Thủ khoa THPT Bạc Liêu: "Nói Sử khô khan có lẽ do học chưa đúng cách"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Vượt qua hàng ngàn thí sinh của tỉnh Bạc Liêu, nam sinh Nguyễn Hoàng Phúc đam mê lịch sử đã giành thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh.

Nam sinh Nguyễn Hoàng Phúc quê ở xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Phúc là học sinh lớp 12 của trường THPT Bạc Liêu (TP Bạc Liêu).

Nhà Phúc cách trường hơn 12km nên trong 3 năm học THPT em từ vùng quê ra TP Bạc Liêu ở trọ gần trường để tiện cho việc học tập.

Thương cha mẹ vất vả, suốt 12 năm học, Phúc luôn cố gắng học tốt để đạt kết quả khá giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa qua, Phúc được 54,55 điểm (Toán: 9, Văn: 9, Sử: 9,75, Địa: 9,75, Giáo dục công dân: 9,25, tiếng Anh: 7,8), trở thành thủ khoa của tỉnh Bạc Liêu.

Thủ khoa THPT Bạc Liêu: Nói Sử khô khan có lẽ do học chưa đúng cách - 1

Nam sinh Nguyễn Hoàng Phúc, thủ khoa tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Khi làm bài thi và dò lại kết quả sau đó em không quá bất ngờ khi mình đạt được điểm cao nhưng em rất vui. Em bất ngờ nhất khi biết mình là thủ khoa vì em thấy còn rất nhiều bạn học giỏi lắm", Phúc chia sẻ.

Hoàng Phúc từng đạt giải nhì học sinh giỏi môn Sử cấp tỉnh trong 3 năm liền từ lớp 9-11. "Em chọn học ngành sư phạm Sử của trường Đại học Sư phạm TPHCM với mong muốn trở thành giáo viên dạy Sử", Phúc nói.

Thủ khoa Bạc Liêu chia sẻ về môn Lịch sử

Hoàn cảnh gia đình Phúc không ít khó khăn, cha em làm ruộng và từ khi em ra thành phố học cấp 3, mẹ em đi bán vé số để kiếm tiền phụ thêm chi phí lo cho con ăn học. Không chỉ vậy, cha của Phúc nhiều năm qua vẫn còn mang trong mình căn bệnh động kinh nên lúc mê lúc tỉnh cần phải uống thuốc thường xuyên.

"Hoàn cảnh gia đình có những éo le như vậy nên vợ chồng tôi vẫn quyết tâm cho con ăn học để sau này có cái nghề nuôi thân, không phải vất vả làm ruộng, không có việc làm ổn định để khó khăn như cha mẹ", chị Ngô Thị Hồng, mẹ của Phúc chia sẻ.

Thủ khoa THPT Bạc Liêu: Nói Sử khô khan có lẽ do học chưa đúng cách - 2

Phúc cùng cha, mẹ và em gái (Ảnh: Huỳnh Hải).

Trò chuyện với PV Dân trí, Hoàng Phúc cho biết, em chọn học ngành sư phạm Sử vì yêu thích môn này và thích truyền đạt kiến thức, học ngành sư phạm cũng phù hợp với điều kiện của gia đình em. Cha mẹ Phúc rất đồng tình việc chọn ngành của con trai.

Nói về môn Sử, Phúc cho rằng, đây là môn học rất đặc biệt so với nhiều môn học khác. Học Sử để tìm hiểu về quá khứ, khơi dậy tinh thần dân tộc, hiểu hơn thế hệ cha ông đi trước đã đổ máu xương giành độc lập cho dân tộc. Em quý trọng điều đó nên em muốn tìm hiểu môn Sử.

Nhiều người cho rằng môn Sử học rất "khô khan" thì theo Phúc: "Em thấy rằng không ai chán ghét lịch sử dân tộc, có lẽ do cách học chưa phù hợp nên có bạn còn nhìn nhận chưa đúng về môn Sử. Như Bác Hồ đã nói: "Dân ta phải biết sử ta", nhưng hiện nay có tình trạng nhiều bạn trẻ "quên" lịch sử dân tộc thì điều đó rất đáng buồn", Hoàng Phúc bày tỏ.

Thủ khoa THPT Bạc Liêu: Nói Sử khô khan có lẽ do học chưa đúng cách - 3

Hoàng Phúc cho biết, em chọn học ngành sư phạm Sử vì yêu thích môn này và muốn trở thành giáo viên để truyền đạt kiến thức môn học mà nhiều người cho rằng "khô khan" (Ảnh: Huỳnh Hải).

Để học tốt môn Sử, từ bản thân mình, Hoàng Phúc chia sẻ, trước hết phải thích lịch sử cả Việt Nam và thế giới. "Đừng học một cách máy móc hay quá chú trọng nguyên văn sách giáo khoa, như với sự kiện nào đó mình có thể liên tưởng hình ảnh hơn một chút để dễ nhớ kiến thức", Phúc bật mí.

Dự tính của Hoàng Phúc sau khi ra trường em sẽ về quê nhà làm việc và nếu cơ hội em muốn về giảng dạy ở trường cấp 3 mà em từng học. Sau đó, khi có điều kiện, em cũng muốn đi học cao hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức phục vụ tốt nhất cho công việc của em.