Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia có phải lựa chọn liều lĩnh?

CTV

(Dân trí) - Học đội tuyển ôn thi học sinh giỏi quốc gia là một trải nghiệm đáng nhớ với các em học sinh, nhưng đằng sau những giải thưởng là muôn vàn áp lực.

Thi học sinh giỏi quốc gia, mang về giải thưởng lớn là ước mơ của rất nhiều bạn học sinh bởi đó còn là "tấm vé" tuyển thẳng vào đại học, niềm tự hào của cả một ngôi trường.

Thế nhưng, đằng sau giải thưởng là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của học sinh; là những đêm dài thức trắng ôn thi vì biết rằng, nếu không có giải thì sẽ phải ôn thi đại học lại từ đầu.

Tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia là phải hy sinh

Em Võ Minh Quân, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, Đồng Tháp cho biết, năm nay đã là năm thứ hai Quân tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Không còn non nớt như năm lớp 11, năm nay Quân đã có sự trang bị kiến thức dày dặn hơn.

Quân chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu tiên theo đuổi con đường ôn tập của đội tuyển, em đã biết mình phải hy sinh rất nhiều thứ so với các bạn cùng trang lứa khác. Em tốn thời gian hơn, tham gia ít hoạt động ngoại khóa hơn, cơ hội để có giải cũng không phải quá cao. Đối với em, đây là một sự lựa chọn liều lĩnh".

Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia có phải lựa chọn liều lĩnh? - 1

Võ Minh Quân trong ngày ra quân đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: NVCC).

Để vào được đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia không phải điều dễ dàng. Các em hầu hết đều phải trải qua ít nhất hai vòng thi gắt gao, vượt qua hàng trăm thí sinh tại các trường THPT ở tỉnh thành các em theo học. Việc đầu tư cho môn thi cũng chiếm khá nhiều thời gian, chính vì thế mà thời lượng học các môn còn lại trên lớp cũng phải giảm đi.

Cô Nguyễn Thị Lụa ở Hà Nội, phụ huynh có con từng theo học đội tuyển quốc gia chia sẻ: "Trước khi con quyết định ôn thi đội tuyển, cô cũng nghe nói là đi theo con đường này, các con phải đánh đổi nhiều thứ. Tuy nhiên thấy con gái quyết tâm học ngày học đêm, nên gia đình chỉ biết ủng hộ con hết mình.

Thi vào đội tuyển cũng không dễ, các bạn ấy học đội tuyển thì gia đình cũng phải đầu tư khá nhiều, nhưng thấy con được sống với đam mê thì cô cũng hạnh phúc. Cuộc đời cũng có một vài lần được đi thi thôi, con đã quyết tâm thì bố mẹ sẽ tin ở con".

Tham gia kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia là trải nghiệm mà không phải ai cũng may mắn có được, bởi mỗi năm, mỗi tỉnh/thành phố chỉ chọn ra từ 6-10 em/môn để ôn luyện và tham gia kỳ thi này.

Vinh dự và áp lực song hành

Được tham gia thi học sinh giỏi quốc gia là niềm vinh dự rất lớn với nhiều học sinh. Minh Quân cho rằng: "Em thấy rất vinh dự khi thi đỗ vào đội tuyển đi thi quốc gia. Có thể nói, chính đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đã cho em nhiều mảnh ghép trưởng thành về cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, tư duy mà không phải ai cũng nhìn thấy được.

Nhất là đội tuyển Văn, nếu là một môn học khác không phải Văn thì e rằng những cảm xúc mà em nhận được sẽ không sâu đậm và mãnh liệt đến như thế".

"Tuy nhiên, niềm vinh dự này cũng đi kèm với rất nhiều áp lực. Với em gánh nặng lớn nhất chính là việc phải duy trì được cảm hứng mỗi ngày. Và áp lực ấy xảy đến với một người học Văn như cảm xúc thường trực, khi em không viết được những câu văn ưng ý hay không hoàn thành một bài tập cảm thụ mà thầy cô dặn dò", Minh Quân tâm sự.

Minh Quân nói thêm: "Bên cạnh đó, em cũng chịu áp lực cần phải đoạt giải vì năm nay cũng là lần cuối cùng em được đi thi rồi nên không còn là sự trải nghiệm đơn thuần nữa mà cần cố gắng rất nhiều".

Tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia có phải lựa chọn liều lĩnh? - 2

Hương Sang cho rằng thi học sinh giỏi quốc gia không phải là "một ăn cả, ngã về không". (Ảnh: NVCC).

Với Lê Thị Hương Sang, học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, có ba áp lực lớn nhất mà em phải trải qua khi đi thi học sinh giỏi quốc gia: "Đầu tiên là áp lực kiến thức, trong quá trình học có những điều rất khó tiếp thu khiến em cảm thấy mình thật yếu kém.

Áp lực hơn nữa là có khả năng kết quả không tốt có thể ảnh hưởng đến tương lai, con đường vào đại học của chính mình. Và điều khiến em lo lắng nhất chính là sau khi rời đội tuyển phải lấy lại "gốc" các môn khác".

Nhìn chung, các em học sinh đều phải chịu khá nhiều áp lực về thành tích bởi chỉ từ giải ba quốc gia trở lên các em mới có cơ hội được tuyển thẳng vào đại học mà không cần tham gia xét tuyển.

Thêm vào đó, tham gia đội tuyển cũng là sự đánh đổi rất lớn khi các em phải bớt thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi chơi cùng bạn bè, nghỉ ngơi..., để chuyển hẳn sang tập trung ôn luyện, hướng đến kỳ thi.

Áp lực tạo động lực

Áp lực là điều không tránh khỏi, nhưng lấy áp lực để làm động lực lại là điều không phải ai cũng có thể làm được. Đã có giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2022 nhưng Hương Sang vẫn mong muốn thử sức một lần nữa tại kỳ thi này.

"Em muốn thử sức tiếp vì em yêu việc học Văn, bây giờ bảo em đừng học Văn nữa em cũng không biết phải làm gì vì em xác định sẽ theo nó lâu dài.

Vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia cũng chỉ có hai cơ hội, em không muốn bỏ lỡ dù chỉ một cơ hội nào để sống trọn vẹn với môn học này. Vào đội tuyển đi thi quốc gia cũng có nhiều cơ hội, ưu tiên chứ cũng không hoàn toàn là "một ăn cả, ngã về không" nên em vẫn sẽ vào. Một phần cũng bởi em muốn khẳng định bản thân nhiều hơn", Hương Sang nói.

Sau tất cả, nhiều học sinh vẫn cho rằng, việc tham gia đội tuyển học sinh giỏi và trải qua nhiều áp lực tạo cho các bạn động lực lớn trong việc học tập và quản lý bản thân, để được sống trọn vẹn với môn học mà các bạn yêu thích.