Thầy hiệu trưởng: "Hình ảnh trẻ em gà gật tới lớp khiến tôi ám ảnh"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Với những học sinh luôn đi học muộn, nhà trường nghiêm khắc để các em có kỷ luật hơn nhưng nhiều em thi thoảng đi muộn, tôi nhắc giáo viên không được phạt để lấy bài học về sự bao dung".

Trên đây là chia sẻ của thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc về việc có nên để một số trường cho học sinh vào học muộn hơn.

Đặc biệt theo thầy giáo này, không nên quá khắt khe với những học sinh thi thoảng đi học muộn. Điều đó giúp các em có được bài học về sự bao dung và đấy mới thực sự là đích đến của giáo dục. 

Thầy hiệu trưởng: Hình ảnh trẻ em gà gật tới lớp khiến tôi ám ảnh - 1

Không khắt khe với học sinh để giúp các em có bài học về sự bao dung (Ảnh: M. Hà).

Không lấy việc đi học muộn đánh giá tiêu chí thi đua

Trong buổi trao đổi với PV Dân trí, Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh nhiều lần nhắc tới cụm từ "không nên quá khắt khe với học sinh thi thoảng đi học muộn".

Theo thầy giáo này, nói như vậy không có nghĩa chúng ta cổ xúy cho việc buông lỏng quản lý để trẻ thích làm gì thì làm.

Tất nhiên với học sinh thường xuyên đi học muộn, nhà trường phải nghiêm chỉnh nhắc nhở để xây dựng nề nếp nhưng với những em thi thoảng đi học muộn, ta nên linh hoạt.

Thầy hiệu trưởng: Hình ảnh trẻ em gà gật tới lớp khiến tôi ám ảnh - 2

Nhà trường không lấy việc đi học muộn của học sinh làm tiêu chí đánh giá thi đua (Ảnh: M. Hà).

"Từ khi làm hiệu trưởng, tôi thường nhắc nhở cô tổng đội, học sinh đi học muộn không bị trừ điểm thi đua. Hay nói cách khác không đưa việc đi học muộn vào tiêu chí đánh giá thi đua.

Biết đâu sáng hôm đó em ấy bị hỏng xe, biết đâu tối qua bố hoặc mẹ bạn bị ốm… Chúng ta có muôn vàn lý do để có thể thông cảm cho các con, không nên quá khắt khe.

Điều đó giúp học sinh có được bài học về sự bao dung và đấy mới thực sự là đích đến của giáo dục", thầy Mạnh nói.

Cũng theo thầy Mạnh, suốt thời gian làm giáo dục, hình ảnh của những trẻ em gà gật tới lớp khiến thầy giáo này ám ảnh.

Dưới góc nhìn của nhà giáo dục, Hiệu trưởng này cho rằng, nếu trẻ mệt mỏi và áp lực thì không hiệu quả. Do đó, cần tạo tâm thế thoải mái, trẻ mới tiếp thu bài tốt hơn.

"Mục đích của việc đến trường là gì, là để trẻ được rèn luyện, được tiếp thu, được trưởng thành về nhân cách và tìm hiểu kiến thức. Nếu chúng ta đặt áp lực, rõ ràng đang đi ngược lại mục tiêu.

Tất nhiên khó có thể đưa ra tiêu chuẩn chung nhưng mỗi thầy cô, mỗi một nhà trường phải suy nghĩ vấn đề này để đặt lợi ích của trẻ lên trên, để thu xếp với phụ huynh sao cho có thời gian vào học phù hợp", thầy Mạnh chia sẻ.

Thầy hiệu trưởng: Hình ảnh trẻ em gà gật tới lớp khiến tôi ám ảnh - 3

Nhà trường và giáo viên cần được "nới lỏng" để linh hoạt về thời gian (Ảnh: M. Hà).

Hiệu trưởng cần được "nới lỏng"

Theo Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh, việc trẻ em vào học từ 8h sáng, nếu nói về mặt khoa học rất tốt.

Tuy nhiên, rất khó áp dụng cho toàn bộ các trường bởi còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có phù hợp với công việc và giờ giấc đón trẻ của phụ huynh hay không.

Thầy Mạnh phân tích: "Chẳng hạn thông thường hiện nay, học sinh vào học lúc 7h30 và giáo viên thường cho các em vào lớp lúc 7h15 để dành 15 phút đầu giờ truy bài nhưng thời gian truy bài ta có thể linh động được.

Cụ thể, chúng ta lấy giới hạn thời gian vào học muộn nhất lúc 7h30 chứ không phải 7h15 như nhiều trường hiện nay.

Trong thời gian từ 7h15 đến 7h30, thầy cô vẫn đón học sinh và ai đến sớm có thể truy bài trước còn học sinh nào đến sau 7h30 mới tính đi học muộn.

Có thể nói chỉ 15 phút thôi nhưng rất quan trọng với giấc ngủ của các con, thậm chí có thể giúp giảm áp lực giao thông giờ cao điểm.

Chính vì thế nên từ khi lên làm hiệu trưởng, tôi rất linh hoạt với giờ giấc của học sinh.

Đặc biệt, tôi thông báo với thầy cô tổng đội không đặt quá nặng giờ truy bài vào tiêu chí chấm điểm và chỉ tính thời gian vào lớp là 7h30 chứ không phải 7h15 như những trường khác đang thực hiện".

Thầy Mạnh cho biết, khi áp dụng việc này, phần lớn phụ huynh nhà trường khá ủng hộ, một phần nữa do việc truy bài hiện nay không quá quan trọng bởi học sinh tự chủ trong việc học tập.

Tất nhiên việc thay đổi thói quen của giáo viên cũng khá khó khăn vì truyền thống lâu nay là 7h15 học sinh vào lớp để truy bài thế nhưng nhà trường từng bước cải thiện.

Muốn làm được như vậy, trước hết hiệu trưởng phải được "nới lỏng" và trao quyền tự chủ để tính toán giờ giấc sao cho phù hợp tình hình thực tế với địa phương.

Ngoài ra, nhà trường cần khảo sát ý kiến của phụ huynh để đạt được đồng thuận trước khi thực hiện giờ học nào cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, hiện phần lớn các trường phổ thông ở địa phương này đang tuân thủ theo giờ học đã được quy định. 

Mặc dù vậy, do đặc điểm địa bàn miền núi vùng sâu vùng xa, có nhiều điểm lẻ, cộng với thời tiết mùa đông khắc nghiệt, một số địa bàn đặc thù có thể linh động thời gian học sinh vào lớp và giờ giấc tan học, mục đích cuối cùng là vì sức khỏe và an toàn cho học sinh.