Thanh Hóa: Tạm dừng cử học sinh cử tuyển

(Dân trí) - Do chính sách cử học sinh đi học cử tuyển ở các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), Trung cấp (TC) chưa hợp lý dẫn đến việc sinh viên sau khi ra trường chưa được bố trí việc làm còn nhiều. Thống kê cho thấy, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa còn gần 900 sinh viên vẫn thất nghiệp. Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề nghị tiếp tục tạm dừng cử học sinh cử tuyển.


Thanh Hóa đề nghị tạm dừng cử học sinh cử tuyển (ảnh minh họa)

Thanh Hóa đề nghị tạm dừng cử học sinh cử tuyển (ảnh minh họa)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng miền núi, kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao. Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ còn nhiều bất cập.

Theo đánh giá của Ban dân tộc, UBND tỉnh Thanh Hóa thì việc cấp gạo cho học sinh theo quy định tại Công văn số 12128/BTC-TCDT ngày 29/8/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn hỗ trợ gạo (quy định 2 lần/kỳ học và 4 lần/năm học). Nhưng hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện cấp gạo 2 lần/năm học. Trong đó, một lần trong học kỳ 1 và một lần của học kỳ 2. Việc cấp gạo đối với học sinh như trên đã gây khó khăn cho việc bảo quản và sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa là do địa phương này chưa thực hiện triệt để số lần cấp theo quy định nêu trên của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, đối với chính sách cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP và Nghị định 49/2015/NĐ-CP cũng còn nhiều bất cập.

Theo đó, các năm trước đây, việc giao chỉ tiêu cử tuyển và bố trí cho học sinh đi học các trường là không sát với yêu cầu đòi hỏi thực tế, số lượng được cử đi học là 1.374 người. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 872 người chưa được bố trí việc làm.

Từ thực tế nêu trên, đối với việc cấp gạo cho học sinh nghèo, Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới là đề nghị giao nhiệm vụ hướng dẫn, quản lý, sử dụng gạo được cấp của học sinh cho hiệu trưởng các trường và phụ huynh học sinh.

Số lần cấp gạo đề nghị các huyện, các trường thực hiện mức tối đa số lần cấp được quy định tại công văn 12128 của Bộ Tài chính.

Còn đối với chính sách cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tạm dừng cử học sinh cử tuyển, nếu có thì chỉ xem xét cử tuyển đối với một số dân tộc và một số ngành, nghề thực sự cần thiết.

Đồng thời, Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa ề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh này chỉ đạo giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu triển khai thực hiện Thông tư số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 11/9/2014 của liên bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Điều 11, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.

Nội dung quy định nêu rõ: “Người dân tộc thiểu số được cử đi học ĐH, CĐ, CĐ nghề, TC nghề, TC chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng không qua thi vào công chức, viên chức và phân công công tác theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ, quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.

Mặc dù, trong thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cấp, ngành và các đơn vị liên quan vẫn chưa được làm rõ và chưa có ai chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế và bất cập nêu trên.

Duy Tuyên