Sinh viên sư phạm đi làm phục vụ bàn, sinh viên kinh tế làm gia sư?

Mai Châm

(Dân trí) - Dù là công việc làm thêm, bạn trẻ cũng không được quyền dễ dãi hay cẩu thả. Khi bắt đầu làm công việc gì, bạn cần phải lời 2 câu hỏi: "Tôi sẽ được gì?" và "Đơn vị sử dụng lao động được gì?".

Không dễ dãi chọn công việc làm thêm

Với tâm thế của sinh viên, đặc biệt là những bạn tân sinh viên, tìm kiếm một công việc làm thêm là nhu cầu chính đáng và thiết yếu. Mục đích ban đầu của các bạn đơn giản là có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, bắt đầu tự lập và biết trân quý đồng tiền do chính mình làm ra.

Tuy nhiên, theo anh Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh (NCS) ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm TPHCM, dù là công việc làm thêm, bạn trẻ cũng không được quyền dễ dãi hay cẩu thả. Anh An cho rằng, khi bắt đầu làm công việc gì, về bản chất, bạn vẫn cần phải lời 2 câu hỏi: "Tôi sẽ được gì?" và "Đơn vị sử dụng lao động được gì?".

Ở câu hỏi đầu tiên các bạn trẻ nên đặt thêm những mục tiêu khác ngoài việc kiếm tiền.

Sinh viên sư phạm đi làm phục vụ bàn, sinh viên kinh tế làm gia sư? - 1

Nghiên cứu sinh tâm lý học Đào Lê Tâm An (Ảnh: NVCC).

"Trong quá trình tiếp xúc với người trẻ, tôi nhận thấy điều kỳ lạ là sinh viên sư phạm thì đi làm phục vụ bàn, sinh viên kinh tế thì lại đi làm gia sư. Cùng một khoảng thời gian bỏ ra, bạn nên ưu tiên công việc nào vừa có thể đem lại thu nhập, vừa góp phần làm dày kinh nghiệm của bản thân.

Thậm chí, nếu không quá khó khăn về tiền bạc, bạn nên cân nhắc yếu tố "kinh nghiệm" quan trọng hơn. Một công việc cho bạn cọ xát với thực tế, gần với chuyên ngành mà bạn học sẽ khiến việc "học đi đôi với hành" trở nên dễ dàng hơn", NCS Đào Lê Tâm An nói.

Trả lời cho câu hỏi thứ hai, công sức lao động của bạn cần đem lại những giá trị cho đơn vị tuyển dụng.

"Đa phần do lối tư duy "làm tớ, không phải làm chủ" khiến thái độ và tính chú tâm trong công việc của nhiều người lao động trẻ rất kém, từ đó dẫn tới hiệu suất công việc cũng không cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đơn vị sử dụng lao động.

Trong khi đó, các nhà sử dụng lao động thường có những mối quan hệ và kết nối với nhau. Nếu bạn đã để lại những ấn tượng không tốt, đặc biệt là thái độ không cầu thị, tự cao, cẩu thả..., thì có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm sau này", anh Tâm An chia sẻ.

Đừng "xin việc", hãy "tìm việc"!

Theo anh Tâm An, tâm thế thường thấy của sinh viên hoặc người lao động trẻ là đặt mình ở vị trí "cửa dưới" so với nhà tuyển dụng. Thế nhưng, giao dịch lao động là giao dịch công bằng, sòng phẳng.

"Nếu bạn biết những giá trị bạn mang đến cho nhà tuyển dụng thì bạn cũng sẽ hiểu rõ công việc này có phù hợp với bản thân hay không. Vì vậy, đừng xin việc, hãy tìm việc hợp với bạn!

Trong công việc, điều quan trọng là sự cầu thị, khiêm nhường, chứ không phải luồn cúi, hạ thấp bản thân và chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe và sự an toàn của bản thân", anh Tâm An nhận định.

Anh khuyên rằng, trước khi bạn trẻ quyết định làm việc tại một cơ sở nào đó, hãy thông qua các mối quan hệ của những người đi trước như anh chị, thầy cô hoặc người quen để kiểm chứng mức độ uy tín của đơn vị này.

"Hãy đọc thật kỹ luật lao động và hợp đồng chuẩn bị ký với đơn vị tuyển dụng, kiểm tra những điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Thiếu hiểu biết về những điều này có thể khiến bạn bị lừa hoặc nhận lại không xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra", anh nói.

Mặc dù vậy, đôi khi, một chút thua thiệt là chuyện có thể xảy ra trong thực tế. Nhưng bạn trẻ cần hiểu rất rõ lý do vì sao mình chấp nhận có những thua thiệt này, những gì bạn đánh đổi lại có xứng đáng hay không? Nếu rủi ro quá lớn, bạn cảm thấy chưa sẵn sàng, hãy thẳng thắn từ chối.

Khi bạn cảm thấy chính sách trả lương chậm trễ, không có lý do chính đáng, đơn vị yêu cầu các bạn thực hiện quá nhiều việc không liên quan, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập... Hãy cân nhắc chấm dứt hợp đồng, đừng để những điều không phù hợp này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và trạng thái tinh thần của bạn.

Những việc cần ghi nhớ khi thực hiện phỏng vấn tuyển dụng

Theo anh Đinh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu ATC, để cuộc phỏng vấn tuyển dụng diễn ra thuận lợi, các bạn trẻ cần ghi nhớ: "Bên cạnh sơ yếu lý lịch, bạn trẻ cần có thái độ chuyên nghiệp trong quá trình phỏng vấn.

Sinh viên sư phạm đi làm phục vụ bàn, sinh viên kinh tế làm gia sư? - 2

Anh Đinh Văn Thịnh đưa ra những lưu ý đối với lao động trẻ khi tham gia tuyển dụng. (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, trước buổi phỏng vấn, các bạn nên chuẩn bị tâm lý vững vàng, tránh lo sợ quá mức làm ảnh hưởng đến sự tự tin bản thân và tìm hiểu thông tin về nơi làm việc, vị trí tuyển dụng và nhà tuyển dụng.

Trong ngày phỏng vấn, cần mang đầy đủ giấy tờ, hồ sơ; trang phục gọn gàng chuyên nghiệp; tác phong nhanh nhẹn; cần đến sớm 5-10 phút trước giờ phỏng vấn để chuẩn bị tâm lý, thêm phần tự tin; tránh việc đến trễ giờ vì có thể nhà tuyển dụng sẽ không ấn tượng tốt và hủy cuộc hẹn phỏng vấn. Ngoài ra, việc tắt điện thoại, tươi cười, chào hỏi, lịch sự, tư thế ngồi phỏng vấn… cũng là những điều cũng quan trọng và cần phải lưu ý.

Anh Đinh Văn Thịnh nhận định, nhà tuyển dụng muốn có một thế hệ người lao động làm việc chuyên nghiệp thì bản thân nhà tuyển dụng nhân sự phải chuyên nghiệp và làm gương cho ứng viên.

"Những cuộc phỏng vấn nhỏ nhưng chuyên nghiệp về quy trình và chất lượng về phỏng vấn, sẽ giúp người ứng viên cảm thấy được tôn trọng và học hỏi nhiều điều, noi gương theo. Từ đó, ứng viên ấn tượng và tôn trọng nhà tuyển dụng nhân sự, có đánh giá cao về nơi làm việc và cấp trên", anh Thịnh nói.