Tăng cường nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới

(Dân trí) - Ngày 10/10, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới” đã diễn ra tại trường ĐH Hà Nội với sự tham dự của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Uzbekixtan, Myanmar... và Việt Nam.

Hội thảo do Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Phân viện Puskin trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm hưởng ứng “Năm chéo Việt - Nga” (2019 - 2020) và thiết thực chào mừng 60 năm thành lập Trường Đại học Hà Nội (1959 – 2019).

Tăng cường nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo

PGS. TS. Nguyễn Văn Trào Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên tìm hiểu những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga giai đoạn hiện nay, qua đó tăng cường khả năng liên kết nghiên cứu giữa các nhà Nga ngữ học trong và ngoài nước.

Mục tiêu của Hội thảo là giới thiệu các cách tiếp cận sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, dịch thuật và nghiên cứu liên văn hóa.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu tham gia Hội thảo là các nhà Nga ngữ học Việt Nam, Nga và các nước Đông Nam Á.

 Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước như Việt Nam, Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Uzbekixtan, Myanmar... và đã lựa chọn 50 bài tham luận xuất sắc nhất. Các ý kiến đều tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề về phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Nga và dịch thuật.

Tăng cường nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới - 2

Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên tìm hiểu những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga giai đoạn hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, TS. Nguyễn Thị Thanh Minh đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo trong thời cuộc hiện nay – Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học-Nga ngữ học trong và ngoài nước trao đổi nhiều kinh nghiệm về các vấn đề “Đổi mới dạy và học ngoại ngữ”, “Đổi mới khảo thí, kiểm tra, đánh giá”, “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong dạy và học”.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 11/10 diễn ra buổi tập huấn nâng cao trình độ cho giảng viên, giáo viên tiếng Nga về “Khảo thí và cấp chứng chỉ Tiếng Nga quốc tế”, trong đó các chuyên gia Nga sẽ có bài giảng về đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học tiếng Nga.

Hồng Hạnh