Thầy giáo, dịch giả xuất chúng và tài hoa Phan Ngọc đã qua đời

(Dân trí) - Thầy giáo Phan Ngọc là dịch giả xuất chúng với nhiều tác phẩm nổi tiếng: Chiến tranh và Hòa bình, Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, Trần trụi giữa bầy sói... đã qua đời hưởng thọ 96 tuổi.

Thầy giáo, PGS.TS Phan Ngọc - nhà văn hóa lớn, dịch giả xuất chúng của Việt Nam, sinh  ngày 10/10/1925, qua đời lúc 20 giờ 40 phút ngày 26/8/2020 tức ngày 8/7 năm Canh Tý tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.

Lễ viếng được tổ chức từ 10h 45 phút  -  11h 45 phút này 1/9/2020 tại Nhà tang lễ TP.Hà Nội, số 125 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Thầy giáo, dịch giả xuất chúng và tài hoa Phan Ngọc đã qua đời - 1

Phó Giáo sư Phan Ngọc, sinh 1925, mất 26/8/2020 (Ảnh: Phạm Thành Long)

Phó Giáo sư Phan Ngọc bút danh Nhữ Thành, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chuyên gia hàng đầu về văn hóa và ngôn ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 Ông là dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Chiến tranh và Hòa bình (cùng GS Cao Xuân Hạo), Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, Trần trụi giữa bầy sói...

Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm: Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000…

Một dịch giả siêu việt và hết sức tài hoa

GS.TS Trần Trí Dõi nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQGHN cho biết: “Đọc những văn bản khoa học, thơ và tiểu thuyết mà thầy Phan Ngọc dịch như công trình “Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt...” của H. Maspero từ bản tiếng Pháp, bộ “Mỹ học Hegel” từ tiếng Nga sang tiếng Việt (có đối chiếu với bản tiếng Đức và tiếng Trung), tác phẩm “Thần thoại Hy Lạp” từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, tác phẩm “Spartacus” từ nguyên bản tiếng Ý, tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” từ nguyên bản tiếng Nga, “Sử ký Tư Mã Thiên” và “Thơ Đỗ Phủ”... từ nguyên bản tiếng Hán, kịch “Shakespeare” và tiểu thuyết “Đê Vit Cơpơphin”từ nguyên bản tiếng Anh..., chúng ta chỉ có thể nói rằng ông thực sự là một dịch giả siêu việt và hết sức tài hoa”.

GS.TS Đinh Văn Đức, nguyên Trưởng Khoa Ngôn ngữ học – Trường ĐH KHXH&NV bày tỏ: “Thầy Phan Ngọc đã về Tiên cảnh. Nhà Văn hóa lớn. Dịch giả bậc thầy. Một cánh đại bàng của học thuật Xã hội - Nhân văn. Người mở đầu cho các bộ môn ở Khoa Ngữ Văn Trường ĐHTH Hà Nội (1956): Ngôn ngữ học, Lý luận Văn học, Văn học Trung Quốc. Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học, 1956-1958, (nay là Khoa Ngôn ngữ học)”.

TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học – Trường ĐH KHXH&NV thành kính viết:  “Vĩnh biệt Thầy, người khổng lồ của Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bộ óc vĩ đại, người truyền cảm hứng và người đặt nền móng cho một Ngành nghiên cứu Ngữ văn có cơ bản vững chãi, con người đã đi qua những sóng gió kinh hoàng của một thời đại nhiều biến động!".

Giỏi đến 8 ngoại ngữ

Có nhiều huyền thoại về khả năng ngoại ngữ phi phàm của PGS Phan Ngọc. Ngoài việc ông là dịch giả tầm cỡ được nhiều người biết đến, người ta còn kính nể “một cây” về đôi tai ngữ âm của ông.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Phan Ngọc còn có biệt tài là chỉ nghe một người phát âm tiếng Nga là có thể nhận định chính xác người đó đang nói tiếng Nga vùng Bắc hay nam sông Von ga, vùng phía Tây hay phía Đông Matxcơva.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm sống và làm việc ở Liên xô (trước đây) nhiều năm. Ông đặc biệt kính nể Phan Ngọc về chuyện này vì Phan Ngọc khi đó chưa đặt chân tới nước Nga lần nào.

Còn theo tác giả Hữu Đạt kể: Nhiều người nói, Phan Ngọc là người  giỏi đến 8 ngoại ngữ. Trong đó, có nhiều ngoại ngữ ông hoàn toàn tự học. Tự học mà vẫn giỏi hơn người. Ấy là vì ông thông minh kiệt xuất. Ông đã phát huy triệt để năng khiếu với những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học. Nhiều lần được hầu chuyện ông, tôi đã được ông hứng thú nói cho nghe điều này. Ông bảo, chỉ cần giỏi đến ngoại ngữ thứ ba thì các ngoại ngữ sau không còn là vấn đề, chỉ tự học vài ba tháng là ổn.

Phan Ngọc nói điều đó hoàn toàn không phải là nói suông. Chính ông, khi bắt tay ký hợp đồng với Nhà xuất bản Sự thật về việc dịch cuốn “Tư bản luận” của Các Mác, ông hoàn toàn chưa biết tiếng Đức.

Thế nhưng sau vài tháng bắt tay vào tự học ông đã đồng thời tiến hành dịch ngay cuốn sách vào loại vô cùng hóc búa này và vẫn kịp nộp bản thảo đúng thời gian qui định. Sự kiện đó làm không ít người sửng sốt.

Tác giả Hữu Đạt chia sẻ, đúng là “anh minh phát tiết ra ngoài”. Chỉ cần giao tiếp một lần với giáo sư Phan Ngọc cũng thấy được tầm trí tuệ uyên bác của ông quả là hơn hẳn người đời. Nhưng số phận hoàn toàn không suôn sẻ với ông. Tài năng vượt bậc như vậy, nhưng  khi xét phong chức danh ông vẫn chỉ nhận được học hàm Phó giáo sư.

Trong khi đó, nhiều bậc đàn em, thậm chí học trò của ông đã nhận học hàm giáo sư cả rồi. Mặc dù, so về tầm uyên bác, trình độ học vấn và tất cả mọi mặt thì nhiều giáo sư đứng bên cạnh ông chỉ đáng là một “học trò nhỏ” theo đúng nghĩa đen của từ này.