“Sốc văn hóa ngược”

(Dân trí) - Hiện nay, rất nhiều cán bộ trẻ sau khi hoàn thành khóa học nâng cao trình độ ở nước ngoài về gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cơ quan cũ. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều yếu tố: ít cơ hội thăng tiến, lương thấp, thất vọng vì nhiều thủ tục quan liêu…

Trong đó, lý do bị hạn chế việc vận dụng và truyền đạt kỹ năng mới chiếm tới 59%.

 

Khó hòa nhập

 

Theo ý kiến của một số cựu sinh viên Chương trình Học bổng Phát triển Australia ADS, những cơ quan cũ thường thiếu các quy trình chính thức quản lý sự tái hòa nhập của cán bộ khi hoàn thành khóa học trở về. Nhiều cựu sinh viên cho biết đã trải qua “cú sốc văn hóa ngược”. Bởi họ đang quen với cuộc sống, học tập ở một trường đại học nước ngoài và không được chuẩn bị để lấy lại cuộc sống cá nhân cùng công việc lúc quay lại Việt Nam.

 

Thêm vào đó, một trở ngại khác đối với các cựu sinh viên là sự gián đoạn về các mối quan hệ chuyên môn. Nếu trở lại cơ quan cũ sau thời gian dài đi học, các cán bộ trẻ này sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.

 

Khó vận dụng phương pháp mới, kỹ năng mới

 

Bà Meg Holmberg, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Học bổng ADS cho biết: “Một trong những khó khăn sau khi đi học trở về được các cựu sinh viên nhắc đến thường xuyên nhất là sự khác biệt về cách thức, phong cách làm việc, tiêu chuẩn chuyên môn ở Việt Nam đã hạn chế các cựu sinh viên ứng dụng hiệu quả các kiến thức và kỹ năng”.

 

Một cựu sinh viên bức xúc: “Tôi may mắn được nhận học bổng học y học lâm sàng ở Australia. Tôi có cơ hội thực hành lâm sàng ở Australia, không phải chỉ là lý thuyết. Nhưng khi trở về Việt Nam, tôi chỉ có thể áp dụng một số phương pháp, còn lại thì không thể. Nhiều đồng nghiệp của tôi nói rằng những phương pháp tôi đã học được là không cần thiết, rằng mọi người ở Việt Nam vẫn làm việc đó theo cách này và đã làm theo cách đó nhiều năm mà có sao đâu…”.

 

Cựu sinh viên học ngành Phân tích mẫu cho biết thêm: “Phân tích mẫu ở nước ngoài hiện đại hơn, cùng một mẫu đó ở nước ngoài thì thực hiện được nhưng về Việt Nam thì lại không thể. Công ty của tôi chỉ có một cái máy phân tích duy nhất mà nó lại bị hỏng…

 

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là thiết bị nghiên cứu trong ngành kỹ thuật. Chúng tôi phải sử dụng các thiết bị lạc hậu, sản xuất từ những năm 70. Trong khi đó, kiến thức khoa học cơ bản chúng tôi học từ nước ngoài đến bây giờ vẫn áp dụng được, rất có ích”.

 

Phản hồi từ cơ quan quản lý

 

Theo con số thống kê của AusAID, 86% cán bộ quản lý cho rằng kiến thức và kỹ năng thu được của các nhân viên sau khi đi học nước ngoài về là phù hợp với nhu cầu của cơ quan họ và tin rằng những kiến thức, kỹ năng đó phù hợp với bối cảnh hoặc môi trường ở Việt Nam.

 

Còn lý do những cựu sinh viên gặp phải trở ngại thường liên quan đến việc họ không được làm việc ở vị trí quản lý cao, điều kiện của cơ quan còn hạn chế, không sử dụng hết năng lực của nhân viên, lương thấp, văn hóa tổ chức của người Việt…

 

***

 

31% cán bộ sau khi đào tạo không quay trở lại cơ quan cũ làm việc là con số đáng báo động. Thiết nghĩ, các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan quản lý trực tiếp cần xây dựng thêm những quy chế thực tiễn nhằm tránh “chảy máu chất xám” hoặc làm mai một, lãng phí những kiến thức và kỹ năng hiện đại được mang về từ các nước bạn.  

Thu Hoài - Phúc Hưng