Thầy Hiệu trưởng giao bài tập Tết độc đáo, phụ huynh tới tấp khen hay

Quang Trường

(Dân trí) - Bài tập về nhà trong dịp Tết Nguyên đán 2023 của Trường THCS Quỳnh Phương không yêu cầu học sinh tính toán, làm văn hay học thuộc bài.

Bài tập hỏi về tảo mộ, chợ Tết, lì xì…

Thầy hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vừa giao bài tập về nhà trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023 với 10 câu hỏi độc đáo:

1. Năm nay được nghỉ Tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ Tết.

2. Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết, em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?

3. Em có cùng bố mẹ dọn dẹp nhà để đón Tết không? Hãy miêu tả một số việc mà em đã tham gia.

4. Em có đi chợ Tết không? Hãy miêu tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão.

5. Ngày Tết, em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì, theo em, có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?

6. Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?

7. Trong thời gian nghỉ Tết, em tham gia vào những hoạt động nào ở địa phương? Hãy miêu tả một số hoạt động mà em biết.

8. Thời khắc Giao thừa là rất thiêng liêng, vào thời khắc đó, em dành những lời chúc gì cho bố mẹ, ông bà và những người thân yêu?

9. Trong ngày Tết, em thích nhất điều gì và ghét nhất điều gì?

10. Theo em, làm thế nào để bảo vệ được sức khỏe trong thời gian nghỉ Tết?

Thầy Hiệu trưởng giao bài tập Tết độc đáo, phụ huynh tới tấp khen hay - 1
Bài tập Tết độc đáo do thầy hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương ra đề (Ảnh: Tuấn Anh).

Cuối danh sách bài tập, thầy hiệu trưởng lưu ý, ngoài 10 bài tập trên, đề nghị giáo viên Trường THCS Quỳnh Phương không giao thêm bất kỳ bài tập nào cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023.

Thầy Hiệu trưởng giao bài tập Tết độc đáo, phụ huynh tới tấp khen hay - 2

Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bài tập Tết này được nhiều phụ huynh "trầm trồ" khen ngợi (Ảnh chụp màn hình).

Bài tập Tết "không thu, không chấm"

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho biết, bài tập Tết này là một trong những hoạt động giáo dục bình thường.

Theo thầy Hồ Tuấn Anh, quan điểm của ông là học sinh vừa thi học kỳ xong, khi về nghỉ Tết, các em cần được giải phóng mọi áp lực học tập để có kỳ nghỉ trọn vẹn. Đây là dịp quý báu để các em hòa mình trong không khí Tết cổ truyền, tình yêu thương của gia đình, bản thân các em cũng thể hiện được tình cảm của mình với ông bà, bố mẹ, tổ tiên và cả quê hương, đất nước.

Trong kỳ nghỉ Tết, học sinh có rất nhiều điều cần được "uốn nắn". Ví dụ, các em mải đắm chìm vào điện thoại, Internet mà không quan tâm việc gia đình, hay văn hóa nhận lì xì. Vì vậy, những câu hỏi trong danh sách bài tập về nhà còn là những gợi ý cho các em "bám" vào để trải nghiệm một cái Tết trọn vẹn, ý nghĩa.

Thầy Hiệu trưởng giao bài tập Tết độc đáo, phụ huynh tới tấp khen hay - 3

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, người giao bài tập Tết độc đáo cho học sinh (Ảnh: NVCC).

Thầy Tuấn Anh cho biết, 10 câu hỏi trên thực chất là 10 gợi ý nhẹ nhàng, không chỉ dành cho học sinh mà còn cho cha mẹ các em. Phụ huynh dựa vào đó để hướng dẫn con em hòa mình vào ngày Tết sao cho ấm áp nghĩa tình.

Ví dụ, cha mẹ có thể đưa con đi thăm mộ, chơi tết, hướng dẫn con cùng dọn dẹp với gia đình như những gợi ý qua câu hỏi. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ cho con mình những ngày nghỉ Tết ý nghĩa.

"Gọi là bài tập về nhà nhưng các em muốn làm thì làm, không thì thôi cũng không sao vì mục đích chính của nó là gợi ý. Không có chuyện ép các em làm bài, thầy cô thu bài và chấm điểm. Tôi muốn học sinh thông qua việc làm bài tập, có thể ghi lại những kỷ niệm của mình trong ngày Tết. Hết kỳ nghỉ, các em đến trường và chia sẻ câu chuyện đón Tết của mình với bạn bè, thầy cô.

Mỗi câu hỏi cũng là một thông điệp để chúng ta giáo dục truyền thống văn hóa Tết cổ truyền cho học sinh. Trong dịp Tết, có một vài vấn đề mà xã hội đang quan tâm, cần chấn chỉnh như việc học sinh về nhà chỉ đắm chìm vào mạng xã hội, trò chơi điện tử, văn hóa nhận lì xì.

Tuy nhiên, những câu hỏi, thông điệp mà tôi tâm đắc nhất liên quan đến tình cảm của các em đối với dòng tộc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ như việc đi thăm mộ, gửi lời chúc tới bố mẹ trong đêm Giao thừa", thầy Tuấn Anh nói.

Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, đây là năm đầu tiên nhà trường giao bài tập Tết bằng hình thức này. Những năm trước, nhà trường chỉ đạo giáo viên không giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Thầy Hồ Tuấn Anh phản đối việc học sinh ở nhiều nơi phải "nai lưng" ra làm bài tập về nhà vào kỳ nghỉ Tết.

"Tết là dịp gia đình sum vầy mà giao cho các em một "đống" bài tập, tạo áp lực như thế thì còn gì là Tết. Về mặt chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có mục đích chính là đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất chứ không nặng về kiến thức, giúp các em khi học xong có thể biết áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường thầy cô chưa tiếp cận đúng với chương trình mới nên còn nặng về đánh giá kiến thức, chứ không đánh giá năng lực của học sinh. Từ đó dẫn đến việc giao bài tập Tết, tạo áp lực học tập trong những ngày nghỉ Tết của các em. Như vậy là thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của chương trình giáo dục phổ thông 2018", thầy Hồ Tuấn Anh chia sẻ.

Thầy Hồ Tuấn Anh từng nổi tiếng khi công khai số điện thoại của mình, in ngay trên pa-nô và treo trước cổng trường, với dòng chữ "Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hay chứng kiến bạn bị bắt nạt, xâm hại, hãy gọi 111 hoặc gọi cho thầy hiệu trưởng".

Thầy không ngại việc mình sẽ bị "khủng bố", trở thành trò đùa nghịch của nhiều người qua điện thoại để tiếp nhận thông tin học trò phản ánh, trở thành "tổng đài" tư vấn của học trò, xử lý các thông báo về một vụ ẩu đả sắp xảy ra, bạn bè trong lớp trêu chọc nhau, thậm chí là "thầy ơi bạn chửi bố em" hay cả những câu chuyện rất ngô nghê của những đứa trẻ chưa lớn...