Thanh Hóa: Gặp khó khi thực hiện mô hình trường học mới ở cấp THCS

(Dân trí) - Năm học này, các trường THCS ở Thanh Hóa thực hiện thí điểm mô hình “trường học mới” theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Dù ngành giáo dục đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo nhưng nhiều trường, giáo viên vẫn gặp khó, phụ huynh thì lo lắng khi con em mình học tập theo mô hình thí điểm này.

Ngành Giáo dục chỉ đạo sát sao

Sau khi nhận được công văn chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT về việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) đối với lớp 6 cấp THCS năm học 2015 - 2016, ngay từ đầu hè, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã rà soát các trường tại các địa phương đã thực hiện mô hình VNEN ở cấp tiểu học, sau đó có công văn hướng dẫn các trường ở cấp THCS đăng ký tham gia mô hình này.

Để thực hiện tốt việc thực hiện mô hình, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã thành lập bộ phận thường trực để chỉ đạo, điều hành, trực tiếp Giám đốc Sở làm trưởng ban. Tại các phòng GD&ĐT, các trường THCS đăng ký tham gia cũng thành lập bộ phận thường trực để thực hiện mô hình tại phòng giáo dục và các nhà trường.

Những khó khăn khi thực hiện mô hình VNEN ở cấp THCS khi không còn nằm trong “dự án” đã được ngành GD&ĐT Thanh Hóa đưa ra phương án, hướng dẫn giải quyết cụ thể. Để chuẩn bị tốt cho năm học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã mở hai đợt tập huấn mô hình VNEN trong tháng 8 cho lãnh đạo các phòng giáo dục, hiệu trưởng các nhà trường và các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy mô hình.

Một lớp học tổ chức theo mô hình VNEN
Một lớp học tổ chức theo mô hình VNEN

Ông Hoàng Văn Giao - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) cho biết, hầu hết các em học sinh tham gia mô hình VNEN năm học này tại Thanh Hóa đều đã học mô hình này ở cấp tiểu học những năm trước nên có sự thuận lợi hơn. Lãnh đạo Sở cũng rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn. Việc triển khai học tập theo mô hình “trường học mới” sẽ phát triển được phẩm chất và năng lực phổ thông của học sinh, nếu làm tốt sẽ có kinh nghiệm trong chương trình đối mới căn bản toàn diện giáo dục.

“Nhiều khó khăn về vật chất như sách giáo khoa, phòng học, phòng chuyên môn, phòng thí nghiệm, Sở đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để các nhà trường thực hiện theo. Năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 81 trường ở 26 huyện thị, thành phố đăng ký tham gia mô hình VNEN với 172 lớp học, 5.639 học sinh. Hầu hết các trường đều đáp ứng đủ cơ sở vật chất, trường nào thiếu thì địa phương đã có sự giúp đỡ kịp thời. Sĩ số ở các lớp học đều dưới 40 học sinh nên rất thuận lợi cho việc tổ chức lớp học theo mô hình” – ông Giao cho biết thêm.

Học theo mô hình VNEN, học sinh sẽ phát huy khả năng học tập của mình
Học theo mô hình VNEN, học sinh sẽ phát huy khả năng học tập của mình

Thầy Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Hoằng Hóa cho hay: “Sau khi có chỉ đạo từ Phòng Giáo dục, tuyển sinh lớp 6 xong nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo và phân tích cho các bậc phụ huynh nắm rõ về mô hình VNEN mà nhà trường triển khai trong năm học này. Mọi thắc mắc của phụ huynh đều được chúng tôi tháo gỡ, giải đáp. Phần lớn mọi người đều yên tâm khi cho con em học theo mô hình này”.

Giáo viên gặp khó, phụ huynh lo lắng

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai mô hình “trường học mới” tại Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn. Ông Hoàng Văn Giao chia sẻ: “Mô hình trường học mới triển khai ở cấp THCS năm học này không có kinh phí nên các nhà trường, các phòng Giáo dục phải chủ động về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, phòng học cho học sinh. Những khó khăn về cơ sở vật chất trên Sở đều đã có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường phối hợp với địa phương và phụ huynh học sinh tháo gỡ”.

