Tâm sự của giáo viên về nghề “dỗ đầu trẻ”

(Dân trí) - Giờ là thời “dỗ đầu trẻ”! - đó là lời nhận định của một giáo viên ở trường tôi khi năm học mới bắt đầu. Tôi ngẫm nghĩ và thấm thía nhiều điều trong hành trình thực hiện sứ mệnh “trồng người” gian nan mà hạnh phúc.

Thế hệ chúng tôi lớn lên đúng là trưởng thành từng bước trong sự nghiêm khắc của người thầy. Tôi vẫn nhớ như in những hình phạt mà chúng bạn phải chịu mỗi khi mắc lỗi. Phạt đứng, phạt quỳ, phạt roi, phạt lao động,…

Học sinh và phụ huynh thời ấy đón nhận sự nghiêm khắc của thầy như một lẽ hiển nhiên, là điều phải thế. Thậm chí đúng như nhiều bạn đọc bình luận là bị thầy phạt không dám mách bố mẹ vì sợ ăn đòn thêm.

Tuy nhiên, cái thời đòn roi trong giáo dục ấy đã lùi vào quá khứ. Xã hội đổi thay và nhiều mối quan hệ cũng buộc phải chuyển hóa phù hợp với sự tiến bộ, văn minh. Nhận thức của mỗi người về sự phát triển toàn diện của con trẻ dần dần chứng minh chân lý “đòn roi là phản giáo dục”.

Và lẽ tất nhiên, người thầy buộc phải thay đổi quan niệm giáo dục. Nghề giáo không phải là nghề “gõ đầu trẻ” mà giờ đây nhà giáo phải là người “dỗ đầu trẻ”.

Sau những vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian vừa qua, nhiều giáo viên đã ca thán rằng nghề giáo là nghề nguy hiểm. Người thầy bị “quàng” lên vai một trọng trách nặng nề nhưng bị tước sạch quyền giáo dục. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt. Tôi vẫn nhớ như in lời tâm sự của một người thầy của tôi khi tiễn lớp giáo sinh rời trường sư phạm: “Người thầy phải có cái đầu của một nhà bác học, cố gắng biết nhiều kiến thức nhất có thể. Nhưng người thầy cần hơn trái tim của một người mẹ, đủ yêu thương, đầy vị tha và thừa kiên nhẫn.”

Lời tâm sự ấy phác họa chân dung người thầy mẫu mực. Trong hai yếu tố “tài” và “đức” thì rõ ràng cái đức của thầy thật sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh nghề giáo đang bị bủa vây áp lực tứ phía và nhất cử nhất động đều bị soi chiếu và đánh giá khe khắt.

Thực tế đã chứng minh người thầy đáng kính tạc tượng trong lòng học sinh trước hết là những người hết mực yêu thương học sinh, từ tâm nhân ái với lỗi lầm của trò và dùng tấm gương sáng của bản thân cảm hóa tính ngang ngược, “cầm cương” mấy “con ngựa bất kham” trong cái tuổi dở dở ương ương…

Trước khi là một nhà sư phạm giỏi thì những nhà giáo ấy đã thành công ở tấm gương mẫu mực, sáng trong về nhân cách và tình yêu thương vô bờ bến. Và “quả ngọt” thầy nhận được đôi khi đơn giản là một bó hoa tươi thắm, lời cảm ơn tình cờ trên trang viết, dòng tin nhắn thăm hỏi từ phương xa… cũng đủ ấm lòng.

Yêu thương, vị tha, kiên nhẫn - ba phẩm chất cần có của người thầy dường như chưa được quan tâm đúng mức. Mỗi năm một mùa tuyển sinh, chưa hề có một cuộc khảo sát hay một chương trình đào tạo bài bản nào thăm dò lòng yêu nghề hay bồi đắp lòng yêu nghề, mến trẻ. Để rồi biết đâu có những giáo sinh bất chợt nhận ra rằng nghề giáo không đơn thuần là “cần câu cơm” và miễn cưỡng theo nghề chỉ làm khổ người, hại mình.

Các lớp huấn luyện, cọ xát với những tình huống sư phạm vẫn còn nặng tính lý thuyết, hình thức, hô hào. Sinh viên sư phạm vẫn đang “rối tinh” với những câu chuyện lặp đi lặp lại và có từ “đời nảo đời nao”. Trong khi đó, tình huống thực tế ở trường phổ thông muôn màu muôn vẻ gấp bội phần buộc giáo viên phải “xoay” để vừa đảm bảo phương pháp giáo dục tích cực vừa không vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nhưng “xoay” thế nào đây khi lỗ hổng trong đào tạo sư phạm vẫn chưa được lấp đầy?

Thiết nghĩ, trước khi truyền cho giáo sinh kiến thức chuyên môn, mong các trường sư phạm hãy dạy họ cách “dỗ đầu trẻ” và “vun trồng”, “chăm sóc” trái tim của người mẹ trong mỗi nhà giáo tương lai!

Năm học mới bắt đầu, học sinh trên cả nước đang nô nức tựu trường. Mong rằng mỗi người thầy lên lớp đều nuôi dưỡng nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” và ấp ủ một trái tim yêu thương con trẻ.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!