Tâm sự của một sinh viên Sư phạm thất nghiệp

(Dân trí) - Trước đây với sự hồn nhiên của tuổi học trò luôn ấp ủ những hoài bão cho tương lai, tôi luôn nghĩ mình phải cố gắng học thật giỏi để thi đỗ đại học. Niềm mơ ước duy nhất của tôi là được làm cô giáo đứng trên bục giảng để dạy cho các em nghèo vùng cao còn khó khăn...

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một miền đất biên cương, sương giăng phủ kín cả đường đi học những buổi sáng mùa đông buốt giá. Với đôi chân trần lạnh cóng, không có đôi tất để đi, áo ấm để mặc. Vậy mà hàng ngày tôi vẫn đi bộ từ nhà đến trường trong suốt 12 năm học. Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi không được cuộc sống đầy đủ vật chất như các bạn trong lớp, luôn bị các bạn nhìn mình với ánh mắt thương hại, tủi thân lắm!

 

Mẹ tôi mất khi tôi mới 3 tuổi, bố tôi phải nuôi 6 anh em nên suốt ngày đi xây nhà, mùa nào cũng vậy. Nhưng mỗi khi vào mùa đông nhìn đôi tay nứt nẻ, rỉ máu của bố vì phải bưng bê gạch và trộn vữa cộng với thời tiết buốt giá của mùa Đông ở Trùng Khánh - Cao Bằng, mắt tôi ướt nhòe nhưng không dám để bố nhìn thấy.

 

Thương bố lắm nhưng tôi chẳng thể làm được gì khi mình còn quá nhỏ. Tôi quyết tâm học thật tốt để thi đỗ Sư phạm một phần là tôi muốn nối nghiệp của mẹ, một phần là gia đình tôi quá nghèo không đủ tiền học phí để nuôi tôi học 5 năm ở các trường đại học khác. Tôi thương những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình ngày xưa nên chỉ mong được làm cô giáo để giúp các em có nghị lực học và vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn trước mắt.

 

Và rồi tôi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm như dự định, nhưng ước mơ được làm cô giáo của tôi cũng bị tan vỡ vì sinh viên ra trường quá đông, mà chỉ tiêu giáo viên thì quá ít. Thất vọng và mất phương hướng tôi đi làm đủ mọi công việc từ bán hàng tạp hóa, rồi bán bánh, đồ ăn sáng... kiếm tiền cũng đủ sống. Từ những công việc ấy tôi nhận ra giá trị cuộc sống và trân trọng giá trị đồng tiền bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Cái quan trọng hơn là tôi đã nhận ra rằng trường học chỉ là học lý thuyết, đó là những kiến thức chuyên ngành được biết qua những cuốn sách, những bài giảng. chỉ giỏi lý thuyết thôi thì hoàn toàn không đủ. Cái mà tôi cần có thêm đó chính là sự cọ xát với thực tế công việc, là kinh nghiệm và vốn sống.

 
Cảnh chen chúc ở một hội chợ việc làm dành cho bạn trẻ
Cảnh chen chúc ở một hội chợ việc làm dành cho bạn trẻ.
 

Tôi đã quyết định đi thi Cao học và tiếp tục theo đuổi ước mơ, vừa đi học vừa đi làm thêm. Cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành khóa luận Thạc sỹ như tôi mong muốn. Đã có nhiều thầy cô gợi ý để tôi về Hà Nội công tác, nhưng tôi nghĩ về các em nhỏ vùng cao thiếu thốn, tôi muốn trở về với miền quê với tuổi thơ đầy dữ dội và ấp ủ bao khát khao để được làm cô giáo truyền cho các em những tri thức mà tôi đã được học ở trường.

 

Nhưng rồi những ước muốn và hy vọng của tôi cũng tan tành theo mây khói. Tôi ra trường vẫn không có chỉ tiêu sư phạm, buộc tôi phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Tất nhiên tôi vẫn kèm các em nhỏ ở những xã khó khăn để các em học tốt hơn có lẽ đây là niềm vui nho nhỏ và duy nhất của tôi trong thực tại. Bon chen với cuộc sống tôi có thể làm được, nhưng tôi chỉ tiếc một điều là những tri thức mà tôi đã học nó sẽ mai mòn theo năm tháng.

 

Không chỉ riêng tôi rơi vào tình trạng như vậy mà tôi biết còn rất nhiều sinh viên thất nghiệp phải đi bán hàng thuê, làm nhân viên phục vụ ở các quán cà phê, thậm chí họ còn đi rửa bát để kiếm tiền…

 

Từ thực trạng ấy, tôi thấy đáng thương cho số phận những người học hành có bằng cấp mà họ không được trọng dụng. Không phải vì họ kém năng lực mà không có chỉ tiêu đúng chuyên môn để họ va chạm và thử sức với những gì họ đã học.

 

Vấn để việc làm là một vấn đề thời sự nóng hổi đang bức xúc đặt ra cho xã hội. Ra trường rồi thất nghiệp là tình trạng chung của không ít trí thức trẻ hiện nay. Qua bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội hãy quan tâm đến tầng lớp tri thức đang rơi vào tình trạng thất nghiệp khi kiến thức họ được đào tạo ngày càng bị mai mòn bởi những bon chen cuộc sống. Chúng tôi chỉ ước mong có được một công việc phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo ở các trường đại học, cao Đẳng... để cống hiến sức trẻ của mình.

 

Oanh Đinh

 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!