Bạn đọc viết:

Tả cây đào cũng cần văn mẫu

(Dân trí) - Tối cuối tuần, tôi giục con trai học bài. Tôi tranh thủ ngày nghỉ dọn dẹp nhà cửa đón Tết, con phụ bố mẹ lau chùi cửa sổ, nấu cơm. Tôi hỏi con bài vở, con nói đã học hết. Vậy mà buổi tối, con miệt mài tìm kiếm tài liệu trên máy tính. Tôi ngó vào kiểm tra, con đang say sưa đọc văn mẫu, tả về hoa đào.

Tôi nói: "Con không cần phải đọc văn mẫu, vườn nhà có mấy cây hoa đang nở rộ, con chỉ cần quan sát tỉ mỉ là hoàn thành bài văn dễ dàng". Con xua tay: "Không được tả cây khác, nhất định phải là cây đào vì đề bài đưa ra lựa chọn tả cây đào hoặc cây mai vào dịp Tết".

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành tìm ảnh hoa đào trên mạng cho con ngắm và tự miêu tả: bông hoa, thân cành, dáng cây. Tôi trách con, vì cách đây mấy hôm tôi rủ con đi phiên chợ hoa nhưng con từ chối, con nói không thích ngắm hoa, con thích ở nhà đá bóng, xem ti vi. Nếu con được tận mắt quan sát tỉ mỉ thì con viết văn mới sinh động, có hồn vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Con sẽ cảm nhận rõ ràng hương sắc của loài hoa biểu tượng mùa xuân miền Bắc, biết cách phân biệt đào thế, đào cành, đào phai, đào bích. 

Cây hoa đào là loài hoa rực rỡ và quen thuộc nhất trong ngày Tết miền Bắc. Con được ngắm hoa đào dọc đường về quê, cây đào sân cơ quan bố mẹ, cây đào bà ngoại bày trước hiên trang trí đèn nhấp nháy, đào dăm mẹ cắm trong lọ hoa bày bàn thờ. Nhưng đó chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong tâm trí, con chưa được mẹ dẫn đi lòng vòng ngắm hoa đào chợ Tết hay xuống tận vườn đào rực rỡ, bạt ngàn để thỏa sức ngắm nhìn, cảm nhận sắc hoa đào tươi thắm, rộn ràng đón xuân.

hoa-dao-no-ro-.jpg

(Ảnh minh họa)

 

Tôi hỏi con có biết ý nghĩa của hoa đào ngày Tết không? Tôi nói với con, hoa đào có màu hồng, màu đỏ rực rỡ, hoa mọc chi chít trên cành thể hiện sự quây quần, ấm áp, hạnh phúc và may mắn trong năm mới. Con trai còn bổ sung, hoa đào có ý nghĩa về tình bạn, sức khỏe, an khang thịnh vượng. Những bài viết con đọc trên mạng có tác dụng giải đáp nhiều câu hỏi mà con muốn tự mày mò, tìm hiểu. Tôi nhắc con, những bài văn mẫu con có thể tham khảo để biết cách xây dựng dàn ý chặt chẽ, nhưng câu văn, lời văn con nên tự nghĩ không nên học thuộc, sao chép văn mẫu. Tôi hi vọng những gợi ý nhỏ sẽ giúp con viết văn hay hơn. Con nói “Con ôn bài tối nay để mai làm kiểm tra 1 tiết, con hi vọng sẽ đạt điểm cao, bù lại mấy bài văn bị điểm thấp học kì 1”.

Tại sao có những đề bài văn thiết thực, gần gũi với cuộc sống mà vẫn làm khó cho học sinh? Tôi nghĩ, nhiều đứa trẻ giống hệt con tôi, thờ ơ, dửng dưng với thiên nhiên, cảnh vật xung quanh. Các con đi học chính, học thêm suốt ngày đến mệt nhoài. Nếu có chút thời gian, lũ trẻ chỉ muốn ngủ bù hoặc say sưa ôm điện thoại, ti vi. Phụ huynh thì mải mê mưu sinh, nếu rảnh cũng ngồi lì trong nhà với máy tính, điện thoại lướt mạng, chơi Facebook. Không có sự quan sát trực tiếp, không được hòa mình vào thiên nhiên thì trẻ con rất khó viết văn hay. Các em sẽ viết văn láu cá, sao chép văn mẫu hoặc lắp ghép, trộn lẫn câu văn, đoạn văn từ nhiều bài văn mẫu khác nhau thành bài văn của mình, miễn là đạt điểm cao.

Bài kiểm tra văn của con đã gợi cho tôi lên kế hoạch dẫn con đi chơi phiên chợ Tết, cùng con xuống tận vườn đào để con ngắm cây, ngắm hoa, hòa vào không khí nhộn nhịp, rộn ràng, tất bật những ngày sát Tết. Tôi sẽ cùng con tìm hiểu vì sao người dân trồng đào phải đánh luống để đào không úng nước, hết Tết những gốc đào được quét vôi để diệt sâu bệnh, tại sao phải tuốt lá đào để đào ra hoa đúng Tết. Người nông dân vất vả suốt một năm chăm chút cây đào, lo lắng vì thời tiết không thuận lợi và mong ngóng, chờ đợi, hi vọng vào mùa hoa… Tôi tin là những chuyến đi chơi ấy sẽ khiến con được mở mang hiểu biết, không chỉ là quan sát, miêu tả hoa đào mà còn hiểu thêm ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!