Nhiều giáo viên tại Thanh Hóa gặp khó khi giảng dạy theo mô hình trường học mới
Nhiều giáo viên tại Thanh Hóa gặp khó khi giảng dạy theo mô hình trường học mới

Chia sẻ với Dân trí, cô Lê Thị Liễu – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Cương, thành phố Thanh Hóa cho biết, khi nhận được công văn tham gia mô hình VNEN, trường rất bất ngờ. Trường hiện đang rất khó khăn, thiếu cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, khi ham gia mô hình này nhà trường vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hiện nhà trường vẫn đang thiếu phòng học, các phòng chuyên môn và thực hành vẫn chưa đầy đủ. Việc thiếu phòng học, khi dạy theo mô hình VNEN, số lượng học sinh đông rất khó khăn cho việc tổ chức lớp học. Hầu hết phụ huynh ở địa phương vẫn còn khó khăn, đầu năm học phải chi khoản tiền lớn mua sắm sách giáo khoa, thiết bị học tập nên rất nhiều phụ huynh lo âu”

“Khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết có thể tháo gỡ được. Trăn trở nhất là về chuyên môn, không chỉ giáo viên của trường gặp khó mà nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng khi con em mình theo học mô hình này. Việc tập huấn cho giáo viên rất sát năm học khiến nhiều người vẫn chưa nắm bắt và hiểu hết về mô hình. Hơn nữa, tài liệu khi tập huấn khác so với tài liệu đưa về giảng dạy nên giáo viên không biết cách nào để thống nhất cách dạy. Có rất nhiều phụ huynh lo lắng đến chất lượng của con em mình khi học theo mô hình vì sợ không đánh giá đúng năng lực trong quá trình học tập. Họ còn đặt ra câu hỏi, sau khi học xong mô hình, vào cấp 3, liệu con họ có theo kịp được những học sinh học kiểu truyền thống nên đã gây sức ép cho nhà trường. Chúng tôi cũng không biết làm cách nào, chỉ còn biết cố gắng” – cô Liễu nói.

Nhiều trường THCS gặp khó do thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng thực hành và thí nghiệm cho học sinh học theo mô hình VNEN
Nhiều trường THCS gặp khó do thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng thực hành và thí nghiệm cho học sinh học theo mô hình VNEN

Cô Nguyễn Thị Thủy, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ, cách giảng dạy theo mô hình mới này có nhiều khó khăn bất cập. Các môn khoa học tự nhiên có rất nhiều thí nghiệm, cơ sở vật chất của nhà trường cũng như thiết bị giáo dục chưa thể đáp ứng hết, việc một tiết học có đến 2 – 3 thí nghiệm rất khó để sắp xếp sao cho phù hợp. Trong khi đó, nếu các em học sinh chia nhóm ra làm thí nghiệm thì giáo viên phải đến từng nhóm giúp đỡ, hướng dẫn các em từng bước, như thế sẽ mất rất nhiều thời gian, không đảm bảo được kế hoạch giảng dạy theo tiến trình.

Bên cạnh đó, khó khăn nữa đối với giáo viên THCS là việc cùng lúc phải dạy học theo mô hình VNEN (cho học sinh lớp 6) vừa phải dạy theo phương pháp truyền thống (cho các khối lớp khác) làm các thầy cô lúng túng, dẫn đến tình trạng chưa thể đổi mới hoàn toàn trong tư duy tiếp cận của giáo viên. Việc học theo mô hình mới này còn gây khó khăn cho cả phụ huynh học sinh khi mà thầy cô chỉ dạy phần “nhận biết” trong sách giáo khoa, còn phần “vận dụng” các bậc phụ huynh phải trợ giúp con em mình. Thầy cô giáo cũng rất lo lắng khi nhiều phụ hunh không biết chữ, trình độ dân trí thấp hay phải đi làm ăn xa, như vậy không thể kèm cặp con em mình học.

Thái Bá

(buithaiba@dantri.com.vn)