“Thả nổi” con trẻ cho nhà trường

(Dân trí) - Nhà trường không thể làm thay việc của phụ huynh trong giáo dục con cái. Nhưng hiện nay, không ít gia đình đang “thả nổi” con trẻ cho trường học, bỏ quên vai trò làm cha làm mẹ của mình.

“Khoán trắng” cho nhà trường

Tư tưởng khoán trắng con cho nhà trường ăn sâu trong nhiều phụ huynh đến mức không chỉ việc giáo dục, lối sống mà ngay đến việc ăn ở nhiều gia đình cũng “nhờ” hết vào nhà trường.

Giáo viên (GV) một trường mầm non ở quận Phú Nhuận, TPHCM chia sẻ, có những đứa trẻ rất kén ăn, ở nhà bố mẹ đút không nổi. Vậy mà khi đến gửi con thì họ lại chăm chăm… yêu cầu cô giáo phải cho con mình ăn được thật nhiều, phải tăng cân. Khi đứa trẻ tăng cân không như ý, họ cho đó là lỗi của giáo viên.

Điều sợ nhất với các GV là phụ huynh thiếu hỗ trợ trong việc giáo dục con nhưng họ lại muốn con mình phải ngoan, phải giỏi, đạt thành tích tốt, kết quả cao, điều đó chẳng những áp lực với GV mà ngay với đứa trẻ.

Nhà trường không thể làm thay việc của phụ huynh trong giáo dục con trẻ
Nhà trường không thể làm thay việc của phụ huynh trong giáo dục con trẻ

Bà Nguyễn Thu Hà - hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TPHCM cho hay, không ít phụ huynh có tâm lý “khoán trắng” việc dạy con nhà trường. Nhiều trường hợp, GV mời bố mẹ lên trao đổi về tình hình của con, họ nói luôn rằng Con tôi hỏng rồi, nhà trường muốn làm cách gì thì làm chứ gia đình đầu hàng. Đây là điều hết sức nguy hiểm đối với đứa trẻ, nhất là ở lứa tuổi mới lớn mà thiếu đi sự quan tâm từ gia đình.

Hiện nay, trường học đang ôm đồm rất nhiều việc như tổ chức bán trú, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tư vấn tâm lý cho HS, hướng nghiệp… Dù cố gắng đến mấy, các trường phải thừa nhận nếu thiếu sự hợp tác từ phụ huynh thì những hoạt động này không thể đạt được kết quả tốt.

Để lôi cha mẹ vào cuộc, hiện nay nhiều trường học ở TPHCM tổ chức những câu lạc bộ, các chuyên đề dành cho phụ huynh hoàn toàn miễn phí. Mà rồi chẳng mấy phụ huynh tham gia để biết về tình hình của con hay các phương pháp giáo dục con. Ngay đến việc họp phụ huynh, nhiều ông bố bà mẹ cũng thoái thác.

Đến khi nhà trường cũng "hết cách" với đứa trẻ, đâu ít gia đình lại cuống cuồng gửi con đến các chuyên gia tâm lý, giáo dục hay các trung tâm kỹ năng sống để mong họ "cứu" con mình, tốn kém bao nhiêu cũng được. Đến nước này, có phụ huynh vẫn thiếu sự hợp tác để giúp đỡ con mình, cứ nghĩ dốc tiền vào là được. 

Nhà trường không thể làm thay phụ huynh

Trước thực trạng nhiều phụ huynh "khoán trắng" con nhà trường, gây khó khăn cho việc giáo dục trẻ, Sở GD-ĐT TPHCM phải dành hẳn chuyên đề “Tầm quan trọng của việc hợp tác của phụ huynh với nhà trường” trong khuôn khổ Ngày hội giáo dục năm nay.

Tại chương trình, diễn giả Quách Tuấn Khanh cho hay, sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh hiện nay chưa chặt chẽ, chủ yếu phụ huynh nắm về con mình thông qua những lời nhận xét trong sổ liên lạc, học bạ hay vài buổi họp phụ huynh với GV.

Cha mẹ luôn giữ vai trò quyết định trong giáo dục con nhỏ.
Cha mẹ luôn giữ vai trò quyết định trong giáo dục con nhỏ. Trong ảnh: Một bà mẹ cùng con tham gia khóa học kỹ năng sống

Không ít phụ huynh nghĩ con mình phần lớn ở trường học, nhiều hơn thời gian ở bên bố mẹ. Họ cố chọn cho con trường tốt hay vào các trường quốc tế, đóng tiền đầy đủ là thấy xong nghĩa vụ.

Họ quên mất rằng, không một ngôi trường nào có thể làm thay việc của người cha, người mẹ. Chỉ có phụ huynh mới là người giúp con hiểu được bản thân mình một cách sâu sắc nhất. Bao nhiêu tiếng ở trường học không có tác động bằng thời gian bên bố mẹ.

Điều đáng buồn hơn nữa là không phải phụ huynh nào cũng biết cách giáo dục con mà ngược lại, không ít người “nhấn chìm” đứa trẻ trong những lời chửi mắng, chê bai, so sánh chứ chưa thật sự tôn trọng và chia sẻ với con.

Theo ông Quách Tuấn Khanh, trao con cho nhà trường là môt lựa chọn tốt nhưng phụ huynh phải biết nhà trường làm được gì và không làm được điều gì cho con mình.

Cái khó chung hiện nay mà nhiều gia đình gặp phải là họ quá bận rộn, bố mẹ không có thời gian dành cho con. Bên cạnh đó, nhiều người lại thấy "bất lực" trong việc dạy con nên họ trông chờ vào nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường không thể thay trách nhiệm làm cha làm mẹ của phụ huynh đối với đứa trẻ. 

Theo Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh đừng mong chờ ai đó sẽ giải quyết vấn đề của con thay mình vì mọi vấn đề của trẻ, không ai hỗ trợ tốt hơn ngoài bố mẹ. Phụ huynh cần xem thứ mình ưu tiên trong cuộc sống của mình là gì cũng như biết cách quan tâm con với quỹ thời gian eo hẹp. 

Xã hội đang chờ đợi vào bước đột phá từ công cuộc đổi mới giáo dục theo hướng toàn diện. Nhưng mọi chương trình, thay đổi sẽ không thể đem lại kết quả khi thiếu đi sự hợp tác của phụ huynh - người làm nên cái nôi, nội lực cho mỗi đứa trẻ. 

 

“Phụ huynh cần tăng cường truyền thông, tương tác hai chiều với giáo viên để nắm về con trẻ. Nhất  là thông qua những tình huống cụ thể chứ không phải bằng những nhận xét mang tính quy chụp về con như hư hỏng, nghịch ngợm... Hai bên cần nói cho nhau nghe về điểm mạnh, điểm yếu của con mình và trao đổi về những gì có thể làm gì cho đứa trẻ” - diễn giả Quách Tuấn Khanh

 

Hoài Nam