Thủ khoa đại học Y Hà Nội liệu có phải tạm gác việc học để nhập ngũ?

(Dân trí) - Đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tiến mong học thật giỏi, ra trường sớm có làm việc giúp gia đình trả món nợ gần 100 triệu đồng. Thế nhưng, hôm qua 31/7, Tiến lại vừa nhận được yêu cầu phải thường xuyên có mặt ở nhà để nhận lệnh nhập ngũ.

Cả tuần nay xóm nghèo ở thôn Động Phí (xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) ai cũng hớn hở, rộn ràng như nhà có cỗ với câu chuyện hai anh em sinh đôi (học lớp A1 trường Cấp III Ứng Hòa A) nhà bà Thanh, ông Định thi đỗ đại học với số điểm cao ngất. Nhiều người cũng băn khoăn, lo lắng không biết, thủ khoa đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến liệu có phải tạm gác giấc mơ trở thành bác sĩ để lên đường nhập ngũ hay không?

Vay lãi ngày cho 4 con vào đại học

Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp, vôi vữa bong tróc vì vừa trải qua trận mưa dài ngày, xung quanh chỉ bề bộn sách và sách. Ai vào căn nhà trống hoác đó cũng muốn tậm mắt xem cho thỏa sự hoài nghi bảng điểm đại học của hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến thi đại học Y Hà Nội với số điểm là 29,5 điểm, Đại học Dược 27 điểm; em trai Nguyễn Hữu Tiền thi Đại học Bách Khoa 26 điểm, đại học Y Hà Nội 25 điểm.

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội phải thường xuyên ở nhà đợi lệnh nhập ngũ

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (áo xanh) và Nguyễn Hữu Tiền (áo đỏ) tự học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học

Tiếp chuyện chúng tôi, khuôn mặt chị Hoàng Thị Thanh (mẹ của Tiến và Tiền) chập chờn buồn vui lẫn lộn. Nhìn bảng điểm thi đại học của con trên tay chị Thanh rơm rớm nước mắt nói: “Biết tin thằng lớn đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội, thằng bé đạt 26 điểm Đại học Bách Khoa, lúc nào hàng xóm, láng giềng cũng kéo đến chật kín nhà chúc mừng. Nhưng quả thực nhiều lúc tôi cũng không biết buồn hay vui vì quẩn quanh ý nghĩ lấy đâu ra tiền cho hai đứa nhập trường”.

Kinh tế khó khăn nhưng bốn người con của chị Thanh học rất giỏi (trước Tiến và Tiền còn hai chị gái một là sinh viên Đại học Quốc gia và Cao đẳng Giao thông) và đó cũng là động lực cho vợ chồng chị vượt qua gian khó nuôi bằng được quyết tâm cho con vào giảng đường Đại học. Để có tiền cho con đi học, ngoài thời gian chăm bẵm mấy sào ruộng, hàng ngày chị Thanh phải đi vặt lông gà, lông vịt thuê xuyên đêm (từ 23h hôm trước đến 8h sáng hôm sau), còn anh Định ra trung tâm Hà Nội làm đủ nghề từ vá xe đạp, xe ôm, dọn nhà thuê…

Nuôi nhiều con ăn học, trong khi đó công việc không ổn định nên mỗi đợt vào đầu năm học mới chị Thanh anh Định phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng học cho con. “Chi nhiều hơn thu, đôi lúc nhẩm tính số tiền vay anh em hàng xóm, ngân hàng và cả lãi ngày lên đến gần 70 triệu đồng, tôi thấy run hết cả người vì không biết phải làm gì để trả được nợ trong khi đó hai thằng út lại sắp nhập trường”, chị Thanh bùi ngùi nói.

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội phải thường xuyên ở nhà đợi lệnh nhập ngũ

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến lo đi bộ đội sẽ ảnh hưởng đến quá trình học đại học của em sau này

Ngày Tiến và Tiền chuẩn bị đi thi đại học, chị Thanh cũng chạy khắp xóm để vay tiền nhưng không được, vì nợ nhiều quá thành ra ai cũng sợ. Hết cách, vợ chồng chị Thanh đành nhờ cậu em đứng ra vay lãi ngày được vài triệu. Nhưng do sợ lãi mẹ đẻ lãi con như những lần trước, nên chị đành đứt ruột bán tài sản có giá trị nhất trong nhà đi - cặp bò mẹ con. Bán được cặp bò với giá 18 triệu đồng chị chia làm nhiều khoản, trong đó một phần để trả nợ, phần nữa cho hai cô con gái đi học, phần nhỏ còn lại để lo ăn, ở cho Tiến và Tiền đi thi đại học.

Chút băn khoăn của Thủ khoa
 
Chưa biết tiếp tục kiếm đâu ra cả chục triệu cho bốn đứa con nhập trường năm học mới thì từ hôm qua 31/7, cả gia đình chị Thanh có thêm chút băn khoăn và lo lắng đó là thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến vừa nhận được thông báo trúng tuyển sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2013.

Người thân đến chia vui nhưng gia đình Tiến và Tiền vẫn chập chờn nhiều lỗi lo

Người thân đến chia vui nhưng gia đình Tiến và Tiền vẫn chập chờn nhiều lỗi lo

“Lúc nhận được giấy trúng tuyển, cháu có lo lắng phải tạm gác giấc mơ vào giảng đường học thành bác sĩ. Gia đình chúng tôi sẽ làm theo quy định của Nhà nước nhưng không hiểu liệu có “bảo lưu” được thông báo đó, đợi đến khi Tiến nó học xong đại học mới đi bộ đội được không”, ông Hiếu - ông ngoại của Tiến băn khoăn nói.

Trong thông báo của Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa còn yêu cầu Tiến phải thường xuyên có mặt tại gia đình, địa phương nơi cư trú từ ngày trúng tuyển đến hết ngày 15/9/2013 để nhận lệnh gọi nhập ngũ và bàn giao cho đơn vị quân đội.

Tâm sự với chúng tôi, Tiến cho biết thi đại học là em quyết tâm học thật giỏi ra trường sớm có việc làm để trả nợ giúp bố mẹ chưa thể thực hiện được. “Nếu mất gần 2 năm đi bộ đội, kiến thức lúc đó chắc rụng rất nhiều, quay về trường Đại học Y Hà Nội em không biết mình có học được nữa không”, Tiến bày tỏ băn khoăn.

Trao đổi với chúng tôi ông Đỗ Văn Thành - trưởng thôn Động Phí cho biết, về nguyên tắc bất kể ai cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp của Tiến cũng vậy, nên đại diện các đoàn thể trong thôn vào động viên Tiến đi khám sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Theo ông Thành, thời gian tới thôn sẽ có đề nghị tới cơ quan chức năng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với Tiến.

“Con nhà nghèo, học giỏi, lại đỗ thủ khoa một trường đại học lớn như vậy nhiều người có muốn chẳng được, nên chúng tôi sẽ đề nghị cho Tiến được hoãn lại việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”, ông Thành nói.

Quang Phong