Sở GD-ĐT Thanh Hóa quyết xử lý vấn đề lạm thu

(Dân trí) -Trước những phản ánh của người dân về vấn đề lạm thu đầu năm học 2013-2014 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Đồng thời Sở đã triệu tập cuộc họp các Phòng GD-ĐT để quán triệt vấn đề nêu trên.

Trước tình trạng lạm thu diễn ra mỗi khi năm học mới bắt đầu tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có nhiều công văn gửi về các địa phương, Phòng GD-ĐT trên địa bàn về việc hướng dẫn cũng như chấn chỉnh thực hiện các khoản thu.

Sở GD-ĐT Thanh Hóa quyết xử lý vấn đề lạm thu
Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 (TP Thanh Hóa) đóng tiền cho trường trả nợ phường.

Từ đầu năm học 2013 - 2014, báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh về tình trạng lạm thu tại một số trường học trên địa bàn. Qua đó, một thực tế đặt ra là nhiều trường học vẫn chưa thực hiện nghiêm việc hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như ngành giáo dục địa phương.

Có những trường học đưa ra danh sách trong đó có hàng chục khoản thu khiến các bậc phụ huynh bức xúc. Điểm qua một số khoản mà nhiều trường tiến hành trực tiếp thu hoặc thông qua Hội Cha mẹ học sinh triển khai đến các phụ huynh như: Xã hội hóa giáo dục, tiền vệ sinh, gửi xe, nước uống, tu sửa cơ sở vật chất, dọn nhà vệ sinh, trả tiền vệ sinh môi trường…

Nhiều nhà trường đã nghĩ ra đủ các khoản thu để thực hiện mà không nhận được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh. Ngành GD-ĐT Thanh Hóa cũng phải “nóng mặt” trước tình trạng trên của các đơn vị cấp dưới.

Ngày 25/7, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn các khoản thu, chi năm học 2013 - 2014. Theo đó, các khoản thu theo quy định Nhà nước như: học phí, phí gửi xe đạp, lệ phí tuyển sinh; khoản thu bắt buộc theo Luật như: Bảo hiểm y tế.

Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến học sinh như: Bảo hiểm thân thể; qũy đoàn, đội, hội chữ thập đỏ; quỹ khuyến học nhà trường; quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh; các khoản thu phục vụ học sinh như: Tiền phục vụ bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền ăn trưa đối với lớp học 2 buổi/ngày, nước uống, vệ sinh lớp học, trang phục cho học sinh, bảng tên, phù hiệu, hồ sơ học sinh, học phẩm đối với cấp mầm non.

Đối với các khoản nêu trên, các cơ sở giáo dục tổ chức thu trên cơ sở đủ các điều kiện như: Căn cứ nhu cầu thực tế của nhà trường và điều kiện kinh tế của địa phương để lập dự toán chi tiết các khoản chi làm cơ sở xây dựng mức thu phù hợp; có sự thống nhất trong ban giám hiệu, công khai đến cha mẹ học sinh; chỉ thu khi cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp cho con em mình; sau khi thực hiện xong phải quyết toán theo quy định, đảm bảo dân chủ và công khai.

Sở GD-ĐT Thanh Hóa quyết xử lý vấn đề lạm thu
Trường tiểu học xã Hoằng Trung (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kêu gọi học sinh đóng tiền đón chuẩn quốc gia.

Các khoản thu đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất phải được Sở GD-ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt đồng ý mới được triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo và đánh giá tình hình gửi về Sở GD-ĐT trước ngày 15/9 hằng năm.

Tiếp đó, ngày 13/9/2013, Sở GD-ĐT Thanh Hóa có công văn về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu trong nhà trường năm học 2013 - 2014, trong đó có nội dung nêu, đã xuất hiện một số trường có đơn thư phản ánh của cha mẹ học sinh và báo chí nêu việc triển khai thực hiện các khoản thu không đúng quy định, triển khai không đúng quy trình, thiếu công khai, dân chủ, minh bạch và các khoản thu dịch vụ, thu xã hội hóa chưa được sự bàn bạc, thống nhất của cha mẹ học sinh đã tiến hành thu.

Công văn khẳng định, không được thu tiền học sinh để tu sửa và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; đối với học sinh tiểu học không được dạy thêm thu tiền, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm bố trí đủ định mức giờ dạy theo quy định cho giáo viên hiện có. Nếu xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường phải bố trí dạy tăng buổi thì thực hiện trả lương dạy thêm giờ theo thông tư liên tích của các Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính…

Trưởng Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ kế hoạch, quy trình thực hiện và các khoản thu, mức thu, các nguồn tài trợ của các trường. Giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị kịp thời, xem xét xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, thu chi sai quy định.

Mới đây nhất, ngày 1/10, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có công văn gửi các trưởng Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố về việc quán triệt việc dạy thêm, học thêm và lạm thu trong các trường mầm non, phổ thông trong ngày 4/10.

Trong đó có nêu, đầu năm học 2013 - 2014 vẫn còn một số đơn vị, trường học thực hiện chưa nghiêm, để xảy ra tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Trường tiểu học Quảng Cát (TP Thanh Hóa) may đồng phục, ép học sinh mua.
Trường tiểu học Quảng Cát (TP Thanh Hóa) may đồng phục, "ép" học sinh mua.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Xuân Cảnh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Thanh Hóa khẳng định: “Giám đốc rất cương quyết với vấn đề này. Nếu đơn vị nào cố tình tái phạm, báo chí phản ánh sẽ đề nghị xử lý kỷ luật. Sở sẽ có công văn gửi cho các chủ tich huyện chỉ đạo các trường. Nếu các trường không làm được thì cho nghỉ hiệu trưởng. Đối với các trường có tình trạng lạm thu, Phòng GD-ĐT phải làm việc với UBND huyện, thành lập đoàn xuống kiểm tra, xác minh báo cáo về Sở. Đến nay chưa có đơn vị nào báo cáo về Sở”.

Dư luận đang trông chờ vào sự quyết liệt của ngành giáo dục cũng như chính quyền các cấp ở Thanh Hóa để đẩy lùi nạn lạm thu tại các cơ sở giáo dục.

Duy Tuyên