Thời gian học trực tuyến cho trẻ lớp 1 chỉ nên từ 20 -25 phút/tiết học

Hồng Đào

(Dân trí) - Không thể bê nguyên xi của dạy trực tiếp vào trực tuyến. Thời gian học mỗi tiết chỉ nên từ 20-25 phút, mỗi tuần khoảng 20 tiết. Làm như vậy để trách áp lực học tập, đảm bảo sức khỏe cho học sinh...

Năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt khi sắp đến ngày khai giảng, nhưng nhiều tỉnh thành trong cả nước còn đang giãn cách phòng chống dịch theo chỉ thị 16. Bộ GD-ĐT ra kế hoạch khung thời gian năm học 2021-2022 ngay trong thời điểm này khiến phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên.

Thời gian học trực tuyến cho trẻ lớp 1 chỉ nên từ 20 -25 phút/tiết học - 1

Để dạy trực tuyến hiệu quả, giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý học sinh, chất lượng giáo dục.

Nếu không học trực tuyến sẽ "trở tay" không kịp

Ngày 12-8, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục tiểu học, bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, không thể giữ suy nghĩ chuyển tạm sang học trực tuyến, chờ yên cho học sinh đến trường nữa. Thay vào đó, phải xác định dịch Covid-19 có diễn biến khó lường khi có nhiều chủng mới. Và dịch bệnh là câu chuyện dài mà ta phải thích ứng với nó.

Tình trạng bệnh dịch ngày càng có diễn biến hết sức phức tạp trong khi quỹ thời gian đến ngày tựu trường 1/9 còn quá ít.

Đợt dịch thứ 4 ở nước ta theo tin mới nhất từ Bộ Y tế chỉ có 2/63 tỉnh, thành 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Vì vậy, ngay từ lúc này phương án dạy học  cho học sinh các cấp học phổ thông được đặt ra.

Sức khỏe của học sinh và giáo viên là trên hết, việc tập trung học sinh đến trường vào thời điểm dịch còn đang tiếp diễn là khó có thể xảy ra nên nhiều nơi, nhiều trường học đã lên "kịch bản" khai giảng và dạy học trực tuyến.

Trong tâm dịch phía Nam, tỉnh Bình Dương là tỉnh đầu tiên ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS, THPT tựu trường bắt đầu từ 1/9, khai giảng ngày 5/9. Dự kiến học sinh các cấp học của Bình Dương sẽ học trực tuyến trong 2 tháng.

Các tỉnh có diễn biến dịch căng thẳng như Đồng Nai, Long An… và thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chọn phương án cho năm học mới. Ngày 9/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi đến các Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, UBND các huyện, thành phố và Viettel Đồng Nai khẩn trương nghiên cứu để đề xuất phương án khai giảng và dạy học trực tuyến năm học 2021-2022.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng, cần phải tính đến việc dạy học trực tuyến vì nhiều lí do. Trước tiên, thời điểm đại dịch kết thúc chưa thể dự báo một cách chính xác.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã có thông tư về dạy học và công nhận kết quả dạy học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục. Đây là tính pháp lý để các trường công nhận kết quả của học sinh.

Thứ ba, năm học 2021-2022 theo kế hoạch sẽ thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Nếu cứ chần chừ chờ dạy trực tiếp thì mọi kế hoạch sẽ bị "vỡ" và có khi trở tay không kịp.

Giáo viên thiết kế bài giảng đảm bảo sức khỏe cho học sinh

Không ít phụ huynh băn khoăn về việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1. Đó là điều chính đáng khi là năm học đầu đời của trẻ. Trẻ chưa thể tự học trực tuyến được nhưng chúng ta cứ đợi dịch hết mới dạy trực tiếp thì liệu có khả thi? Nếu dịch vẫn kéo dài, trẻ lớp 1 không lẽ sẽ phải dừng học 1 năm và có thể hơn.

Nói vậy để thấy rằng chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ tâm lý để học trực tuyến. Một thầy giáo có hơn 30 năm trong nghề dạy học tâm tư: "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học là thông điệp Bộ GD-ĐT gửi đến giáo viên và phụ huynh. Có không ít quan niệm cho rằng, việc học là cả đời, ngừng học 1 năm cũng không sao.

Thế nhưng, chúng ta thật có lỗi với trẻ khi đã bỏ phí một năm học quý giá của học sinh trong khi ngành giáo dục có thể khắc phục những khó khăn để truyền thụ kiến thức cho các em trong đại dịch đang căng thẳng này".

Phụ huynh hay cả chính giáo viên, cán bộ quản lý còn nghi ngờ về chất lượng của hình thức dạy trực tuyến như không có sự tương tác tốt giữa thầy và trò, thầy khó quản lý, bao quát hết việc học của trò… Những vấn đề đặt ra đó là đúng nhưng chưa đủ. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đã tổ chức dạy trực tuyến từ khá lâu.

Trong thời đại thông tin toàn cầu thì việc thay đổi hình thức học là tất yếu. Hiện nay, các phần mềm dạy học trực tuyến trong và ngoài nước đã đáp ứng việc dạy học trực tuyến một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, nhiều trang học online được thiết kế khá phù hợp. Giáo viên có thể thiết kế bài tập, câu hỏi trắc nghiệm, đáp án, biểu điểm, học sinh làm bài xong là cho ngay kết quả, điểm bài làm.

