Thành viên hội đồng trường, liệu có rơi vào tình trạng “vừa là cha vừa là con”?

(Dân trí) - Ngoài các vấn đề đang được dư luận quan tâm thời gian qua liên quan đến tự chủ ĐH, trường ĐH nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp ĐH…thì triển khai xây dựng hội đồng trường là điều được các đại biểu quan tâm nhất tại hội nghị triển khai Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Thành viên hội đồng trường, liệu có rơi vào tình trạng “vừa là cha vừa là con”? - 1

Hội nghị triển khai Nghị định 99/2019/NĐ-CP tại điểm cầu TPHCM

Hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99/2019/NĐ-CP) sáng nay (6/1) được tổ chức trực tuyến qua 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Tham dự tại đầu cầu TPHCM có khoảng 300 đại biểu gồm đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện nhiều trường ĐH khu vực phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có ý kiến chỉ đạo về thực hiện hội đồng trường. Theo bộ trưởng, Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt.

Thành viên hội đồng trường, liệu có rơi vào tình trạng “vừa là cha vừa là con”? - 2

Ông Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TPHCM phát biểu những nội dung băn khoăn

Nhiệm kỳ của hội đồng trường có tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng?

Tại hội nghị này, vấn đề triển khai Hội đồng trường trở thành nội dung trọng tâm được các trường quan tâm, nêu nhiều thắc mắc.

Tại điểm cầu TPHCM, ông Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Trường ĐH Sư phạm TPHCM là một trường công lập và hiện đã có hội đồng trường theo quy định. Hội đồng trường này đã quyết định thành lập từ ngày 6/12/2019, việc tính thời gian của nhiệm kỳ hội đồng trường tính theo ngày tháng nào, có tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng không?”.

“Hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, có nhiệm vụ quyết định nhân sự hiệu trưởng và các nhân sự khác theo quy định. Trường hiện đã có hiệu trưởng thì trường có phải thực hiện quyết định hiệu trưởng này không? Theo quy định chủ tịch HĐT là viên chức trong nhà trường, việc đánh giá xếp loại như thế nào?", ông Công đặt vấn đề.

Liên quan vấn đề này, từ đầu cầu Cần Thơ, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, đặt câu hỏi: "Có những trường chủ tịch hội đồng trường trường nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện theo quy định của Đảng thì có thể có lộ trình hay phải thực hiện ngay?”

Cũng liên quan đến vấn đề hội đồng trường, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang đặt ra 2 câu hỏi liên quan. Theo đó, trường ĐH này hiện chưa có hội đồng trường và đang chuẩn bị thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, bà Diệu băn khoăn ở điểm là theo quy định trường tư thục có 3 thành phần gồm nhà đầu tư, thành viên trong trường và thành viên ngoài trường.

Thành viên hội đồng trường, liệu có rơi vào tình trạng “vừa là cha vừa là con”? - 3

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang đặt ra 2 câu hỏi liên quan đến hội đồng trường ở trường tư thục

“Thành viên trong trường có đại diện giảng viên và người lao động, còn người học thì do nhà đầu tư quyết định. Các thành viên ngoài trường cũng do hội nghị của nhà đầu tư quyết định nhưng trong hướng dẫn triển khai, cơ quan quản lý trực tiếp đương nhiên là thành viên ngoài trường trong hội đồng trường, có đúng không?", bà Diệu hỏi.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM cũng băn khoăn: “trường chúng tôi đang trên tiến trình xin tự chủ, mong muốn được hướng dẫn để triển khai tốt hơn. Vì đặc thù là trường năm trong hệ thống của ĐH Quốc gia TPHCM, do đó thắc mắc rằng các thành viên của hội đồng trường ĐH và hội đồng ĐH có trùng nhau hay không? Liệu có rơi vào tình trạng “vừa đá banh, vừa thổi còi” hay kiểu “vừa là cha vừa là con” hay không?”

Bên cạnh đó, ông Phúc thắc mắc, chuyển từ trường ĐH thành ĐH. Như vậy quan hệ quản lý giữa ĐH trước đây và trường ĐH được chuyển sẽ như thế nào?

Thành viên hội đồng trường, liệu có rơi vào tình trạng “vừa là cha vừa là con”? - 4

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, ông Phúc chia sẻ thêm: “Trong vấn đề tổ chức thực hiện có nêu“các cơ sở ĐH có cơ chế phối hợp Đảng uỷ, ban giám hiệu và hội đồng trường”. Việc này chúng tôi đang lúng túng, liệu ai sẽ là người xây dựng cơ chế phối hợp này. Đồng thời nếu có sự không đồng thuận giữa ba chủ thể đó thì giải bài toán đó ra sao?”

Cần cơ quan quản lý có quy định chuẩn để phân biệt đào tạo trình độ kỹ sư khác với cử nhân

Ngoài ra, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đặt vấn đề cần định nghĩa thế nào là đơn vị nghiên cứu khi nói đến ĐH nghiên cứu. “Đó là khoa, phòng thí nghiệm hay là một thực thể nào đó để xác định là nghiên cứu. Ngoài ra, nếu đặt vấn đề ở bài báo nghiên cứu nếu chỉ dựa theo Scopus, ISI mà bỏ quên danh mục các tạp chí ở trong nước, liệu nhiệm vụ xây dựng các tạp chí nghiên cứu đạt trình độ quốc tế sẽ gặp khó khăn hay không?”.

Về vấn đề cấp bằng kỹ sư, ông Phúc cũng chia sẻ những băn khoăn. Ngoài việc quy định thời lượng đào tạo thêm 30 tín chỉ, còn phải chuẩn đầu ra, quy định chương trình đào tạo, độ ngũ giảng dạy mới đạt được chất lượng.

“Rất cần cơ quan quản lý có quy định chuẩn để phân biệt đào tạo trình độ kỹ sư khác với cử nhân. Nếu như hiện nay, bằng kỹ sư có cách biệt cũng như có phần cao hơn bằng cử nhân thì liệu có được các cơ quan quản lý công nhận hay không. Khi đó, người có bằng cấp kỹ sư liệu có được cơ quan quản lý công nhận cao hơn các văn bằng ĐH khác không ví dụ xếp lương bổng. Hoặc người có bằng kỹ sư có thể tham gia vào đào tạo trình độ cử nhân không?”, tiến sĩ Phúc hỏi.

Các trường không nên chờ khuôn mẫu chung mà cần dựa vào thực lực của mình để thực hiện Nghị định 99

Trước hàng loạt thắc mắc về Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Bộ GD&ĐT cũng nêu các ý kiến giải đáp.

Theo bà Phụng, các nội dung quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường.

Do vậy, các trường cần căn cứ luật và nghị định để thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn, nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ hội đồng trường; hay nếu hội đồng trường chưa đúng luật, nghị định 99 có hiệu lực thì phải làm lại hội đồng trường mới với thời gian theo nhiệm kỳ mới, thực hiện đầy đủ và đúng luật.

Bà Phụng cũng khẳng định khi các trường được tự chủ thì căn cứ vào điều kiện của mình để thực hiện các nội dung của nghị định 99. Các hội đồng trường sẽ ban hành quy chế hoạt động và cũng gồm nội dung phối hợp với Đảng uỷ. Theo bà Phụng, các trường cũng không nên chờ vào khuôn mẫu chung mà nên dựa vào thực lực của mình.

Lê Phương