Thi trường nào, ngành nào dễ đậu?

Chọn trường nào, ngành nào đang là vấn đề làm đau đầu rất nhiều thí sinh trước khi đặt bút khai vào hồ sơ đăng ký dự thi. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra những lời khuyên rất bổ ích...

Theo ông Dương Đức Hồng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều thí sinh rất sai lầm khi chỉ “kiên định” theo đuổi một mục tiêu.

 

Linh hoạt trong lựa chọn “mục tiêu”

 

Có rất nhiều học sinh thi trượt ĐH Bách khoa không đăng ký nguyện vọng 2 đi học trường nào khác mà quyết định dùi mài kinh sử thêm một năm nữa để sang năm lại thi lại vào trường. Có em không chỉ thi hai năm mà thi đến 3, 4 năm, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả mong muốn.

 

Theo ông Đỗ Duy Dự, thành viên BCĐ tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, khi đã xác định được cho mình một nghề nghiệp, một chuyên môn sẽ đi sâu thì việc lựa chọn một trường ĐH có điểm chuẩn phù hợp với mình là cần thiết.

 

Ví dụ nếu muốn thi vào ngành điện tử - tin học, trong trường hợp thí sinh tự tin về năng lực học tập của mình thì có thể đăng ký vào các trường sau: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở phía Bắc), ĐH Công nghệ (điểm chuẩn của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2005 là 25 điểm).

 

Nếu “lượng sức” không đạt được những mức điểm đó thì có thể dự thi vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn như Viện Đại học Mở Hà Nội, ĐH Dân lập Đông Đô, ĐH DL Thăng Long.

 

Những ngành “không tên”

 

Vẫn theo ông Đỗ Duy Dự, nhiều thí sinh trong quá trình tìm hiểu NV để đăng ký dự thi vào các trường ĐH nhất định chỉ chọn ngành mà mình đã định. Khi tìm kiếm thông tin thì chỉ tìm những ngành có tên giống hệt ngành mình đã định mà không biết rằng có rất nhiều ngành được đăng ký tại các trường ĐH đào tạo chuyên ngành này nhưng lại “nằm” dưới những cái tên khác.

 

Ví dụ khi nói ngành điện tử - tin học thì có rất nhiều ngành khác có khung đào tạo tương tự như: Công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, cơ tin-kỹ thuật; khoa học máy tính; điện tử máy tính; mạng máy tính và viễn thông...

 

Phần lớn các thí sinh không nắm được điều này nên dù có đến vài chục ngành đào tạo liên quan đến điện tử-tin học nhưng chỉ tập trung đăng ký vào một số ít khoa, ngành của một số trường ĐH. Điều này làm cho điểm chuẩn tăng lên, đồng nghĩa với nó là cơ hội thi đỗ cũng ít đi.

 

Đào tạo không chính quy: Đừng bỏ qua

 

Với kinh nghiệm lâu năm của mình, ông Đỗ Duy Dự cho rằng, thí sinh nên căn cứ vào điểm trúng tuyển năm trước của trường, ngành, tỉ lệ chọi không có nhiều ý nghĩa trong việc chọn trường.

 

Những trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, Học viện Quan hệ Quốc tế... tỉ lệ chọi rất thấp, nhưng điểm trúng tuyển bao giờ cũng rất cao. Cũng theo tính toán của ông Đỗ Duy Dự, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ, THCN là hơn 700.000, trong đó chỉ tiêu ĐH là 168.000, chỉ tiêu CĐ là 105.000, chỉ tiêu ĐH không chính quy là 200.000 và 250.000 chỉ tiêu THCN.

 

Năm nay, tổng số thí sinh dự thi dự kiến khoảng 1,2 triệu em, nếu biết tự lượng sức và chọn trường, chọn ngành tốt thì số trúng tuyển vào các trường là rất lớn.

 

Theo ông Dự, muốn chắc chân vào ĐH, thí sinh có sức học vừa phải nên chọn thi vào hệ không chính quy của các trường ĐH. Chỉ tiêu nhiều, đầu vào không quá gắt gao là điều kiện thuận lợi để thí sinh đặt chân vào giảng đường.

 

Theo Yến Anh

Người Lao Động