Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Tại hội nghị chuyên đề bàn về: "Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đồng tình ủng hộ nhân rộng phong trào trên quy mô quốc gia.

Hội nghị do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng 10/5, nhằm tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ phát động phong trào thi đua thúc đẩy việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong cả nước, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 1

Hội nghị chuyên đề bàn về: "Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức (Ảnh: Hữu Nghị).

Cần trở thành một phong trào lớn, sâu rộng trong cả nước

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, rất hiểu và thấy được sự thao thức, tâm huyết của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc nhân rộng phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thành phong trào lớn.

Theo ông Thắng, về cơ sở pháp lý của phong trào đã đầy đủ với hệ thống quan điểm của Đảng; các Chỉ thị, quyết định của Thủ tướng; các đề án của Hội Khuyến học Việt Nam. Tuy nhiên, về căn cứ thực tiễn cần làm sâu hơn nữa để thấy được sự cần thiết của việc phải có một phong trào sâu rộng.

Trong phần mục đích, yêu cầu, phải làm rõ hơn sự cần thiết vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành, cấp ủy chính quyền các địa phương và toàn thể xã hội, toàn thể dân tộc, tôn giáo, các tổ chức đoàn thể khác. Muốn phát động phong trào cũng cần có những tiêu chí cụ thể về cơ chế, nguồn lực và công tác tuyên truyền.

Về phần tên gọi của phong trào, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nên để càng ngắn gọn càng tốt mà vẫn bao hàm tất cả nội dung, có thể là phong trào "Cả nước chung tay học tập". Về tổ chức triển khai thực hiện, nếu chỉ giao cho một Bộ chủ trì thì không đủ sức nặng, dù là Bộ Nội vụ hay Bộ Giáo dục Đào tạo. Bởi vậy, Thứ trưởng đề nghị có thể thành lập Ủy ban quốc gia hoặc Ban chỉ đạo quốc gia về phong trào này, do đồng chí Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm trưởng Ban.

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 2

Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: Hữu Nghị).

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang nhận định, việc phát động phong trào này là rất cần thiết. "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phát động phong trào có ý nghĩa này", ông Giang nói.

Theo ông Giang, để phong trào thi đua được rộng khắp, hiệu quả, nên là Thủ tướng Chính phủ phát động. Tên phong trào cũng nên gọn hơn, ví dụ như "Cả nước chung tay xây dựng xã hội học tập", sau đó trong đề án sẽ nêu đầy đủ, cụ thể hơn.

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 3
Ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị)

Liên quan đến vấn đề khen thưởng, ông Giang đề xuất không chỉ dừng lại khen thưởng theo thẩm quyền của Thủ tướng mà có thể đề nghị khen thưởng theo thẩm quyền Chủ tịch nước, có huân chương các loại. "Đây là chuyên đề mang tính dài hơi, nếu chúng ta so sánh với phong trào nông thôn mới, giảm nghèo cũng đều có các chính sách khen thưởng theo thẩm quyền của Chủ tịch nước cho các tập thể, cá nhân tham gia có hiệu quả trên cơ sở tiêu chí đề ra, phù hợp với pháp luật", ông Giang nói.

Về tổ chức thực hiện, nên có một cơ quan thường trực chủ trì cho phong trào này, cụ thể là Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Việc phát động thi đua phải "thấm đậm" trong từng người dân

Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ, việc tổ chức hội nghị chuyên đề hôm nay rất quan trọng, cần thiết để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tiến tới phát động phong trào thi đua học tập suốt đời cho giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị phong trào nên có tên ngắn gọn, như "Cả nước chung tay xây dựng xã hội học tập" hoặc "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập", "Cả nước xây dựng xã hội học tập". 

Ông cũng đề xuất khi thiết kế phong trào nên có khẩu hiệu tuyên truyền, cần chọn khẩu hiệu hấp dẫn, đi vào lòng người để lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 4
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài tại hội nghị (Ảnh: Hữu Nghị)

Cuối cùng là đề xuất liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận. Theo ông Tài, hiện nay chúng ta đang thiếu cơ chế và có thể giải quyết bằng hai cách. Thứ nhất, có thể ký một chương trình phối hợp triển khai, khi có phong trào rồi sẽ phân trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên trong mặt trận. Thứ hai, đề xuất xây dựng tổ chức phong trào mặt trận cùng các thành viên là toàn dân đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Đây có thể là một phong trào nhánh quan trọng của mặt trận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đưa ra đề xuất, trong lúc chờ phong trào triển khai, cần có kiến nghị để mặt trận Hội Khuyến học, Bộ Giáo dục Đào tạo có chương trình giám sát tính chất như khảo sát phục vụ xây dựng phong trào này.

