Thứ trưởng Bộ Giáo dục rơi nước mắt khi thấy cảnh trẻ bị hành hạ

Hành vi bóp cổ, tát, dốc đầu bé vào thùng phi đựng nước vì trẻ không chịu ăn tại trường mầm non tư thục Phương Anh, TP Hồ Chí Minh được công bố ngày 17/12 đã khiến cơ quan công an phải đưa vụ việc vào diện xử lý hình sự.

Ngày 17/12, một clip dài hơn 8 phút được quay nhiều lần trong giờ ăn cơm tại Trường mầm non tư thục Phương Anh, 18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh cho thấy các cô bảo mẫu liên tục dùng tay bóp cổ, lấy khăn bịt mũi, tát, thậm chí còn bế một cháu bé lên cắm đầu bé vào thùng nước dọa ném vào thùng nếu các bé không chịu ăn.
 
Sự việc ngay lập tức khiến người dân phản ứng mạnh trước hành vi không thể chấp nhận của các cô bảo mẫu, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại của các bậc phụ huynh có con đi gửi tại các trường mầm non. "Thật đáng sợ. Không phải con mình mà cũng thấy xót ruột. Không biết bố mẹ các bé thấy được cảnh này thì đau lòng thế nào. Mà còn biết bao nhiêu bé đang hàng ngày phải chịu những hành động tương tự tại các cơ sở mầm non cả nước?” – Chị Nguyễn Mai Hạnh, nhân viên Bưu điện Hà Nội chia sẻ.

Trước sự nghiêm trọng của vụ việc, chiều ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, bản thân bà cũng không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những hình ảnh này. Ngay lập tức, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh, kiểm tra, phối hợp với chính quyền UBND quận Thủ Đức báo cáo Bộ GD-ĐT. Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, ngày 17/12, bộ đã nhận được báo cáo ban đầu cho thấy đây là nhóm lớp chưa được cấp phép. Dù cô Phương (chủ nhóm lớp) có trình độ đại học mầm non nhưng cô Thiên Lý và cô Điều chưa qua đào tạo. Và họ vẫn treo biển và lén lút đón nhận trẻ. Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, các cá nhân liên quan đến vụ việc này tùy mức độ vi phạm đã bị đề nghị xử lý hình sự, kiểm điểm công tác quản lý trên địa bàn.

Nói về công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ: “Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của địa phương khi chưa kiểm soát được tình trạng này… Qua đây, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương và đặc biệt ở các khu công nghiệp phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh. Nhiều người mở lớp mầm non chỉ để kinh doanh mà không quan tâm tâm lý, tình cảm, nhu cầu của trẻ”.

Về biện pháp khắc phục lâu dài, Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị Chính phủ, các địa phương khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, chế xuất nhất định phải có trường lớp cho trẻ mầm non. Bên cạnh đó, trong trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương, nhà quản lý, nhà giáo để xem xét điều chỉnh tăng hơn nữa trình độ của chủ nhóm lớp.

Theo Duy Anh
ANTĐ
Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát