Thủ tướng giao liên bộ tạo mọi điều kiện chính sách cho khởi nghiệp

(Dân trí) - Các vấn đề nổi cộm tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì là: cần có khung pháp lý để tạo thuận lợi cho khởi nghiệp; cơ chế vốn và đầu tư riêng cho khởi nghiệp; thủ tục hành chính thông thoáng; cần có sàn chứng khoán cho khởi nghiệp; doanh nghiệp lớn đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngày 29/11, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2018. Tại đây, Thủ tướng lắng nghe nhiều kiến nghị của các công ty, cá nhân khởi nghiệp (startup) về vốn, cơ chế, thủ tục hành chính, kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2018

Tham gia Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp dưới sự chủ trì của Thủ tướng có các đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông..., các ngành liên quan, cùng với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các trí thức trong và ngoài nước.

Mở màn Diễn đàn, đại diện BTC Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, Bí thứ thứ nhất TƯ. Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - Lê Quốc Phong nói: “Với chủ đề Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, T.Ư Đoàn hy vọng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đề xuất, kiến nghị để Chính phủ quan tâm, có những cơ chế, chính sách cần thiết để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo đột phá ngay tại Diễn đàn này và trong thời gian tới".

Trong thời gian 3 giờ, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành đã lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà quản lý kinh tế, các vườn ươm khởi nghiệp, các hội doanh nhân... từ khắp mọi miền Tổ quốc về những vấn đề nóng hổi trong phát triển đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Vấn đề vốn, nhà đầu tư cho startup

Ý kiến đầu tiên tại Diễn đàn này là của bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Chương trình Vietnam Silicon Valley. Bà nói: “Đối với cộng đồng khởi nghiệp, chúng tôi vừa hỗ trợ, vừa đầu tư, qua đó chúng tôi nhận thấy những nhà đầu tư thiên thần đang gặp khó về cơ chế ưu đãi về thuế, về nguồn lực khi đứng ra giúp đỡ về vốn, kiến thức cho các startup”.

Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Chương trình Vietnam Silicon Valley đóng góp ý kiến
Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Chương trình Vietnam Silicon Valley đóng góp ý kiến

Theo bà Thạch Lê Anh, chúng ta chưa có những chính sách rõ ràng, cụ thể cho các nhà đầu tư cho các startup. Việc xin giấy phép cho các nhà đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại diện - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam và Thái Lan. Ông Dũng đưa ra nhận xét rằng dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn, chưa bao giờ hấp dẫn như hiện tại tính trong 10 năm qua.

Nhưng các nhà đầu tư hầu hết mới chỉ có lượng đầu tư vào khoảng 200.000 - 2 triệu USD vào Việt Nam chỉ thích hợp với những startup quy mô nhỏ. Còn những vòng đầu tư lớn hơn 10 - 50 triệu đầu tư vào Việt Nam còn ít. Ông Dũng tin rằng cái quan trọng nhất với các nhà đầu tư là kênh thoái vốn (đầu ra dòng tiền đầu tư).

Bên cạnh đó, ông Dũng nhận thấy vấn đề là các startup cần tiếp cận vốn nhanh nhưng do cơ chế, việc thực hiện cần những thủ tục khiến cho các bước đầu tư không thể triển khai ở tốc độ mà startup cần.

Phía các startup cũng có cùng mối quan tâm về tốc độ chuyển giao dòng vốn. Cụ thể, startup Trần Dũng Lê Văn (Vexere) chia sẻ: “Trong quá trình gọi vốn chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình quá trình gọi vốn của chúng tôi mất 6 tháng đến 1 năm, trong khi tuổi đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp có khi chỉ có vài tháng.

Do vậy chúng tôi phải vay mượn rất nhiều cho tới khi nhận được vốn. Đó là một khó khăn không nhỏ mong Chính phủ có cơ chế để vốn của các nhà đầu tư đến tay startup một cách nhanh nhất”.

Ông Philipp Roesler - thành viên Hội đồng Quản trị Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức
Ông Philipp Roesler - thành viên Hội đồng Quản trị Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức

Góp mặt tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp này, ông Philipp Roesler - thành viên Hội đồng Quản trị Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức nói: “Tôi thấy nhiều startup quan tâm về vốn, thuế. Tôi cho rằng, nhà đầu tư khi nhìn vào một công ty, họ quan tâm nhất là người sáng lập công ty, đó phải là một người có quyết tâm thành công. Đừng nghĩ rằng công ty chỉ ở Việt Nam mà phải mở ra tầm toàn cầu thì mới lôi kéo được nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Roesler cũng đồng ý với ý kiến rằng các startup rất cần vốn nhưng các nhà đầu tư luôn quan tâm trước khi họ đầu tư vào thì cần biết được dòng vốn của họ sẽ thoái như nào. Ông Roesler đề nghị rằng nên có quỹ vốn riêng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Thành lập sàn chứng khoán cho startup, mô hình 1 DN lớn kèm 1 DN startup

Tiếp đó anh Hồ Đức Hoàn - Giám đốc Edu2Review, startup do BSSC ươm mầm đã gọi vốn thành công từ 2 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Anh Hoàn nói: “Thông tin về nhà đầu tư, quỹ đầu tư tại Việt Nam còn rất là manh mún, chưa có cổng thông tin tập trung để startup tìm kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bản thân tôi đã rất khó khăn để tìm thấy nhà đầu tư phù hợp với doanh nghiệp mình”.

Anh Hoàn đề xuất cần có cổng thông tin hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chính thức để các startup tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm sự hỗ trợ vốn, tin tức, nhà tư vấn, đối tác...

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT

Đại diện những doanh nghiệp lớn trong nước, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nói: “Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là chạy rất nhanh, nên quan trọng nhất là tốc độ. Ta có nhiều người trẻ có khát vọng nhưng môi trường lại chưa bằng các nước “hàng xóm”. Vì vậy chúng ta cần phải đột phá:

Đột phá đầu tiên là mở sàn chứng khoán cho các startup. Ta đi trước một bước mở sàn chứng khoán ASIAN tại Việt Nam thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp và vốn từ nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ trong nước.

Đột phá thứ hai là về cơ chế. Nếu xin giấy phép, làm thủ tục theo cách thông thường thì tốn nhiều thời gian, vậy thì không còn là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nữa.

Đột phá thứ ba là chỉ cần 1 Bộ chăm sóc các doanh nghiệp trong 2 năm sau đó sẽ thấy rất nhiều đột phá”.

Anh Đặng Văn Lâm - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN khóa 6 có lời khuyên với startup: “Chúng ta muốn kêu gọi vốn, muốn bán DN mình với giá rất cao. Nhưng tôi muốn khuyên các startup nghiên cứu kỹ để đưa ra mức giá hợp lý, tìm hiểu về khối lượng vốn của nhà đầu tư”.

Anh Lâm cũng chỉ ra điển hình giúp đỡ khởi nghiệp 1 kèm 1 ở Yên Bái, chỉ cần 2-3 năm sẽ trưởng thành. Anh kiến nghị các doanh nghiệp lớn kèm cặp các startup.

Đại diện VNPT chia sẻ đang đặt hàng nhiều trường đại học, các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu khoa học sáng tạo. Nhờ vậy, rất nhiều nhà khoa học, các bạn sinh viên tham gia vào phát triển khoa học sáng tạo.

Chị Linh Phạm - startup về công nghệ vận tải đã gọi được vốn 2,5 triệu đô lại có suy nghĩ khác: “Có ý kiến rằng nên gọi vốn “phải chăng”, nhưng tôi cho rằng nếu gọi vốn nhỏ thì mức độ cạnh tranh rất lớn. Nhưng nếu như bạn đang giải quyết những vấn đề lớn của các quốc gia như là logistic, giao thông vận tải thì hãy gọi vốn lớn, để có thể xử lý vấn đề ở quy mô lớn”.

Một startup từ nước ngoài về mong muốn được mở rộng cơ chế mang những sản phẩm khởi nghiệp chất lượng quốc tế về khởi nghiệp tại Việt Nam, để người dân Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm cao cấp, mang lại lợi ích kinh tế cho nước nhà.

Tại diễn đàn, nhiều startup có chung sự quan tâm là tinh gọn thủ tục hành chính dành cho startup.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, thành viên sáng lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC)
Bà Trương Lý Hoàng Phi, thành viên sáng lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC)

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, thành viên sáng lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC) bày tỏ kinh nghiệm: “Về vốn, startup khao khát sản phẩm của mình chạm đến những doanh nghiệp lớn. Do vậy những doanh nghiệp lớn đầu ngành có vai trò dẫn đầu, dẫn dắt rất lớn với startup. Do đó cần có cơ chế ưu tiên cho những doanh nghiệp lớn tham gia hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp.