Thầy giáo có kinh nghiệm dạy online cho rằng, dạy học trực tuyến bằng phần mềm Zoom chẳng hạn, giáo viên có thể điểm danh học sinh, nắm được sự theo dõi bài vở của các em vì trên màn hình hiển thị hết hình ảnh của học sinh, thầy và trò tương tác với nhau rất nhanh, lớp học không thể ồn ào vì giáo viên đã tắt chức năng tiếng của mỗi học sinh, các em trả lời, làm bài ngay trên điện thoại hay máy tính. Hơn nữa, học trực tuyến sẽ giúp các em có kỹ năng tự học, tiếp cận tốt công nghệ thông tin…

Phó hiệu trưởng trường tiểu học cho biết: "Để dạy trực tuyến hiệu quả, giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý học sinh, chất lượng giáo dục.

Theo nhiều nhà giáo có kinh nghiệm dạy trực tuyến thì, nội dung dạy trực tuyến cần khác với dạy trực tiếp. Không thể bê nguyên xi của dạy trực tiếp vào trực tuyến. Thời gian học mỗi tiết chỉ nên từ 20-25 phút, mỗi tuần khoảng 20 tiết. Làm như vậy để tránh áp lực học tập, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, hiệu quả dạy và học được đảm bảo".

Sớm dạy bài mới bằng hình thức trực tuyến qua nhiều phần mềm tiện ích cho học sinh thì các trường sẽ chủ động hơn về quỹ thời gian. Khi đi học lại giáo viên sẽ đánh giá, kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh và có kế hoạch củng cố, dạy tiếp bài mới. Làm được như vậy, vừa đảm bảo được chương trình và chất lượng giáo dục. Không có tình trạng "rút ngắn" bài dạy, cắt xén chương trình hay bỏ một phần nội dung kiến thức.

Học trực tuyến cần sự đồng hành của cha mẹ

Đại dịch thế giới Covid - 19 khiến cha mẹ học sinh làm "nhà sư phạm bất đắc dĩ" của con mình. Việc nghỉ học dài ngày của học sinh đã được các nhà trường tổ chức ôn tập hay dạy kiến thức mới cho học sinh bằng hình thức online từ năm học trước. Kinh nghiệm cho thấy, để học sinh học tập hiệu quả cần phải có sự song hành của phụ huynh.

Các hình thức dạy học online chỉ có hình thức dạy học trực tuyến là có sự tương tác cao giữa thầy và trò, còn các hình thức khác là sự tự giác học tập của học sinh. Vì vậy, vai trò của cha mẹ trong học tập của con, nhất là học sinh những lớp học đầu tiểu học có vai trò rất quan trọng.

Với những "nhà sư phạm bất đắc dĩ", thật khó để hướng dẫn con cái trong quá trình học tập, song không phải là không thể, thậm chí nhiều người còn có thể làm tốt việc này.

Đối với học sinh lớp 1, vấn đề nan giải được phụ huynh những ngày này hết sức băn khoăn, lo lắng khi con em phải học trực tuyến. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ chưa biết đọc, chưa biết viết thì học là khó khả thi.

Bức xúc này có thể hiểu được từ phía phụ huynh song chúng ta cần bình tĩnh để nhìn nhận và tìm hướng giải quyết. Với những học sinh đã học ở trường mầm non thì phụ huynh có thể yên tâm vì các em này đã được nhà trường dạy trẻ làm quen với đọc, viết chữ.

Những trẻ chưa qua các lớp mầm non thì cần phải có sự hỗ trợ của cha mẹ. Từ sự hướng dẫn của giáo viên về cách ngồi học, cách cầm bút, viết chữ, cách đọc, phụ huynh sẽ hỗ trợ con trẻ làm quen việc học trước khi bước vào học trực tuyến.

Sự đồng hành của phụ huynh như chỉ cho trẻ sử dụng phần mềm dạy- học trực tuyến: mở video, bật và tắt mic, các tình huống xảy ra trong học tập. Những ngày đầu học trực tuyến, cha mẹ cần theo sát trẻ để tạo tâm lý vững vàng, tự tin cho các em. Song song đó, giáo viên chú ý đến việc thiết kế bài giảng lôi cuốn tạo hứng thú, tránh áp lực, làm sao cho tiết dạy thật nhẹ nhàng, cuốn hút.

Về vấn đề đồng hành trong việc học cùng con trẻ, theo các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học thì đòi hỏi cha mẹ phải nắm vững tâm sinh lý trẻ và những nguyên tắc dạy học, giáo dục.

Đầu tiên là không đẩy trẻ vào trạng thái lo lắng, gây áp lực học tập. Trẻ có thể quên kiến thức này, kiến thức kia, cha mẹ xem con trẻ bị hổng ở đâu để giúp các em dần lấy lại cân bằng.

Cũng không quá thiếu tự tin khi trẻ hỏi những kiến thức mà cha mẹ đã quên hoặc gặp khó khăn, trả lời không được. Gặp tình huống này, không nên cáu gắt, bực tức và có suy nghĩ thái quá. Đó là chuyện bình thường, vấn đề là cùng trẻ tìm hướng giải quyết qua sách vở, trên mạng.

Phụ huynh cần nắm vững các mức độ tiếp thu bài của trẻ để có cách học cùng con. Cha mẹ làm bạn, động viên, khích lệ và dần dần rèn cho trẻ ý thức tự học, tự khám phá kiến thức để tự tin trong học tập. Có như vậy mới giúp con trẻ vượt qua năm học trong đại dịch đầy khó khăn và nhiều thách này.