Sở Nội vụ Bắc Giang lên tiếng vụ “vượt mặt” quy định tuyển dụng

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí chiều 2/11, Phó giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Khuông Văn Thông cho biết: Việc Bắc Giang không tổ chức thi phỏng vấn hay thực hành như trong Nghị định 29 là do số lượng thí sinh dự tuyển hàng năm rất lớn. Bên cạnh đó việc thi trắc nghiệm sẽ khách quan và minh bạch hơn.

Theo lời ông Thông, thông thường mỗi năm có khoảng hơn 3.000 thí sinh dự thi (sau khi UBND các huyện đã sơ tuyển hồ sơ) nên nếu tổ chức thi phỏng vấn hay thực hành thì không biết đến lúc nào mới tổ chức xong. Cùng với đó việc thành lập các hội đồng để tổ chức thi phỏng vấn hay thực hành cũng khó có thể khách quan được.

Để khắc phục tình trạng này thì tỉnh đã quyết định tổ chức bài trắc nghiệm với 100 câu hỏi. Trong đó có 20 câu hỏi kiến thức chung và 80 câu còn lại là chuyên môn. Bản chất bài thi này chính là sát hạch chuyên môn. Sau này nếu có vấn đề gì thắc mắc thì cũng có bài thi để đối chứng.

 

Kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015 của tỉnh Bắc Giang
Kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015 của tỉnh Bắc Giang

 

“Việc quyết định làm bài trắc nghiệm nhằm đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh cũng như đảm bảo tính minh bạch. Sau khi tổ chức hình thức này thì dư luận Bắc Giang rất đồng tình” -  Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thông, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hàng năm ít, số lượng dự tuyển lại đông nên việc làm sao để chọn được người tài, người có năng lực là điều mà tỉnh quan tâm. Thực tế, kì thi tuyển dụng năm 2014 có 11 chỉ tiêu môn Toán thì khi áp dụng cách thức làm bài trắc nghiệm có đến 8 trường hợp trúng tuyển là tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội (khi tổ chức thi tuyển không khống chế bằng cấp, loại hình bằng tham gia tuyển dụng - PV).

Về việc công điểm ưu tiên cho một số đối tượng chính sách, ông Thông giải thích: Ở thi công chức thì lại được phép cộng điểm ưu tiên trong khi việc tuyển dụng viên chức lại không được áp dụng. Thực tế có cơ quan vừa tuyển cả công chức lẫn viên chức thì nếu theo quy định thì có đối tượng được cộng, có đối tượng lại không. Đây là vấn đề bất cập mà Sở cũng đã kiến nghị lên trên nhiều lần.

Trước đây khi thực hiện không cộng điểm thì HĐND tỉnh cũng có ý kiến cho rằng đó là bất cập và yêu cầu điều chỉnh.

Mặc dù giải thích là vậy nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi "Nếu tỉnh Bắc Giang cho rằng đó là bất cập thì có Nghị quyết thông qua để thực hiện hay không?", không trả lời trực tiếp câu hỏi này, ông Thông giải bày: "Thi công chức thực hiện cộng điểm nên viên chức chúng tôi cũng áp dụng. Những đối tượng cộng điểm đều là các gia đình chính sách, con thương binh, liệt sỹ…".

Cũng theo ông Thông, hàng năm việc tuyển dụng ở địa phương đều được báo cáo về Bộ Nội vụ và chắc chắn Bộ Nội vụ biết rõ quy trình tuyển dụng của Bắc Giang.

Về nhiều thông tin bạn đọc phản ánh tình trạng 52 giáo viên hợp đồng bậc mầm non được đề nghị xem xét để xét đặc cách nhưng tỉnh lại không đồng ý, ông Thông cho hay: Tỉnh không có chủ trương hợp đồng giáo viên. Hiện nay tỉnh đã có quy định về phân cấp nên việc quản lý biên chế, con người là do UBND các huyện/thành phố. Chỉ có duy nhất năm học 2008-2009 thì có Nghị quyết của tỉnh về việc hợp đồng giáo viên mầm non, sau đó đến năm 2012 là chấm dứt. Số đối tượng hợp đồng những năm đó đã được tỉnh giải quyết và hầu hết đều được xem xét đặc cách.

Công văn của UBND Thành phố Bắc Giang yêu cầu Phòng Nội, Phòng GD-ĐT thành phố xét tuyển đặc cách 55 trường hợp giáo viên mầm non.
Công văn của UBND Thành phố Bắc Giang yêu cầu Phòng Nội, Phòng GD-ĐT thành phố xét tuyển đặc cách 55 trường hợp giáo viên mầm non.

Theo tìm hiểu của Dân trí, sở dĩ Bắc Giang vẫn còn tình trạng hợp đồng giáo viên là do một số huyện, thành phố tự động ký theo nhu cầu công việc hiện tại. Để giải quyết quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, năm 2015, UBND thành phố Bắc Giang có 55 chỉ tiêu và đã có chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT Thành phố cho phép tuyển dụng đặc cách 52 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng theo Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND, ký năm 2012 nhưng chưa được tuyển dụng năm 2013 và 3 giáo viên do tồn tại cũ.

Tuy nhiên, ông Khuông Văn Thông cho rằng: Đơn vị không có quyền tuyển dụng thì không được phép làm điều này, ở đây quyền tuyển dụng thuộc về tỉnh.

Như vậy, Bắc Giang cho rằng việc làm của mình là minh bạch, khách quan cho dù có những điểm chưa thực hiện đúng so với quy định song hàng năm đều báo cáo đầy đủ cho Bộ Nội vụ. Vậy việc làm của Bắc Giang có được Bộ Nội vụ đồng ý bằng một văn bản chính thức?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu vụ việc để sớm thông tin đến với bạn đọc.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)