Thầy, trò, và tình yêu

Không khó để kể ra tên những ông thầy lừng lẫy từng yêu và sau đó lấy sinh viên. Một số thầy khác đến già vẫn rưng rưng nhớ một gương mặt sinh viên thuở nảo thuở nào. Nhưng mặt khác, càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mối quan hệ lợi dụng và đổi chác đối với nữ sinh viên mà người thầy ở vị trí "ưu thế” hơn.

Thầy và trò, những mối tình "kinh điển”

Có thể kể ra không hiếm tên tuổi các nhà khoa học đã yêu và kết hôn với học trò. Cách đây hơn 10 năm, báo chí thế giới, đặc biệt là các tờ báo Hoa ngữ sôi sục với đám cưới của nhà khoa học người Trung Quốc từng đoạt giải Nobel Dương Chấn Ninh.

Năm 2004, ở tuổi 82, Giáo sư Ninh đã kết hôn với cô Ông Phàn (Weng Fan), một nữ nghiên cứu sinh thạc sĩ 28 tuổi, kém nhà khoa học tài danh tới 54 tuổi. Thậm chí có tờ báo cho rằng ông đã làm một việc thiếu đạo đức là lừa bịp cô gái trẻ.

Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí khi đến Singapore, nhà bác học Dương Chấn Ninh đã cho rằng đó là món quà cuối cùng mà thượng đế dành cho ông, cũng như ông tin tưởng chắc vài chục năm sau nữa, người đời sẽ gọi tình yêu của ông là "mối tình lãng mạn”…

Ở Việt Nam, cũng không khó để kể tên những tình yêu thầy trò mà thầy vốn rất nổi tiếng. Có lần khi chúng tôi phỏng vấn một nhà khoa học tầm cỡ của Việt Nam gương mặt ông đột nhiên rất rạng rỡ khi nghe hỏi về người vợ, vốn là một học trò. Ông gọi đó là người trợ lý rất đắc lực trong nghiên cứu khoa học của ông. Có những ông thầy khác tuy không thành duyên được nhưng đến gần cuối đời trong câu chuyện vẫn rưng rưng nhớ một bím tóc học trò ngúng ngẩy…

Môi trường giáo dục cần bình đẳng, luân lý

Quy định nội bộ của Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ (TP.HCM) nghiêm cấm mối quan hệ yêu đương trong trường, nếu vi phạm giảng viên sẽ bị sa thải đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Có thể hiểu trong qui định khắt khe của nhà trường này so với tình hình xã hội hiện nay có nỗi lo lắng cho sự an toàn, minh bạch trong các mối quan hệ. Đặc biệt là quan hệ giữa thầy cô (giảng viên) và sinh viên.

Ngay sau khi có thông tin này đã xuất hiện nhiều lời bàn tán xôn xao khác nhau. Nhiều luật sư viện dẫn điều này điều kia để cho qui định đó là vi phạm quyền con người. Nhưng trao đổi riêng với chúng tôi một chuyên gia giáo dục từng học ở Tây về, hiện đang là ông chủ một trung tâm tiếng Anh có tiếng lại bày tỏ quan điểm ủng hộ với qui định này. Ông cho rằng sở dĩ nên cấm chuyện yêu đương của thầy trò trong các nhà trường bởi giảng viên là người có "quyền” đối với sinh viên, do đó có "ưu thế mặc cả”.

Trong một quan hệ yêu đương mà một người có ưu thế hơn thì không còn bình đẳng và có rất nhiều khả năng bị lợi dụng. Ông cũng cho rằng, trong quan niệm của các nhà trường phương Tây bất cứ quan hệ tình cảm nào mà một bên có ưu thế mặc cả hoặc đổi chác thì đều được coi là phi luân lý.

Đây cũng chính là quan điểm của trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ đưa ra qui định cấm tiệt chuyện yêu đương khi Hiệu trường nhà trường cho rằng, môi trường giáo dục phải minh bạch, sinh viên chỉ tập trung học tập, thầy cô chăm lo bài giảng, đó là nền giáo dục bình đẳng, an toàn cho các em và sẽ giúp duy trì môi trường làm việc đạo đức, trong sáng giữa giảng viên và sinh viên.

Hãy khoan phản đối rầm rộ, cũng đừng vội qui chụp vi phạm quyền nọ quyền kia, thực tế xã hội đang cho thấy nỗi lo lắng về một môi trường giáo dục thiếu an toàn, trong sáng không phải là không có lý. Chúng ta từng có những chuyện gạ tình đổi điểm, những vụ thầy đưa trò vào con đường nhơ nhuốc như vụ việc ở Hà Giang cách đây vài năm…

Chiểu theo tiêu chí được phân tích ở trên, một mối quan hệ được coi là phi luân lý khi nó nhuốm màu mặc cả, đổi chác. Như vậy thì nếu một mối tình thầy trò nhưng vẫn trong sáng, không nhuốm màu mặc cả, đổi chác không thể coi là đáng để cấm đoán.

Qui định khắc nghiệt của Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ có được phép tồn tại hay không (dù chỉ là qui định nội bộ) đã có trách nhiệm của các nhà quản lý. Vấn đề ở đây là qua câu chuyện này cần nhìn nhận về đạo đức chốn giảng đường. Có lẽ chẳng cần có một qui định nào, người thầy chỉ xứng đáng là người thầy khi không vụ lợi (trong trường hợp này là vụ lợi tình). Không nên cấm những mối tình xứng đáng là tình yêu dù đó là tình giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục.

GS.TS Đỗ Quang Hưng:Cũng phải cân nhắc nếu tình cảm làm ngược với lozic văn hóa và tập tục

PV: Thưa Giáo sư, ông đã kết hôn với một sinh viên khi ông đang giảng dạy ở trong trường Đại học KHXH và NV, ông nghĩ sao về qui định cấm giảng viên yêu sinh viên của một trường cao đẳng nghề?

GS.TS Đỗ Quang Hưng: Chúng tôi quen biết nhau khi cô ấy đang là sinh viên, nhưng khi chúng tôi lấy nhau cô ấy đã tốt nghiệp và đi làm. Các bạn đừng nhầm là tôi cưới sinh viên nhé!

Còn quan điểm của tôi về vấn đề này thì thế này: Việc thầy yêu trò xét theo logic cuộc sống thì không có gì phải cấm đoán cả. Nhưng xét theo logic của văn hóa, logic của tập tục thì cũng nên tính toán cân nhắc. Việc các trường có qui định không khuyến khích thầy yêu trò theo tôi cũng không phải là phi lý cả đâu!

C.T (ghi)

Theo Đại Đoàn Kết