Sinh viên và "vấn nạn" đọc - chép

Có nhiều sinh viên nghe giảng một cách thụ động, ghi chép một cách thụ động và trở nên ngại ngùng khi phát biểu hoặc khi được hỏi về một vấn đề nào đó trong một tiết học.

Theo PSG.TS, Nhà giáo ưu tú Đinh Xuân Khoa (Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh), giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy và học sinh phải thay đổi phương pháp học. Không còn tình trạng "đọc - chép" thì vấn đề đổi mới sẽ sớm được hoàn thành. 

Sinh viên ngại phát biểu

PGS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết, qua điều tra về việc tham gia góp ý, thảo luận trong bài giảng tại Trường ĐH Vinh, đa số sinh viên cho biết họ ngại nêu thắc mắc, ngại nói ra các ý tưởng của mình.

"Có quá nhiều sinh viên nghe giảng một cách thụ động, ghi chép một cách thụ động và trở nên ngại ngùng khi phát biểu hoặc khi được hỏi về một vấn đề nào đó trong một tiết học. Mặc dù, một số giảng viên đã có những bài giảng qua slide, có giáo án điện tử để cho sinh viên có cơ hội và thời gian thảo luận ngay tại lớp, nhưng tâm lý cũng như việc thụ động khiến sinh viên trở nên khó khăn khi tiếp cận phương pháp giảng dạy mới này", ông Khoa nhận định.

Sinh viên rất chăm chú nghe giảng nhưng khi được hỏi thì trốn tránh.
Sinh viên rất chăm chú nghe giảng nhưng khi được hỏi thì trốn tránh.

Thậm chí, ngay cả khi các giảng viên giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sinh viên thì họ cũng luôn tìm cách trốn tránh, trả lời một cách đối phó hoặc cử ra một nhóm, một người hiểu vấn đề, trả lời lưu loát trao đổi lại với các giảng viên để những sinh viên còn lại… ngồi nghe.

Vấn đề này, theo ông Khoa, việc đầu tiên phải chỉ ra đó là sự thiếu tự tin của số đông sinh viên hiện nay. Họ không phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân. Ngại phát biểu đồng nghĩa sinh viên không dám nói lên sự thật, không dám nhìn nhận cái sai và nói ra những vấn đề mà mình chưa hiểu.

Tự biến mình thành “con cá chép”

Cô Đặng Thị Phượng (Giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội) thường yêu cầu sinh viên trả lời những câu hỏi không khó và trong phạm vi bài giảng. Tuy nhiên sinh viên luôn nghĩ việc phát biểu là của ai đó chứ không phải của mình. 

"Việc sinh viên ít phát biểu đã ảnh hưởng không nhỏ tới không khí học tập trong lớp. Điều này cũng như tạo ra cảm giác chán nản của chính giảng viên vì thấy các bài giảng của mình chỉ có sự làm việc một chiều", cô Phượng chia sẻ.

Còn theo bạn Nguyễn Thị Nhung (Sinh viên năm 3 khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), vấn đề ngại phát biểu của sinh viên dẫn đến việc thầy cô ngại thay đổi phương pháp giảng dạy. Cứ thế sinh viên đã tự biến mình thành những "con cá" chép hoàn hảo. 

Sinh viên rất chăm chú nghe giảng nhưng khi được hỏi thì trốn tránh.
Phương pháp giảng dạy bằng giáo trình điện tử gây hứng thú với sinh viên nhưng không hạn chế được "vấn nạn đọc - chép".

Cô Nguyễn Thị Minh Thái (giảng viên khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cho biết thêm, sinh viên đã tự biến mình thành những thợ chép nên đã hình thành một tâm lý thụ động trong mọi vấn đề và sợ sai. Có tình trạng dù chép rất đầy đủ, nhưng khi hỏi lại bài, sinh viên vẫn không nắm bắt được vấn đề.

Vấn đề này theo PSG.TS Đinh Xuân Khoa, nguyên nhân là lâu nay nước ta vẫn áp dụng hình thức thi "3 chung" nên sinh viên không chủ động trong phương pháp dạy và học mới. Đổi mới toàn diện phương pháp giảng dạy để học sinh, sinh viên tiếp thu được kiến thức, áp dụng được vào thực tế đang là một việc làm bức thiết.

Theo Dạ Thảo
Một Thế Giới