Thừa Thiên Huế:

Thầy giáo trẻ tận tụy dạy chữ cho học sinh Cơ Tu

(Dân trí) - Không tiếng trống trường, không chuông báo đổi tiết, lớp học 35m2 của 9 thầy trò ở trường Bồ Hòn (điểm trường Bồ Hòn thuộc trường Tiểu học Bình Thành) vẫn đều đặn diễn ra ngày 2 buổi. Bởi đó không chỉ là kết quả của lòng yêu con chữ mà còn là cái tâm lớn lao của người làm thầy.

Gắn bó với thôn Bồ Hòn (xã Bình Thành, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) hơn 10 năm nay, thầy Nguyễn Đình Thiết vẫn từng ngày tận tụy gieo con chữ cho các thế hệ học sinh tiểu học dân tộc Cơ Tu.

Tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Tiểu học năm 2004, thầy Thiết đến với Bồ Hòn những ngày đầu làm nghề giáo. Ngày đó, Bồ Hòn còn là một bản nghèo năm sâu trong rừng. Đường dẫn vào thôn chỉ là sườn dốc, sỏi đá; không điện thoại; không xe máy, thầy phải lặn lội men theo đường rừng khoảng 5 cây số để vào bản. Đến 2006, đập thủy điện Bình Điền được xây dựng, bà con Cơ Tu được chuyển xuống gần hơn, thầy Thiết tiếp tục mang con chữ cho con em trong thôn sau khi điểm trường Bồ Hòn được cất dựng.

Điểm trường Bồ Hòn chỉ có 1 lớp học, lớp chia thành 2 dãy, có 6 bàn học, 2 cái bảng và 2 bàn giáo viên ở 2 đầu lớp. Trong lớp có 8 em học sinh ở 3 trình độ khác nhau (4 em lớp 1, 2 em lớp 2 và 2 em lớp 3) ngồi ngược hướng nhau về 2 phía bục giảng. Các em ngồi theo nhóm lớp, thầy Thiết vừa dạy lớp này vừa quản lớp kia.

Thầy Thiết bắt đầu dạy từ lớp 1, đến lớp 2 và lớp 3 theo vòng tròn. Trong 1 lớp học có đến 3 khối lớp khiến thầy phải rất vất vả khi dạy học
Thầy Thiết bắt đầu dạy từ lớp 1, đến lớp 2 và lớp 3 theo vòng tròn. Trong 1 lớp học có đến 3 khối lớp khiến thầy phải rất vất vả khi dạy học

Thầy Thiết cho biết, việc dạy một lần cả 3 lớp không khó nhưng vất vả nhất là làm sao để dùng các dụng cụ học tập như tranh ảnh, mẫu minh họa cho bài học. Vì các em còn nhỏ, khi mang tranh ảnh lên dạy lớp này thì các em lớp khác sẽ không tập trung vào việc học.

Với việc soạn giáo án cũng rất khác, hầu như thầy không thể sử dụng giáo án chuẩn như dạy ở trường Tiểu học Bình Thành mà hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng học sinh và cách tiếp nhận của các em ở đây để soạn bài vở. Thầy Thiết phải soạn giáo án riêng vì lớp học của thầy chỉ có 8 em với 3 trình độ khác nhau nên thầy phải có giáo án riêng để cùng một lúc có thể dạy cho 3 trình độ trong một buổi học.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, ba mẹ lại không quan tâm nhiều đến việc học của các con, rồi những bất đồng về phương ngữ, văn hóa khiến việc dạy dỗ các em càng trở nên khó khăn. Ngoài việc dạy học thầy còn phải cố gắng tìm tòi học một ít tiếng Cơ Tu để có “ít vốn” ngôn ngữ mà giao tiếp, dạy các em dễ dàng hơn. Riêng có những từ bản địa Cơ Tu khó quá không biết thì thầy đành hỏi các em lớn trong lớp chỉ lại cho mình.

“Những lần các em không chịu đi học, tôi phải vào tận nhà chở chúng đi học rồi lại chở về. Khi các em không có sách, vở, bút hay bảng học, tôi phải sắm sửa cho chúng. Khi xuống Huế, tiện đường tôi rẽ vào quán mua, hay về thư viện mượn cho các em. Có khi tôi lấy luôn trong quán vợ đem lên cho mấy đứa mà vợ tôi không có biết” thầy Thiết vui vẻ chia sẻ.

Vì khó khăn về ngôn ngữ nên thầy Thiết cần nhiều thời gian để chỉ dạy cho các em lớp 1
Vì khó khăn về ngôn ngữ nên thầy Thiết cần nhiều thời gian để chỉ dạy cho các em lớp 1

Những lần thuyên chuyển công tác nhưng thầy Thiết vẫn lựa chọn ở lại với con em thôn Bồ Hòn. Thấu hiểu hết những khó khăn vất vả của bà con dân tộc Cơ Tu và việc học tập của con em, thầy luôn tự nhủ bản thân còn làm được gì thì cứ gắng làm hết sức.

“Cả cái Bình Thành này không ai bằng thầy Thành mô, vừa dạy giỏi, vừa kiên trì dạy chữ cho các em Bồ Hòn. Nhiều thầy cô trẻ được phân về Bồ Hòn, dạy một thời gian là xin về hết, chỉ có thầy Thiết ở lại lâu nhất đó”, cô Cao Thị Thùy Linh, một đồng nghiệp của thầy chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, thầy Thiết không quên gửi gắm, nếu dưới Huế có tổ chức từ thiện hay có đợt ủng hộ nào thì dành cho thầy một suất cho các em trên này nghe. 10 năm đứng lớp Bồ Hòn, đó không chỉ là cái duyên với nghề mà còn là trách nhiệm xây người - xây đời của người thầy xứ Nghệ này.

Võ Huyền – Đại Dương