Thanh tra trường ĐH Luật TPHCM: Chưa phát hiện biểu hiện tư lợi cá nhân

(Dân trí) - Trong kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT đối với trường ĐH Luật TP.HCM mới đây đã chỉ ra những sai sót của trường này trong việc thu chi, hoạch toán chưa đầy đủ, công tác quản lý quỹ tiền mặt chưa chắc chẽ… tuy nhiên chưa phát hiện biểu hiện tư lợi cá nhân.

Thanh tra Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra trường ĐH Luật TP.HCM theo quyết định số 124/QĐ-TTr ngày 12/7/2019. Trước đó, từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2019, có nhiều đơn thư tố cáo của nội bộ trường này gửi nhiều nơi. Năm 2019, Bộ GD-ĐT nhận được một số đơn thư phản ánh, tố cáo ông Trần Hoàng Hải - phó hiệu trưởng phụ trách trường về các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo. Một số báo chí cũng đăng bài viết về tình hình của trường liên quan đến các đơn thư này.

Thanh tra trường ĐH Luật TPHCM: Chưa phát hiện biểu hiện tư lợi cá nhân - 1

Trường ĐH Luật TP.HCM

Tiếp đó, ngày 14/6/2019, Bộ GD-ĐT nhận được đơn nặc danh gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam do Văn phòng Chính phủ gửi kèm theo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT xem xét, giải quyết theo quy định và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi xem xét báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra, ngày 27/9/2019 Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã đưa ra kết luận vấn đề tại trường ĐH Luật TPHCM.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã xác minh những nội dung liên quan đến vấn đề thu, chi và quản lý, sử dụng tiền học phí và tiền học lại của hệ vừa làm vừa học(VLVH), tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức. Kết luận của thanh tra Bộ nêu: “Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, tổng số tiền học phí học lại hệ VLVH, học bổ sung kiến thức (hệ VLVH, văn bằng 2 hệ chính quy, sau trúng tuyển cao học) thu được đến thời điểm tháng 6/2019 thể hiện trên số sách kế toán thống nhất so với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí. Tuy nhiên, số tiền thu được chi tiết qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017 được thể hiện trên Báo cáo tài chính từng năm chênh lệch so với dữ liệu phần mềm quản lý học phí đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán là 29,09 tỷ đồng. Việc trường hoạch toán chưa đầy đủ, kịp thời số tiền học phí học lại hệ VLVH, học bổ sung kiến thức thực tế đã thu được từ năm 2014 đến năm 2017 vào từng năm tài chính là chưa đúng quy định...”.

Việc trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời số tiền đã thu được từ năm 2014-2017 vào từng năm tài chính là chưa đúng quy định của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo của trường, nguyên nhân dẫn tới việc này là do tiền học lại có quy định từ năm 2016, tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức là khoản chưa có trong quy định nên trường chờ hướng dẫn, và chưa kịp ghi nhận. Trường đã lập hồ sơ thu chi để theo dõi số tiền trên, dự định sẽ định khoản sau khi có hướng dẫn và bổ sung vào báo cáo tài chính công, tài sản công năm 2017 và chuyên đề việc quản lý sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017.

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị trường thực hiện điều chỉnh sổ sách kế toán báo cáo tài chính. Tháng 3/2018, là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng, để thực hiện đối chiếu công nợ trước khi bàn giao, và trên cơ sở kiến nghị của kiểm toán nhà nước, trường đã thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu lại các khoản thu và định khoản, cập nhật bổ sung vào sổ sách kế toán, báo cáo tài chính năm 2018. Việc ghi chép cập nhật này của trường phù hợp với quy định của việc sửa chữa sổ sách kế toán theo quy định tại Luật Kế toán.

Về việc quản lý số tiền này, có 389 tỷ, trong đó số tiền thu từ học phí hệ vừa làm vừa học (347,9 tỷ) được nhà trường phân bổ chủ yếu vào nguồn hoạt động chi thường xuyên cùng với các khoản thu khác của trường. Số tiền học lại, tiền bổ sung hoàn thiện kiến thức, văn bằng 2 hệ chính quy và trúng tuyển cao học (41,4 tỷ) được trường sử dụng chi cho nghiệp vụ chuyên môn.

Qua kiểm tra cho thấy số tiền đã quyết toán từ năm 2014 đến 6/2019 được thể hiện trên báo cáo là 480,7 tỷ.  Số tiền đơn vị đề nghị quyết toán bổ sung trong báo cáo tài chính năm 2019 là 29,09 tỷ, do hạch toán chưa đầy đủ số tiền học lại hệ VLVH, học bổ sung.

Kết luận thanh tra cũng nêu, theo báo cáo của trường, số kinh phí trường đã chi và đề nghị bổ sung vào quyết toán năm 2018 là 29,09 tỷ đồng. Trong đó số tiền 24,16 tỷ đồng cho nghiệp vụ chuyên môn như tiền giảng, chấm bài, công tác chỉ đạo...

Số tiền 4,9 tỷ đồng là các khoản chi khác phục vụ công tác quản lý chung (năm 2014 chi 1,12 tỷ, năm 2015 chi 993 triệu, năm 2016 chi 1,1 tỷ, năm 2017 chi 1,42 tỷ, năm 2018 chi 280 triệu). Nội dung chi, mức chi được thực hiện trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, lãnh đạo trường phê duyệt và phân công thực hiện. Theo báo cáo, cả 4 ãnh đạo trường giai đoạn 2014-2018 đều phê duyệt theo chức trách được phân công cho 13 đơn vị và nhiều cá nhân thực hiện.

Theo hồ sơ của trường, hàng năm trên cơ sở các nhiệm vụ chuyên môn, các phòng ban đề xuất lãnh đạo phụ trách một số hoạt động, một số nhiệm vụ chi phục vụ công tác chuyên môn và đề xuất kinh phí thực hiện. Trên cơ sở đề xuất, lãnh đạo trường tuỳ theo trách nhiệm được phân công sẽ phê duyệt nhiệm vụ, nội dung và mức chi cụ thể để thực hiện hoặc giao cho bộ phận chuyên môn thực hiện. Các khoản chi khác đơn vị đề nghị bổ sung vào quyết toán năm 2018 đều có đề xuất của các phòng và các cá nhân trong trường, chứng từ có nội dung cụ thể được lãnh đạo đơn vị phê duyệt, có người nhận việc sử dụng số tiền nói trên và nội dung chị phục vụ hoạt động chung của đơn vị, chưa phát hiện ra biểu hiện tư lợi cá nhân.

Tuy nhiên, do quy chế chi tiêu nội bộ của trường chưa chi tiết hoá các nội dung chi và mức chi, dẫn đến chưa có sự thống nhất về mức chi đối với việc sử dụng nguồn kinh phí trên.

Thanh tra Bộ cũng nêu, kiểm tra chứng từ chi cho thấy số tiền 4,9 tỷ thì 1,42 tỷ đồng phù hợp với quy định, có cơ sở để quyết toán; chứng từ đối với 3,4 tỷ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở quyết toán, cần được ra soát, hoàn thiện, xử lý theo quy định.

Trong kết luận, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị trường ĐH Luật TPHCM phải chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, đảm bảo tuan thủ đúng quy định pháp luật về kế toán - tài chính. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, quy định rõ nội dung chi, định mức chi cụ thể làm cơ sở thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.

Một số nội dung tố cáo sai

Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận nội dung nêu trong đơn tố cáo về việc bà Mai Quốc Thu Trang (thủ quỹ nhà trường - PV) sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền học lại của sinh viên hệ VLVH là đúng một phần vì không phải tất cả tiền học phí học lại đều được nhận bằng tài khoản này. Nội dung tố cáo ông Trần Hoàng Hải (phó hiệu trưởng phụ trách) bao che, tiếp tay cho bà Trang mở tài khoản cá nhân này để nhận tiền học lại, tiền học phí sinh viên hệ VLVH với số tiền hàng chục tỉ đồng nhằm lấy lãi suất ngân hàng là sai.

Liên quan nội dung tố cáo ông Trần Hoàng Hải sử dụng xe ô tô của trường để đưa đón đi làm, Thanh tra kết luận từ ngày 8/4/2019-22/4/2019, ông Hải có sử xe của trường đi làm. Tuy nhiên việc sử dụng xe này theo hình thức dịch vụ quy định tại Điều 9 quyết định số 740/QĐ-ĐHL và đã thanh toán cho trường số tiền là 1,6 triệu đồng. Như vậy, nội dung tố cáo ông Hải sử dụng xe công không đúng quy định là sai.

 Lê Phương