Nếu thành lập quỹ đầu tư của Nhà nước, cho vay vốn thì cần phải có cơ chế phù hợp vì khởi nghiệp có tỉ lệ rủi ro lớn”.

Đại diện Vietin Bank nêu lên rằng một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước như Vietin Bank muốn mua các sản phẩm cho các DN khởi nghiệp đặc biệt là về công nghệ nhưng gặp khó ở khâu xét duyệt vì độ uy tín không cao. Do vậy cần có cơ chế để có thể mua sản phẩm từ các startup.

Ông Vũ Duy Thức, chuyên gia trở về từ Silicon Valley, Mỹ là người có nhiều kinh nghiệm làm về CNTT và khởi nghiệp cho rằng nên đưa các chương trình dạy về công nghệ tiên tiến và cách thức khởi nghiệp tới các trường học ở Việt Nam, đặc biệt là tạo điều kiện cho các trí thức, startup ở nước ngoài về giảng dạy, truyền cảm hứng cho giới trẻ trong nước.

Thủ tướng giao liên Bộ Tài chính - KHĐT - KHCN tạo mọi điều kiện chính sách cho startup

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đáp rằng Chính phủ và các Bộ ngành sẽ xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến, đề xuất hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Bộ sẽ xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Bộ sẽ xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp

Thủ tướng nói rằng, năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, từ đó tới nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công nhờ vào khát vọng và nỗ lực. Thủ tướng đặt niềm tin lớn vào thế hệ trẻ - những người đã được đào tạo bài bản và đang nỗ lực tiếp bước ông cha trong xây dựng đất nước.

Thủ tướng nhận thấy điểm chung của các quốc gia khởi nghiệp thành công là: đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm và không sợ thất bại.

“Thất bại là mẹ thành công, nếu sợ thất bại chắc chắn sẽ không thành công. Dám làm, dám chịu trách nhiệm và chấp nhận thất bại để thành công”, Thủ tướng nói.

Từ trước tới nay, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ như hiện nay. Điều đó nghĩa là người dân, doanh nhân đang cùng với Chính phủ hành động để đưa đất nước vươn lên. Nếu không có khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta không thể phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng ghi nhận: “Hôm nay các bạn đưa ra nhiều vấn đề, tôi ghi lại những vấn đề cần nghiên cứu sâu: cần có khung pháp lý để tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo; cần có cơ chế vốn và tài chính cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thủ tục hành chính thông thoáng cho khởi nghiệp; đề xuất có sàn chứng khoán để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia; tư vấn, cố vấn cho doanh khởi nghiệp; doanh lớn tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Thủ tướng giao liên Bộ Tài chính - KHĐT - KHCN tạo mọi điều kiện chính sách cho startup
Thủ tướng giao liên Bộ Tài chính - KHĐT - KHCN tạo mọi điều kiện chính sách cho startup

Thủ tướng hứa rằng Chính phủ sẽ đổi mới chính sách mạnh mẽ, tạo sân chơi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện về chính sách và môi trường để các ý tưởng khởi nghiệp thành công.

Thủ tướng nói: “Cơ chế tài chính tôi giao cho Bộ Tài Chính, Bộ KHĐT, Bộ KHCN để nghiên cứu vấn đề này. Cần phải có cơ chế riêng cho DN khởi nghiệp vì đây là đầu tư có nhiều rủi ro; giao Bộ KHCN tiếp nhận trực tiếp các kiến nghị của các khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, để thực hiện khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta phải giao việc cụ thể để triển khai, không nói chung chung”.

“Chúng ta phải đưa Thánh Gióng vào hiện thực đất nước. Giới trẻ phải có khát vọng lớn để đưa dân tộc chúng ta tiến lên. Tôi mong Việt Nam sẽ có thêm nhiều người trẻ góp phần thay đổi đất nước, thay đổi thế giới, làm cho chúng ta giàu mạnh không thua kém dân tộc nào”, Thủ tướng kết luận.

Mai Châm