Bạn đọc viết:

Thiêng liêng hai tiếng “thầy cô”

(Dân trí) - Đang chạy xe trên đường, bỗng tiếng “thưa cô” vang lên. Thanh âm gọi với theo từ mấy em học sinh tan trường ấy làm lòng người vui đến lạ...

Khi tôi đang gõ những dòng này thì chiếc điện thoại rung nhẹ và hiện lên dòng chữ “Cô ngủ chưa cô?” từ trò cũ. Em ấy là một trong số những “đứa con” đầu tiên của tôi hơn mười năm về trước. Ngày ấy, tôi là cô giáo trẻ bỡ ngỡ về trường, các em thỉnh thoảng vẫn gọi “chị” đầy mến thương. Giờ các em đã tung cánh về nhiều phương trời nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên và kỷ niệm vẫn đầy ắp, ấm áp trong tim.

Trò mới thì ngày ngày vẫn léo nhéo “cô ơi”, “ơi cô”, “cô ơi cô” mỗi khi giải bài tập không xong hoặc là muốn năn nỉ khuất hẹn thời gian nộp bài. Đang chạy xe trên đường, bỗng tiếng “thưa cô” vang lên. Thanh âm gọi với theo từ mấy em học sinh tan trường ấy làm lòng người vui đến lạ. Vào quán cơm bụi, đang loay hoay gọi cơm, lại giật mình vì hai tiếng “thưa cô”. Cô trò cùng cười nhìn nhau, e thẹn…

Giữa bao nhiêu bộn bề tất bật của cuộc sống và vòng vây ảm đạm của nhiều câu chuyện buồn về giáo dục, may mắn thay ngày ngày tôi vẫn bắt gặp những lời thưa gửi, lời chào hỏi “Cô ơi” ấm áp. Lòng tôi bỗng nhẹ tênh trút bỏ bao ưu phiền đeo đẳng lâu nay.

Nghề giáo, đâu đơn giản là ngày ngày lên lớp truyền đạt kiến thức cho lớp lớp thế hệ học trò. Nghề giáo còn là nghề “trồng người”, gieo tính cách, uốn tâm hồn và vun xới nhân cách cho con trẻ. Và muốn “dạy người”, lẽ tất nhiên thầy phải là một tấm gương mẫu mực, sáng trong.

Tấm gương của thầy cô không nhất thiết phải chỉn chu trong mọi hành động, lời nói, suy nghĩ, thái độ. Nhưng mỗi thái độ, suy nghĩ, lời nói, hành động ấy lại cần đạt được sự chuẩn mực nhất định, vừa đủ để trò vừa kính vừa mến và phục.

Làm thầy khó lắm, ngoài việc trau dồi một vốn tri thức uyên thâm, “biết mười dạy một” còn phải trui rèn sự kiên nhẫn, lòng bao dung. Và quan trọng nhất là phải trang bị cho mình một tình yêu thương con trẻ.

Có tình yêu thương, người thầy mới đủ kiên nhẫn giảng lại bài toán khó. Có tình yêu thương, thầy mới quyết tâm vượt đường xa đón trò quay lại lớp. Có tình yêu thương, thầy mới đủ bao dung trước lỗi lầm của trò, dẫu cho mọi người có quay lưng, phê phán thì tấm lòng của thầy vẫn còn chỗ cho em nương náu và vòng tay thầy vẫn sẵn sàng nắm lấy tay em đi tiếp chặng đường dài chông gai…

Bởi vậy, không yêu thương con trẻ, xin đừng làm nhà giáo. Đối tượng bạn tiếp xúc mỗi ngày không phải là đống giấy tờ, sản phẩm may mặc, dây chuyền máy móc… như nhiều ngành nghề khác. Mỗi chuyến “đò” tri thức hàng năm, bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu con người với những cá tính riêng biệt.

Người thầy còn phải là một người cha, người mẹ và người bạn của trò. Phải nhanh nhạy nắm bắt được ánh mắt cô bé này hôm nay sao buồn quá, theo dõi được lực học cậu bé kia bỗng dưng sút hẳn,… Một vẻ mặt nghi ngại, một lời nói ấp úng… cũng sẽ là những “tín hiệu” khiến thầy biến thành nhà tâm lý giải mã và giải tỏa những vướng mắc trong lòng trò.

Hành trình gieo con chữ, gieo nết người dài đăng đẳng và đầy chông gai. Nhưng tôi tin rằng với những hạt mầm yêu thương, kiên nhẫn và bao dung mỗi ngày bạn gieo xuống, quả ngọt vẫn đang đợi chờ bạn ở phía trước.

Nhìn lại chặng đường cầm phấn của mình, tôi không dám khẳng định mình đã đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn, đủ bao dung với trò. Lẽ tất nhiên đôi lúc chúng ta còn sơ sài bài giảng, xuề xòa trong cách rèn nếp người… Và chúng ta - những người thầy cần phải nhận ra rằng thỉnh thoảng chúng ta đã sai trong cách dạy trò nhưng “quên” thêm vào trong lời nói, hành động của mình một chút “yêu thương”.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các đồng nghiệp, hãy chậm lại một chút để ngẫm, lắng lại một chút để nghĩ và bạn sẽ nhận ra rằng mình cần cho đi nhiều hơn nữa món quà - thương yêu. Để hai tiếng “thầy cô” mãi mãi thiêng liêng và ấm lòng, bạn nhé!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!