Tân cử nhân: Chưa làm đã vòi đãi ngộ

Có những sinh viên khi ra trường có thể bắt tay làm việc, họ ít khi đứng núi này trông núi nọ. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều tân cử nhân không có lập trường, hay dao động và chưa làm đã vòi đãi ngộ.

Tại một hội thảo về đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp mới đây, rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn về cử nhân mới ra trường chưa làm gì đã đòi hỏi. 

Năng lực của tân cử nhân chưa có cơ hội để thể hiện nhưng đòi mức lương và chế độ đã ngộ cao chót vót, khiến nhà tuyển dụng đành ngậm ngùi.

Cạnh đó, nhiều bạn trẻ chưa có kỹ năng xin việc, với đặc thù công việc đòi hỏi tính nhẫn nại và quyết liệt thì rất nhiều bạn tỏ ra “nóng lòng”, muốn được tuyển dụng ngay, nên doanh nghiệp cũng đành chia tay.

Ngay từ năm 1, SV phải biết hoạch định kế hoạch cho từng giai đoạn suốt bốn năm ĐH
Ngay từ năm 1, SV phải biết hoạch định kế hoạch cho từng giai đoạn suốt bốn năm ĐH.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược của FPT, cho rằng: Với cử nhân giỏi về chuyên môn, ngay từ còn ở ghế giảng đường họ đã biết đặt ra mục tiêu và hoạch định từng bước đi rõ ràng trong sự nghiệp.

Khi ra trường là họ có thể bắt tay làm việc và cống hiến thì doanh nghiệp sẽ trả lương và đãi ngộ tương xứng, vì năng lực của từng người thể hiện qua công việc. Họ ít khi đứng núi này trông núi nọ.

Nhưng thực tế vẫn còn nhiều tân cử nhân không có lập trường, hay dao động và thay đổi, dễ bay nhảy khi họ không hài lòng về công việc, môi trường làm việc và họ bỏ việc, không giải thích khiến doanh nghiệp “đỡ” không kịp.

Ông Trần Việt Quân, Tổng giám đốc Bách khoa Computer,  đưa ra con số giật mình có tới 95% có quan niệm sống sai, không có mục tiêu cụ thể trong cuộc đời ở từng giai đoạn cụ thể như hết năm thứ 2 mình làm gì, năm thứ 4 mình đạt được gì và ra trường mình sẽ làm lĩnh vực nào và doanh nghiệp nào mình sẽ hướng tới.

80-90% sinh viên năm cuối và tân cử nhân muốn làm chủ (mở công ty) trong khi kinh nghiệm, kỹ năng thì chưa từng trãi, thất bại là một tất yếu.

Doanh nghiệp phỏng vấn tân cử nhân trong ngày hội việc làm.
Doanh nghiệp phỏng vấn tân cử nhân trong ngày hội việc làm.

“Để có lập trường, xác định được mục tiêu trong đời, sinh viên cần phải đi làm thêm (làm bất cứ việc gì có thể) để có vốn sống, kinh nghiệm và kỹ năng xã hội và phải đặt ra và hoàn thành mục tiêu trong từng giai đoạn, để khi ra trường có quyết định đúng đắn và vững vàng” - ông Quân khuyến cáo.

Với cách nhìn trung dung hơn, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác HS-SV ĐHQG TP.HCM, nhìn nhận: Với phương thức đào tạo tín chỉ hiện nay, sinh viên đóng vai trò trung tâm, nhà trường đáp ứng mọi yêu cầu học tập của sinh viên.

Suốt bốn năm đại học, sinh viên mang tâm lý được chiều chuộng cho đến khi ra trường họ cũng có thói quen đòi hỏi nhu cầu về công việc và phải theo đúng ý họ. Họ không có thói quen chịu áp lực cao trong công việc.

Phần lớn sinh viên có sức học trung bình, khá khi ra trường xin việc họ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu môi trường làm việc. Họ hay đòi hỏi quyền lợi, chế độ đãi ngộ nên doanh nghiệp phàn nàn cũng dễ lý giải.

Chưa kể phần đông tân cử nhân rất khó tìm việc làm (ngoại trừ các tân cử nhân giỏi thật sự), họ có tâm lý có việc cứ làm, dù trái ngành nghề đào tạo và họ cũng dễ dàng chán nản, bỏ việc.

Còn lớp sinh viên giỏi, họ làm có kinh nghiệm chuyên môn cao mà lương bổng không tương xứng, họ tìm nơi khác hài lòng hơn về thu nhập và môi trường tốt hơn, có cơ hội phát huy năng lực và thăng tiến là rất bình thường.

Theo Quốc Việt
Một Thế Giới