Tạo điều kiện cho thí sinh giáo dục nghề nghiệp liên thông lên đại học

(Dân trí) - Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.

Cần có cơ chế, chính sách đồng bộ trong thực hiện hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Một trong những vấn đề "nóng" mà được nhiều cử tri quan tâm là công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nhà nước (GDNN) còn gặp nhiều khó khăn, tuyển chưa đạt chỉ tiêu được giao; công tác tuyển sinh và hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông chưa đạt yêu cầu.

Cơ cấu trình độ đào tạo trong các trường vẫn còn chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo trình độ cao đẳng, các trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn rất ít.

Việc liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học đòi hỏi các cơ sở GDNN phải được các trường đại học kiểm định chất lượng, kiểm định chương trình đào tạo của các trường cao đẳng.

Đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN chưa đảm bảo cân đối về chức danh nghề nghiệp, còn thiếu giảng viên chính và giảng viên cao cấp.

Một số doanh nghiệp chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động; còn nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động không qua đào tạo nên phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo cần có cơ chế, chính sách đồng bộ trong thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các cơ sở GDNN theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo được sự cân đối hợp lý giữa các trình độ đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương.

Phân luồng ở một số địa phương, cơ sở chưa đạt hiệu quả

Trả lời về vấn đề trên, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GDĐT đã rất quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học.

Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" (Đề án 522) và ban hành Kế hoạch số 1223/KH-BGDĐT ngày 28/12/2018 (Kế hoạch 1223) về việc triển khai thực hiện Đề án 522.

Tuy nhiên, công tác công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học hiện nay ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều bất cập trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với ngành giáo dục; giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GDĐT đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 522 song hành với việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như: thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình GDPT 2018; định hướng phân luồng học sinh ngay từ cuối giai đoạn giáo dục cơ bản (kết thúc THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT);

Bộ tiếp tục nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học.

Trong thời gian tới Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc Đề án 522 và Kế hoạch 1223; mặt khác nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.

Đồng thời, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Nhật Hồng