với 2.021.901 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và 76.576 giảng viên, cán bộ quản lý; Giáo dục nghề nghiệp có 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 2.751.324 học sinh, sinh viên và 83.959 giáo viên, cán bộ quản lý.