Đổi mới phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh:

Sự tự chủ nửa vời?

(Dân trí) - Với việc cho phép các trường ĐH được <a href="http://www12.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/1/162625.vip">tự chủ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh</a> nhưng lại “treo” một “barem” tiêu chí để Bộ duyệt, liệu “chiếc bánh” chỉ tiêu có thoát khỏi tình trạng xin - cho? Và phương thức để các trường tự quyết chỉ tiêu liệu có rơi vào trong tình trạng đổi mới mà như không?

“Barem” mới chỉ đang “thai nghén”

 

Năm 2007, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một bộ tiêu chí dựa trên các thông số như số lượng sinh viên/1 giảng viên; diện tích, cơ sở vật chất... để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học.

 

Dự kiến, tỷ lệ sinh viên/ giảng viên sẽ là thước đo quan trọng nhất trong việc chấm chỉ tiêu cho mỗi trường. Điều kiện đạt yêu cầu của tỷ lệ này ở khối các ngành kỹ thuật là 20-25 SV/giảng viên, ở khối ngành khoa học xã hội và nhân văn có thể 25-30 SV/giảng viên. Trong đó sẽ quy định số cán bộ cơ hữu, biên chế hoặc hợp đồng dài hạn phải chiếm một số lượng nhất định.

 

Hiện nay, Bộ cũng đang lên công thức tính và sẽ quy đổi giảng viên có trình độ GS, PGS, TS, thạc sĩ về một nhóm.

 

Theo ông Trần Duy Tạo, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT), Bộ đề ra tiêu chí và trường nào thực hiện đúng thì được tuyển sinh với số lượng phù hợp với các tiêu chí ấy.

 

Tuy nhiên, về tất cả những tiêu chí này thì chưa có trường ĐH nào nắm được. Theo tin từ  Bộ GD-ĐT, việc định ra các tiêu chí mới chỉ đang trong quá trình thực hiện trong khi các trường đã phải bắt tay ráo riết xây dựng số lượng đầu vào năm 2007 của mình để trình lên Bộ. Vậy, yêu cầu từ phía Bộ đối với các trường ĐH khi tự đề xuất chỉ tiêu trên cơ sở năng lực và bộ tiêu chí đó sẽ chỉ là lý thuyết mà thôi. Các trường sẽ tự đề xuất chỉ tiêu nào cho mình ngoài việc dựa vào những chỉ tiêu của các năm trước?

 

Để “chữa cháy” cho điều này, lãnh đạo Vụ ĐH và SĐH cho biết nếu đưa ra một loạt tiêu chí thì sẽ khó cho các trường. Bởi thế, tiêu chí chính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm nay sẽ chỉ là tỷ lệ số SV chính quy/giảng viên. Nếu trong trường hợp sau khi áp dụng bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường quá thấp so với con số dự kiến thì vẫn phải lấy căn cứ là chỉ tiêu của năm 2006 đế áp dụng cho năm 2007.

 

Vậy là việc đổi mới sẽ không khác gì lúc chưa đổi mới. Vì thế,  quy trình đổi mới phương thức giao chỉ tiêu này đang còn quá mơ hồ và khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

 

Nơi cần thì không có, nơi có thì không cần

 

Trong khi những ĐH lớn là những nơi có cơ sở vật chất lý tưởng nhất thì họ lại là những trường không có nhu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Ông Mai Trọng Nhuận, Phó GĐ ĐHQG Hà Nội cho biết: ĐHQG Hà Nội có thể có khả năng tăng chỉ tiêu đào tạo hơn nữa nhưng trường sẽ không đặt mục tiêu nâng số lượng lên mà dành toàn bộ tâm sức để nâng cao chất lượng theo chuẩn của khu vực và quốc tế. Vì thế, dù Bộ GD-ĐT có yêu cầu hay không thì trường cũng tự giác cắt giảm chỉ tiêu (trước kia hệ tại chức ĐHNN thuộc ĐHQG Hà Nội đào tạo 10.000 chỉ tiêu/năm, nay chỉ còn 2.500 chỉ tiêu/năm và không cho tăng chỉ tiêu các ngành đào tạo, trừ những ngành mới mở). Năm 2007 này, tổng chỉ tiêu dự kiến của trường sẽ vẫn chỉ là 5.500.

 

Những khối trường có vẻ “khát” chỉ tiêu hơn cả lại rơi vào khối trường dân lập và tư thục - những trường hành năm hay bị “tuýt còi” về tình trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính vì thế, họ tỏ vẻ đầy ấm ức khi… được giao quyền tự lựa chọn chỉ tiêu tuyển sinh này.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hồng Bàng thì: “Không nên giao quyền tự chủ về chỉ tiêu cho các trường trong vài năm tới, cũng không nên hạ chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian này. Nên giữ việc giao chỉ tiêu như bình thường, ít nhất là trong năm nay. Bởi việc khảo sát tiêu chí không đơn giản”.

 

Cũng cùng quan điểm này, TS Nguyễn Chu Hùng (ĐHQG TPHCM) cho rằng: Bộ nên giao quyền tự chủ cho các trường để họ định ra chỉ tiêu hợp lý cho công tác đào tạo của mình. Với bản tiêu chí của Bộ thì Bộ lại phải đi làm công tác thẩm định các trường xem có đạt theo tiêu chí không và như thế càng khiến quy trình tuyển sinh dài hơn và phức tạp hơn. 

 

Nếu thực hiện theo các tiêu chí do Bộ ban hành thì cơ chế kiểm tra, giám sát việc các trường ĐH sẽ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ được thực hiện như thế nào? Những trường thuộc các bộ, ngành khác nhau quản lý, việc kiểm tra là do các bộ, ngành đó chịu trách nhiệm hay Bộ GD-ĐT đảm nhận? 

 

Mặc dù lãnh đạo Bộ có trả lời các câu hỏi này rằng, khi đã có tiêu chí công khai thì các bộ, ngành chủ quản có trách nhiệm giám sát, xã hội cũng có thể giám sát. Nhưng thực tế rõ ràng sẽ khó tránh khỏi tình trạng bỏ buông sự giám sát này. 

 

Giao quyền tự chủ cho các trường, để cho các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tuyển mới hàng năm, chịu trách nhiệm trước xã hội và người học về năng lực và chất lượng đào tạo của mình… là điều mong mỏi của cả hệ thống các trường ĐH, CĐ, THCN. 

 

Tuy nhiên, cơ chế của việc thực hiện giao quyền tự chủ này thế nào không thể thực thi vội vã, nếu không sẽ tạo ra những “lỗ hổng” rất lớn. Tạo nên một sự tự chủ nửa vời còn nguy hại hơn nhiều việc “trói buộc”, bởi ít nhiều trong sự trói buộc cũng đã tạo nên được “trật tự” dù chỉ là sự trật tự khiên cưỡng.

 

Mai Minh