Thay đổi định kiến giới ở trường mầm non: Bắt đầu từ nhận thức giáo viên

Vũ Phong

(Dân trí) - Từ những ngần ngại ban đầu khi nhắc đến khái niệm "định kiến giới", các cô giáo mầm non tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kontum có hành trình thay đổi nhận thức và lồng ghép vào các hoạt động giáo dục.

Trong suốt 20 năm làm giáo viên mầm non, cô Mai Như Quỳnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chưa từng nghĩ rằng bình đẳng giới là vấn đề cần được coi trọng ở bậc giáo dục mầm non.

Nhưng khi tham gia các buổi tập huấn do chuyên gia giáo dục của dự án GENTLE và chương trình BAMI (do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ - VVOB -triển khai), cô Như Quỳnh mới biết những quan điểm tưởng chừng rất bình thường như con trai phải mạnh mẽ, giỏi thể thao, còn con gái hợp thêu thùa may vá hay các bạn nữ thích làm y tá hay cô giáo, còn công việc kỹ sư là cho các bạn nam... đã vô tình đặt ra khuôn mẫu giới cho các em.

Chính những thông tin mà giáo viên truyền đạt đó đã "đóng khung" tính cách, cách hành xử và những lựa chọn của trẻ đã khiến các em không tự do thể hiện cá tính và những khả năng tiềm ẩn của mình.

Thay đổi định kiến giới ở trường mầm non: Bắt đầu từ nhận thức giáo viên - 1

Vấn đề định kiến giới chưa thực sự được quan tâm sớm từ bậc mầm non (Ảnh được chụp tại thời điểm chưa giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Và để việc phá bỏ định kiến giới đến với được các em, một trong những vấn đề then chốt ngay từ đầu chính là bản thân những người làm giáo dục và thầy cô cần thực sự nhận thức được những ảnh hưởng mà định kiến giới có thể tác động đến trẻ.

"Chính tôi từ đầu cũng có phần khó chấp nhận, bởi từ trước tới nay, mình cũng mang đầy những khuôn mẫu và định kiến giới nhưng lại không biết. Tuy nhiên, cũng nhờ những buổi tập huấn này mà tôi hiểu được trẻ em có thể hình thành thái độ và những chuẩn mực giới ngay từ độ tuổi rất nhỏ.

Trẻ học những điều đó thông qua việc quan sát những việc làm, lời nói, hành động hàng ngày của người lớn, cụ thể là từ giáo viên", cô Quỳnh nhận định.

Hành trình thay đổi về định kiến giới bắt đầu

Một ví dụ mà giáo viên mầm non ở Quảng Ngãi khi tham gia tập huấn chia sẻ. Đó là trong một hoạt động tại góc nhập vai , cô hỏi "Có bạn nào muốn làm chú bộ đội không?", một bé gái giơ tay, bé trai bên cạnh huých bạn gái bỏ tay xuống cùng lời nhắn nhủ: "Chỉ có con trai mới làm bộ đội thôi".

Khi nghe thấy trẻ nói vậy, cô nhận ra sai sót ở bản thân mình, từ việc chỉ dùng từ "chú bộ đội" hay trước giờ không có hình ảnh trang trí cô bộ đội trong lớp, cũng như không bao giờ nhắc đến hay trao đổi với trẻ về các cô bộ đội.

Nhận ra sự thiếu sót đó, cô dần dần thay đổi nhận thức của bản thân. Cô bổ sung thêm hình ảnh cô bộ đội cũng như đặt ra câu hỏi thách thức với trẻ về các khuôn mẫu giới "Cả bé trai và bé gái có thể làm những công việc gì?" và giải thích với trẻ về khuôn mẫu giới ví dụ như "Bé gái có thể làm cô bộ đội, bé trai cũng có thể làm chú bộ đội".

Để có được góc nhìn đúng đắn về vấn đề giáo dục bình đẳng giới, bên cạnh kiến thức, các giáo viên mầm non tại Quảng Ngãi còn thiết kế ra những bộ công cụ cho học sinh tham gia vui chơi đồng thời lồng ghép vào các nội dung xóa nhòa định kiến giới.

Cô Nguyễn Thị Ánh, giáo viên mầm non (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) đã áp dụng vào việc thay đổi cách trang trí lớp học và sắp xếp đồ dùng đồ chơi để tạo không gian thu hút cả trẻ trai lẫn trẻ gái tham gia.

Hình ảnh trẻ trai chơi búp bê và nấu ăn, trẻ gái chơi đá bóng hoặc làm xây dựng bước đầu cho các em hiểu rằng trẻ trai và trẻ gái đều có cơ hội và có thể chơi và làm các việc như nhau, đặc biệt là làm tất cả các nghề mà mình mơ ước. Cô cũng bổ sung thêm nhiều đồ chơi trung tính cho cả trẻ trai lẫn trẻ gái có thể hỗ trợ, phối hợp cùng nhau thực hiện.

Thay đổi định kiến giới ở trường mầm non: Bắt đầu từ nhận thức giáo viên - 2

Các cô khuyến khích cả trẻ trai và trẻ gái tự do chơi hoạt động mình yêu thích mà không phân biệt giới tính. (Ảnh được chụp tại thời điểm chưa giãn cách xã hội. Nguồn: VVOB)

Cô Trần Yến Nhi dạy ở trường mầm non huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết do ảnh hưởng của nhiều yếu tố (gia đình, nhà trường, bè bạn...) từ trước đến nay, định kiến giới cũng đã phần nào nằm trong suy nghĩ của trẻ thơ.

Cô Nhi chia sẻ: "Trong giờ trò chơi dân gian, thường các trẻ gái sẽ chơi ô ăn quan hoặc nhảy dây. Nếu có bé nào muốn chơi đá bóng, các bạn trai thường phản đối là con gái sao mà chơi đá bóng".

"Khi đó, tôi sẽ trò chuyện với trẻ: "Cô là con gái và cô cũng thích chơi đá bóng, các bạn cho cô chơi cùng được không?

Khi các trẻ trai đồng ý và chơi cùng cô, cô sẽ nhẹ nhàng khuyến khích các em để bạn gái chơi cùng. Từ từ, giáo viên có thể giải thích, giúp các con hiểu được vấn đề để cả lớp chơi hòa đồng cùng nhau và không phân biệt giới tính", cô cho biết.

Thay đổi định kiến giới ở trường mầm non: Bắt đầu từ nhận thức giáo viên - 3

Thay vì trước đây chỉ có chú thợ xây, cô giáo đã bố trí thêm hình ảnh cô thợ xây trong góc trang trí của lớp để giúp trẻ xóa bỏ khuôn mẫu giới về nghề nghiệp.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia liên quan khuôn mẫu giới từ tuổi thơ ấu, những khuôn mẫu tiêu cực sẽ hạn chế đáng kể tiềm năng của trẻ em và sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Báo cáo cũng cho thấy, định kiến giới góp phần gây ra khủng hoảng sức khỏe tinh thần của người trẻ, là căn nguyên của các vấn đề về rối loạn ăn uống, bạo lực với trẻ em và phụ nữ.

VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992.

Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Thời gian gần đây, VVOB triển khai 3 dự án và chương trình trong lĩnh vực giáo dục tại Việtnam:

- Dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (chương trình kết thúc vào ngày 31/5/2021).

- Chương trình "Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)" tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kontum.

- Chương trình lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh Việt Nam (iPLAY) tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hồ Chí Minh, Lai Châu, Hà Giang và Thanh Hóa.