Cùng phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Vũ Huy Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn Phòng Trung ương Đảng nêu quan điểm, đây là hội nghị quan trọng và sẽ rất khả thi.

Theo ông Văn, phải biến phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thành quyết tâm của toàn hệ thống chính trị; thành nhận thức, nhu cầu của người dân. "Việc phát động thi đua phải "thấm đậm" trong từng người dân. Người dân thấy cần, người dân thấy muốn và sẽ làm, còn chúng ta chỉ giúp người dân biết cách làm", ông nói.

Ông đề nghị phong trào này nên do Đảng phát động, lan tỏa sang Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành địa phương. Hội Khuyến học, Bộ Giáo dục - Đào tạo là những người tham mưu nòng cốt, kiểm tra đôn đốc...

Về chính sách, cần hướng tới đề cao việc sử dụng nhân tài, có đãi ngộ thỏa đáng. Bên cạnh đó, học tập cách trả lương theo kết quả, hiệu quả công việc. Hiện nay, cách trả lương của chúng ta đang mang tính bình quân, hơi "cào bằng", là trở lực cho khuyến học. Có thể dùng kinh nghiệm "lấy khuyến tài nuôi khuyến học", vinh danh những doanh nhân thành đạt, ủng hộ tiền hỗ trợ cho các học sinh sinh viên.

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 5
Ông Vũ Huy Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn Phòng Trung ương Đảng (Ảnh: Hữu Nghị)

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn Phòng Trung ương Đảng, cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tôn giáo, vai trò của các dòng họ, truyền thông báo chí, mạng xã hội; thông qua những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội để lan tỏa phong trào (cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, doanh nhân,…).

Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam chia sẻ, hội nghị đã thành công rực rỡ, mong muốn của Hội Khuyến học Việt Nam phần nào đã được đáp ứng.

GS Doan cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến tham luận và sẽ làm rõ hơn cơ sở thực tiễn; viết dự thảo quyết định và viết đề án cho phong trào thi đua. 

Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - 6

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (Ảnh: Hữu Nghị).

Theo GS Doan, tất cả công việc này sẽ hoàn thành vào giữa tháng 10, sau khi Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị có cuộc giám sát về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. "Chúng tôi sẽ lấy kết quả này đưa vào cơ sở lý luận thực tiễn của đề án", GS Doan nói.

Về tên phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp thu các ý kiến tham luận như tên phong trào là "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập" sẽ bao gồm tất cả nội dung. Về hình thức khen thưởng, sẽ tiếp thu thêm hình thức huân chương. Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào, Bộ Giáo dục - Đào tạo là cơ quan thường trực và đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giúp hoàn thiện tờ trình.

"Sau khi hoàn tất, chúng tôi sẽ có cuộc họp với các ban ngành liên quan để thảo luận sâu về đề án, tờ trình, dự thảo quyết định. Sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng theo đúng quy định về phong trào thi đua khen thưởng", GS Doan thông tin.

Tại hội nghị, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ GD-ĐT cho biết, qua 15 năm triển khai nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trong cả nước đã đạt được một số thành tựu quan trọng: Hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, sau đại học; quy mô, mạng lưới giáo dục mở rộng khắp các vùng, miền của đất nước; đa dạng các loại hình trường, lớp và phương thức cung ứng; việc kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện; công bằng xã hội trong giáo dục có nhiều tiến bộ; các nguồn lực xã hội ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản trong việc xây dựng xã hội học tập trong đó, nhận thức về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong các cấp ủy, chính quyền, cơ sở, đơn vị từ trung ương đến địa phương còn bất cập, hạn chế.

Tầm quan trọng và lợi ích của tự học, học thường xuyên, học tập suốt đời nhằm phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực nghề nghiệp, tự tạo việc làm, hoàn thiện cá nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và phát triển bền vững chưa được các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quán triệt nâng cao nhận thức chưa thật sự chất lượng, hiệu quả.

Từ đó, có thể nhận thấy, đã đến lúc phải có một phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động trên bình diện cả nước, thúc đẩy học suốt đời trong Nhân dân. Đó cũng là cách thực hiện "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" hiệu quả nhất (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI).