Thanh Hóa: Thiếu hàng nghìn giáo viên, nhân viên đầu năm học mới

(Dân trí) - Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu hàng nghìn giáo viên, nhân viên ở các cấp học. Hiện địa phương này đang báo cáo và xin ý kiến Bộ Nội vụ về chủ trương tuyển dụng số giáo viên còn thiếu cho năm học 2016-2017.

Hợp đồng trái quy định hàng nghìn giáo viên

Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, so với chỉ tiêu được giao của năm học 2015-2016, toàn tỉnh Thanh Hóa còn thiếu hơn 1.000 giáo viên. Tuy đã được giao, nhưng do công văn tạm dừng của tỉnh từ tháng 7/2015 không được tuyển.

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên địa bàn Thanh Hóa mất việc
Hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên địa bàn Thanh Hóa mất việc

Cũng theo ông Tùng, việc còn thiếu theo tính toán lại định mức, nhu cầu của năm học 2016-2017 cả Tiểu học và Mầm non là gần 8.000 giáo viên, nhân viên.

Con số cụ thể về chỉ tiêu biên chế còn thiếu của năm học 2015-2016, toàn tỉnh Thanh Hóa thiếu 1.154 giáo viên. Cụ thể, năm 2015-2016, UBND tỉnh giao chỉ tiêu khối Mầm non nhưng tuyển còn thiếu 649 biên chế; khối Tiểu học thiếu 438 biên chế; khối THPT, thiếu 67 giáo viên, 53 cán bộ quản lý và 421 nhân viên hành chính.

Riêng khối THCS, toàn tỉnh Thanh Hóa thừa 1.005 người. Trong đó, hầu hết các huyện đều có số biên chế cao hơn so với biên chế được giao (26 huyện), chỉ có một huyện có biên chế thấp hơn là Lang Chánh, thiếu 8 biên chế.

Trong khi đó, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trường học vẫn ký hợp đồng lao động trái quy định 4.208 giáo viên, nhân viên hành chính. Trong đó, Mầm non là 1.295 hợp đồng, Tiểu học 1.154 hợp đồng, khối THCS: 994 hợp đồng và THPT là 765 hợp đồng.

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên nêu trên, Sở Nội vụ Thanh Hóa đã đề xuất giải pháp xử lý như: Điều chuyển giáo viên THCS thừa có chuyên ngành đào tạo phù hợp xuống dạy các trường Tiểu học, Mầm non.

Sau khi điều chuyển giáo viên THCS, nếu còn thiếu sẽ rà soát, tổng hợp chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên Mầm non, Tiểu học còn thiếu gửi Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Trong đó, ưu tiên giáo viên đang hợp đồng ngoài biên chế đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và lao động hợp đồng đủ tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp với vị trí việc làm hiện có.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chi biết, tỉnh đang cho rà soát lại, có hướng nếu như THCS thừa mà xuống Tiểu học và Mầm non thì phải bố trí bồi dưỡng và Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng số giáo viên này.

Đối với nhân viên hành chính tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo rà soát lại theo khung vị trí việc làm theo hướng giảm định mức nhân viên hành chính của các nhà trường xuống, tăng định mức học sinh lên.

Thực tế, hiện nay số trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc Tiểu học của Thanh Hóa là hơn 500 trường. Còn giáo viên Mầm non, hiện nay nhu cầu trẻ đến trường lớn, nên thiếu giáo viên Mầm non là nhu cầu tất yếu.

Theo quan điểm của bà Hằng, việc chậm giải quyết số giáo viên, nhân viên còn thiếu có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dạy và học, nhưng theo ngành dọc, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo từ trước, chỗ nào thiếu giáo viên thì đã bố trí dạy liên trường, cơ bản giải quyết được vấn đề này.

“Nếu vì chuyện thừa thiếu mà không chỉ đạo về chuyên môn thì chất lượng giáo dục Thanh Hóa không được như những năm vừa rồi được. Sở chỉ đạo các phòng ban hướng dẫn rất cụ thể với các bậc học rồi, về cơ bản vẫn đáp ứng được”, bà Hằng khẳng định.

Đang xin ý kiến Bộ Nội vụ

Liên quan đến thực trạng thừa thiếu giáo viên, nhân viên hành chính, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT rà soát lại tất cả số liệu, từng bậc học một, sau đó ban hành các hướng dẫn về định mức.

Nhiều địa phương gặp khó khăn vì thiếu giáo viên
Nhiều địa phương gặp khó khăn vì thiếu giáo viên

Bà Hằng khẳng định, trước hết là định mức học sinh trên lớp, định mức cán bộ quản lý, định mức giáo viên, định mức nhân viên hành chính để phù hợp với đặc trưng của Thanh Hóa. Các địa phương căn cứ vào định mức, số học sinh, số lớp để tính toán lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính.

Sau khi tính toán lại số hiện có và số nhu cầu thì bắt đầu xem xét điều chuyển cán bộ quản lý từ nơi thừa sang nơi thiếu, không cho bổ nhiệm mới. Với bậc THCS cũng điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu và đối với những bộ môn còn thiếu, trong huyện giải quyết trước, còn trong huyện giải quyết không được thì báo cáo UBND tỉnh điều chuyển ngoài huyện.

Cũng theo bà Hằng thì trước đây việc điều chuyển không biết thời gian đi bao lâu nên cũng có một số bất cập. Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xây dựng rất cụ thể, ví dụ trong huyện thì đi từ nơi thừa sang nơi thiếu trong thời gian 4 năm, sau khi hết 4 năm nghĩa vụ thì quay trở về. Còn đi huyện ngoài là 2 năm để giáo viên, nhân viên được điều chuyển yên tâm.

Sau khi điều chuyển xong còn thiếu thì báo cáo hai Sở, đặc biệt là Sở Nội vụ, báo cáo UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu. Hiện nay, số học sinh có xu hướng tăng lên, số lớp tăng lên nên nhu cầu giáo viên tăng. Sau khi các huyện báo cáo con số rà soát, tỉnh Thanh Hóa đang báo cáo Bộ Nội vụ để Bộ xem xét có tăng chỉ tiêu cho tuyển hay không.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất, các trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc Tiểu học cho phép bố trí 1,5 giáo viên để dạy 2 buổi/ ngày, trước đây chỉ bố trí có 1,2 giáo viên, đó là quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Ông Đầu Thanh Tùng cũng cho biết, do tỷ lệ học sinh tăng cao nên phải báo cáo xin ý kiến của Bộ Nội vụ và đang chờ ý kiến của Bộ Nội vụ và cố gắng đầu tháng 9 này sẽ có chỉ tiêu cụ thể về số lượng giáo viên, nhân viên cho năm học mới.

“Đang báo cáo nhu cầu và tình hình như thế để Bộ Nội vụ có ý kiến, sau đó về tỉnh sẽ có quyết định giao cho các huyện triển khai”, ông Tùng cho biết thêm.

Hậu Giang năm học mới thiếu gần 1.500 cán bộ, giáo viên

Trong năm học mới 2016 - 2017, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang thiếu đến 1.493 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học.

Thanh Hóa: Thiếu hàng nghìn giáo viên, nhân viên đầu năm học mới - 3

Chiều 31/8, trao đối với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, trong 3 năm học trở lại đây, tỉnh Hậu Giang thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, năm học sau thiếu nhiều hơn năm học trước.

Cụ thể, năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục Hậu Giang thiếu hơn 400 giáo viên, nhân viên ở các cấp học; năm học 2015 - 2016, thiếu hơn 900 giáo viên, nhân viên; năm học 2016 - 2017, thiếu gần 1.500 người là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học, diễn ra nhiều nhất là tại cấp mầm non, mẫu giáo với hơn 1.014 người; tiếp theo là cấp tiểu học với hơn 322 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học diễn ra hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó, huyện Phụng Hiệp thiếu nhiều nhất với 459 người, huyện Vị Thủy thiếu 244 người, huyện Châu Thành A thiếu 213 người, thành phố Vị Thanh thiếu 150 người…

Bà Hằng cho biết thêm, nguyên nhân của việc thiếu giáo viên, nhân viên của ngành là do học sinh huy động hằng năm tăng, nhưng số lượng giáo biên chế không tăng. Bên cạnh đó hàng năm đều có một số lượng giáo viên đến tuổi nghĩ hưu, giáo viên xin luân chuyển, thuyên chuyển mỗi dịp hè đều tăng dẫn đến những năm gần đây Hậu Giang thiếu giáo viên biên chế.

Đứng trước việc thiếu hàng ngàn giáo viên và nhân viên, Sở GD-ĐT tỉnh đã luân chuyển, điều động nhân sự từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều, lấy biên chế những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác để hợp đồng bổ sung nhân sự, đồng thời làm hợp đồng giáo viên mới để bổ sung cho các đơn vị thiếu giáo viên để năm học mới vẫn đảm bảo hoạt động dạy và học của thầy và trò.

Được biết, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Hậu Giang đã sẵn sàng. Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Hậu Giang có hơn 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Phạm Tâm

Duy Tuyên