Thầy giáo trẻ “cắm bản” dạy trẻ mầm non

Thầy giáo Quàng Văn Thành (một trong 4 thầy cô giáo mầm non tại trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được coi là “người mẹ hiền thứ hai” của lũ trẻ vùng đồng bào dân tộc, luôn yêu trẻ, yêu nghề, tận tụy vì học sinh thân yêu.

Trải qua quãng đường gần 100km từ trung tâm huyện Mường Tè đến xã Nậm Ngà, chúng tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, gian nan của những giáo viên “vùng khó”. Đón chúng tôi từ con dốc đầu suối đường vào bản là một anh thanh niên trẻ, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện. Đồng chí Trưởng đoàn giới thiệu: Đây là thầy Thành “mầm non”.

Được biết, anh Thành quê ở tỉnh Điện Biên, tốt nghiệp Khoa Sư phạm mầm non (Trường Cao đẳng cộng đồng Lai Châu) vào năm 2011. Ra trường, anh được phân công công tác tại Trường Mầm non Nậm Ngà. Lúc mới nhận công tác, đường sá còn khó khăn, mùa mưa, có đoạn đường không đi được xe, anh giáo trẻ phải đi bộ 3, 4km đường đất mới tới được điểm trường.

“Ngày đầu đến trường nhận công tác, cả cô và trò ùa ra đón chào và nhìn mình như một sự kiện lạ. Vì lần đầu tiên nơi đây có một thầy giáo mầm non về nhận công tác. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng thú thực lúc đó mình rất bối rối. Buổi đầu đến lớp, học sinh ngơ ngác và khóc ầm lên vì cứ nghĩ người lạ. Lúc đó, tôi phải vỗ về từng bé để làm quen và giới thiệu. Dần dần học sinh cũng quen và tôi cũng có thêm kinh nghiệm để công tác. Cũng có nhiều người giục tôi bỏ nghề lắm. Nhưng cứ nghĩ đến con trẻ vùng cao và quãng đường đầu khó khăn đã vượt qua được, mình lại thêm ý chí và nghị lực để gắn bó với nghề” – anh Thành tâm sự, ánh mắt lấp lánh niềm vui và xúc động.

Thầy giáo trẻ “cắm bản” dạy trẻ mầm non - 1

Với quan niệm: “Tuổi trẻ phải sống cho đam mê và sự cống hiến”, thầy giáo Thành nỗ lực vượt qua những rào cản tâm lý, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của giáo viên mầm non. Thầy giáo trẻ không ngại khó, ngại khổ, hết lòng chăm sóc các em bằng tình yêu thương, chỉ bảo, dạy dỗ các em từng ly, từng tý.

Cô giáo Đỗ Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Ngà cho biết: Thời gian thầy giáo Thành bắt đầu nhận công tác, tôi và các cô giáo trong trường vừa nể, vừa khâm phục và cũng khá tò mò không hiểu vì động lực gì mà Thành lại dám hy sinh như vậy. Tưởng rằng thầy Thành sẽ rất bỡ ngỡ khi làm những công việc mà từ trước đến giờ chỉ dành cho phụ nữ. Nhưng thật bất ngờ, thầy Thành làm không những tốt mà còn rất tốt. Từ việc dạy trẻ kiến thức cho đến chăm sóc, lo lắng cho trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ. Cứ như thế, thầy Thành đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Cũng vì thế mà người dân trong bản hễ đi đâu gặp người thầy giáo ấy luôn gọi anh Thành với cái tên gần gũi là thầy Thành “mầm non”. Chị Hảng Thị Mây (bản Nậm Ngà) có con học tại Trường Mầm non Nậm Ngà chia sẻ: Mỗi lần đưa con đến lớp, tôi thấy thầy Thành luôn niềm nở đón các cháu. Con tôi về nhà lúc nào cũng kể chuyện về thầy Thành cho chúng tôi nghe. Được thầy Thành lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con mình, chúng tôi yên tâm lắm.

Anh Thành chia sẻ: “Hạnh phúc đối với tôi là các em hoàn thành chương trình bậc học mầm non, biết hát một số bài hát tiếng Việt, gọi tên các đồ vật thành thạo bằng tiếng phổ thông là tôi vui lắm rồi”.

Chắc chắn rằng niềm đam mê nghề và tình yêu thương con trẻ của người thầy giáo vùng khó khăn bậc nhất huyện Mường Tè, những tâm hồn trẻ thơ sẽ ngày càng được ươm mầm tươi tốt, có nền tảng vững chắc để bước tiếp lên những bậc học cao hơn.

Theo Trân Huỳnh

Pháp luật Việt Nam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục