Thi vào 10 ở Hà Nội: Phụ huynh như ngồi trên "đống lửa" chờ môn thi thứ tư

Bích Nhàn

(Dân trí) - Dịch bệnh tác động khá nhiều đến việc học tập và ôn thi của lứa học sinh 2007. Nhiều phụ huynh Hà Nội lo lắng như ngồi trên "đống lửa", hy vọng sẽ được bỏ môn thi thứ tư kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Thi vào 10 ở Hà Nội: Phụ huynh như ngồi trên đống lửa chờ môn thi thứ tư - 1

Nhiều phụ huynh mong muốn bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực cho các con (Ảnh: DT).

Bỏ môn thi thứ 4 mới phù hợp tình hình

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, lứa học sinh 2007 cũng đã phải trải qua 2 năm học online với nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh cũng như học sinh rất lo lắng về việc học trực tuyến không thể mang đến cơ hội ôn thi vào 10 trọn vẹn, chỉn chu nên việc ôn tập thêm môn thứ tư là quá khó khăn.

Nhiều giáo viên nhận định, sau thời gian dài học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc tiếp thu kiến thức của học sinh ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân như: Điều kiện đường truyền, thiết bị học, môi trường học tập hay ý thức, khả năng tự học của học sinh…

Chị Ngọc Lan (Q. Cầu Giấy), có con gái năm nay sẽ thi vào lớp 10 chia sẻ: "Thương các con và cả thầy cô giáo, lớp học từ ngày 7/2 nhưng chưa hôm nào đi được 3/4 lớp. Một buổi học của các con kết hợp cả online và offline, hết học offline lại thu dọn sách vở sang phòng khác để kịp học online. Học kiểu chạy marathon thế này thì sao đảm bảo được việc tiếp thu kiến thức của các con. Mong Sở GD-ĐT xem xét để có điều chỉnh tốt nhất."

Cũng như chị Lan, anh Mạnh Hùng (Q. Đống Đa) mong muốn bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực cho các con. "Thời gian qua các con phải thay đổi hình thức học liên tục vì vừa tới lớp học thì lại nhận thông báo hôm sau học ở nhà do có giáo viên thành F0. Thầy cô giáo bị bệnh nên rất khó hướng dẫn sát sườn cho học sinh, chất lượng buổi học cũng vô tình bị ảnh hưởng ít nhiều. Không biết các con có đủ kiến thức để thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh hay không chứ đừng nói đến việc ôn tập thêm môn thứ 4.", anh Hùng lo lắng chia sẻ.

Phụ huynh Lê Mai (Q.Hoàn Kiếm) cũng cho biết, thời gian biểu trong tuần của con chị phần lớn đang phân chia để ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, giờ phải tự ôn tập thêm môn thứ 4 dễ khiến thời gian biểu của con đảo lộn và khiến con chán nản trong quá trình học. Do vậy chị lo lắng rất nhiều cho việc thi cử của con và vẫn hy vọng Sở sẽ có quyết định hợp lý.

"Thêm vào đó, năm 2020 cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội cũng đã quyết định bỏ môn thi thứ 4 vào 10 cho các bạn học sinh lứa 2005. Chất lượng thi cử của năm đó vẫn được đảm bảo và vẫn có tính phân loại thí sinh. Năm nay với những điều kiện tương tự thì việc bỏ bớt môn thi cũng sẽ không gây ảnh hưởng.", chị Mai chia sẻ thêm.

Ngay từ khi con học lớp 8, chị Nguyễn Ngọc Diệp (Q.Thanh Xuân) đã lên kế hoạch cho việc học tập và ôn luyện để con thi vào một trường chuyên. Nhưng dịch bệnh bùng phát với những biến chuyển phức tạp đã phá vỡ mọi kế hoạch của 2 mẹ con. "Nếu không có dịch bệnh, tôi có thể đưa con đến các trung tâm để học thêm còn hiện tại để bảo vệ sức khỏe cho con gia đình tôi phải thuê gia sư đến tận nhà. Đương nhiên chi phí để thuê gia sư riêng cũng tốn kém hơn so với học trung tâm".

Chị Diệp cũng cho biết thêm, với điều kiện thực tế như hiện tại thì việc bỏ bớt môn thi cũng không ảnh hưởng gì nhiều mà các con cũng bớt thấy áp lực. Sở GD-ĐT Hà Nội nên tạo điều kiện cho các con chứ không nên đòi hỏi quá cao.

Mong mỏi môn thứ 4 là Giáo dục công dân

Bên cạnh những ý kiến đồng tình việc bỏ môn thi thứ 4 trong tuyển sinh vào 10 năm nay, nhiều phụ huynh cho rằng vẫn có thể thi môn thứ tư nhưng Sở GD-ĐT nên cân nhắc chọn môn Giáo dục công dân (GDCD).

Trên các diễn đàn giáo dục, một phụ huynh đã để lại bình luận: "Tôi nghĩ từ năm sau nên thống nhất luôn 4 môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và GDCD. Theo tôi, các môn Lý, Hóa lên cấp 3 bạn nào chọn chuyên sâu thì học sâu còn GDCD là môn thiết yếu và rất quan trọng, theo mỗi người tới hết cuộc đời để giáo dục cho các thế hệ sau."

Nói về vấn đề này, anh Quang Linh (Q. Bắc Từ Liêm) cho biết: "Nếu bắt buộc phải thi thì nên chọn GDCD vì nội dung thi nên chọn nhẹ nhàng mà phải có ý nghĩa. Học sinh học tốt các môn văn hóa là có tài nhưng cũng cần có đức và hiểu biết về xã hội. Môn GDCD cũng không quá thiên vị về ban Tự nhiên hay Xã hội".

Đồng tình với anh Linh, chị Ngọc Trâm (Q. Tây Hồ) bày tỏ rằng, phải học online cả năm mà vẫn thi 4 môn thì tội cho các con nhưng nếu phải thi thì Sở nên cân nhắc lựa chọn GDCD để các con được vận dụng thêm kiến thức xã hội và liên hệ thực tiễn thay vì dàn trải quá nhiều trong sách vở.

Không đặt nặng việc môn thi thứ  tư là GDCD hay một môn học nào khác, chị Hồng Ngọc (Q. Cầu Giấy) bày tỏ rằng, năm nay con trai chị thi chuyển cấp, chị thấy cháu vẫn ôn tập bình thường và điều quan trọng nhất bây giờ là các cháu phải tự giác học và ôn luyện. Tuy nhiên việc công bố môn thi thứ tư nên diễn ra sớm để các con có thời gian chuẩn bị tốt nhất, đỡ vất vả trong những tháng cuối.

Là giáo viên với nhiều năm đồng hành cùng học sinh lớp 9, cô K.P chia sẻ thực tế là nhiều em học sinh chờ đợi đến khi có môn thi thứ tư mới bắt đầu ôn luyện. Trong thời gian chờ đợi thì sự tập trung của các em vẫn dành cho 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Vì vậy, Sở cần sớm đưa ra thông báo về môn thi thứ tư để tránh gây hoang mang cho các em trong quá trình ôn tập. Các em biết sớm về môn thi thứ tư sẽ có thời gian xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả hơn, từ đó cũng góp phần xua tan đi tâm lý sợ môn thi thứ tư ở các em học sinh.