Bạn đọc viết:

Tại sao tôi bỏ thuốc lá khi con trai ra đời?

(Dân trí) - Tôi từng hút thuốc lá 10 năm. Cách đây 7 năm, khi con trai ra đời là tôi bỏ thuốc lá, vì hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến cháu ở hiện tại và tương lai sau này. Thực ra, tôi mong muốn bỏ thuốc lá rất nhiều lần chứ không phải đợi đến khi con tôi sinh ra thì tôi mới bỏ thuốc lá.

Tôi luôn nhận thức về tác hại thuốc lá như lãng phí thời gian, tiền bạc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, đặc biệt là gây tác hại đến sức khỏe của bản thân… Nhưng đó chưa phải là động lực để tôi bỏ thuốc lá.

Động lực để tôi bỏ thuốc lá chính là khi sinh con, tôi luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con, những cái gì chưa làm được đều gửi gắm niềm hy vọng để con thực hiện thay mình sau này và những thói hư, tật xấu của mình tôi sẽ khuyên con né tránh. Nếu tôi hút thuốc lá mà lại khuyên con không nên hút thuốc lá thì liệu con mình sẽ nói: “Ba cũng hút thuốc lá sao lại khuyên con”. Lúc này, tôi phải trả lời như thế nào? Do vậy, biện pháp tốt nhất là phải làm gương cho con tôi.

Và bây giờ, con của tôi nhìn thấy ai hút thuốc lá, cháu đều bảo: “Hút thuốc lá có hại sức khỏe đúng không ba” và tất nhiên tôi trả lời: “Đúng vậy con”. Tôi tin tưởng rằng bằng sự nêu gương của chính mình, khi lớn lên cháu sẽ không bao giờ hút thuốc lá.

Đó là suy nghĩ của riêng tôi, trong hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, trong xã hội không ít ông bố bà mẹ không quan tâm đến việc nêu gương của mình cho con trẻ. Tôi từng chứng kiến và được biết có trường hợp bố mẹ sai các em đi mua thuốc lá, mua rượu, thậm chí là đi mua bài về để cho bố mẹ sát phạt; hay sai con trẻ đi ghi số đề hoặc để trẻ con chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, bạo hành lẫn nhau. Đau lòng nhất là có trường hợp lợi dụng cả trẻ con để buôn bán, sử dụng ma túy... Đây là những hành động hết sức nguy hiểm vì sẽ tác động đến ý thức của các cháu ngay từ rất bé và ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi sau này của các cháu.

Do vậy, để giáo dục trẻ con, người lớn trước hết cần phải chủ động làm gương cho các cháu, định hướng cho các cháu nhận thức về hành vi tác hại cần tránh, đặc biệt là không nên nhờ các cháu làm những việc liên quan đến tệ nạn, tiêu cực làm vấy bẩn tâm hồn ngay thơ của các cháu. Cần tạo môi trường lành mạnh để giáo dục các cháu vì tương lai của đất nước, vì một xã hội lành mạnh, an toàn và hạnh phúc.

Đỗ Văn Nhân

(TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục