Sinh viên "rụng", đi đâu?

Đó là diện những sinh viên bị xóa tên trong lớp do vi phạm quy chế học tập. Nhưng ngoài nhà trường và bạn bè cùng lớp, hay cùng khóa, ít phụ huynh nào biết được tình hình học tập của con mình như thế nào, nhất là những người ở các tỉnh xa.

Hỏi giùm con tôi đã tốt nghiệp chưa?

 

Một phụ huynh từ Đắk Lắk hốt hoảng gọi điện để nhờ hỏi giúp cậu con trai đang học trường Kiến trúc đã tốt nghiệp chưa. Anh chàng đi học ĐH 6 năm nay, nhưng bố mẹ ở quê không hề biết con mình học thế nào. Chỉ biết rằng, mỗi tháng gửi nhiêu đó tiền sinh hoạt, mỗi năm gửi nhiêu đó tiền đóng học phí. Thỉnh thoảng, lại phải viện trợ thêm tiền làm đồ án, thực tập, mua sách.

 

Gia đình chỉ hốt hoảng vì mới đây, cậu gọi điện về nhà xin 7 triệu đồng để làm đồ án tốt nghiệp. Biết khoa học của con, biết mã số SV, nhưng phụ huynh không biết liên lạc với ai, ở đâu để hỏi thông tin về điểm số, quá trình học tại trường của con.

 

Mặc dù sống với anh trai, nhưng N.V (trường Tự nhiên - ĐHQG TPHCM) vẫn không cho gia đình biết mình đã bị trường buộc thôi học. Sáng sáng V vẫn cắp cặp đi, chiều về nhà. Tối tối vẫn học bài như thường.

 

Gần 1 năm, anh trai mới phát hiện V bị đuổi học. Lúc này, cậu mới thú nhận vì nợ quá nhiều tín chỉ nên không được tiếp tục học nữa. Và sợ anh trai phát hiện, nên mỗi ngày V đều giả bộ đi học. Tiền chi tiêu, học phí, mua tài liệu vẫn đều đặn được chu cấp. Thỉnh thoảng không biết đi đâu, V vẫn vô lớp cũ ngồi học cùng các bạn. Cũng tham gia vui chơi, sinh hoạt cùng các bạn trong lớp. Chỉ có thời gian thi là V ở nhà... học bài.

 

Có lẽ, đến bây giờ, gia đình của N.H.Vũ (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn -ĐHQG TPHCM) vẫn không nghĩ là Vũ chưa hề có bằng tốt nghiệp ĐH. Lẽ ra V phải có bằng cách đây 7 năm. Còn vướng lại mấy môn học, nhưng Vũ vẫn thông báo với gia đình là mình đã tốt nghiệp ĐH. Và cũng như những SV tốt nghiệp khác, Vũ đi xin việc làm với quyết tâm sẽ quay lại trả nợ và lấy bằng tốt nghiệp. Nhưng công việc bận rộn, ngại ôn bài, thời gian thi lại trùng với lúc công việc ngập đầu. Nên lần lữa mãi, đến giờ... Vũ không thể lấy được bằng tốt nghiệp. Thế là, nợ gia đình 1 tấm bằng!

 

Hằng năm, các trường vẫn quyết định cho thôi học một số SV. Có những SV tự thấy mình không kham nổi chương trình học cũng âm thầm rút lui. Mới đây, trường Ngoại ngữ-Tin học tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp. Khoa Pháp chỉ có phân nửa số SV trong lớp được nhận bằng.

 

Trường đại học hay pháo đài?

 

Hầu hết các trường đều có trang web. Nhưng, hiếm phụ huynh nào biết được mã số SV của con mình! Biết khoa, trường và khoá học của con mình là khá lắm rồi. Cũng có những trường, như ĐH Nông lâm, đăng tải cả danh sách SV bị xoá tên trên mạng và dán thông báo tại trường. Có điều, cũng có ít vị phụ huynh biết đến trang web và cách truy cập.

 

Tuy nhiên, một phương thức liên lạc phổ biến khác là điện thoại thì các trường luôn trong tình trạng..."không không thấy"!

 

Đóng vai một phụ huynh gọi điện tới trường KT để hỏi tình hình học tập của con mình. Chưa nghe xong sự trình bày của tôi, cô giáo ở đầu dây gắt: "Chúng tôi không tiếp qua điện thoại. Muốn gì thì tới trường". Hôm ấy, tôi có trình bày rõ là mình đang ở Đắk Lắk, không biết cô giáo có nghe rõ không. Còn trang web của trường thì... truy cập hoài không xong.

 

Tôi cẩn thận ghi tên, mã số SV, quê quán... của một SV có tên trong danh sách bị xóa tên dán ở trước của phòng đào tạo của một trường ĐH. Bốc điện thoại gọi đến phòng đào tạo, trong vai người nhà để hỏi thăm, nhưng năm lần bảy lượt cũng không ai bắt máy, mặc dù đã gọi vào những ngày làm việc.

 

Chị L.A.Tuyên, đang sống cùng một người em học ĐH Tôn Đức Thắng. Chưa một lần liên lạc với nhà trường để hỏi xem em mình học hành ra sao. Chị giải thích: "Vô ĐH rồi, ai cũng phải tự lo cho tương lai của mình. Nuôi ăn, học đúng 4 năm; nếu chưa ra trường được thì tự kiếm tiền để học tiếp. Mình bận rộn, nhà trường cũng có nhiều việc để làm, bổn phận của SV là phải học thôi".

 

Một lý do khác, ai mà không biết, muốn tìm được "địa chỉ" để hỏi điểm SV, phải tốn bao cuộc điện thoại. Hồi còn là SV, đi xin bảng điểm còn phải tốn cả tuần lễ nữa là...

 

Anh Minh Tân, có em đang học năm 3 trường Nông Lâm thì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gọi điện đến trường để hỏi chuyện học của em và sợ rằng các thầy cô bận rộn, không có thời gian để trả lời.

 

Điều lo sợ của anh Tân không phải là không có thực. Tôi có xin phép một số SV đang học ở các trường ĐH công lập cũng như dân lập để làm một phép thử ở nhiều trường. Gọi điện đến trường, xưng là người nhà, phụ huynh của SV, nhưng thật khó để có được vài thông tin ít ỏi về chuyện học tập của các bạn.

 

Cầu nối là SV - có ổn?

 

Một vài trường ĐH, như trường Kỹ thuật Công nghệ, Văn Lang đang áp dụng phương pháp gửi bảng điểm về tận địa chỉ nhà cho phụ huynh. Đều đặn mỗi năm hai lần. Nhưng... không biết bao nhiêu phụ huynh nhận được giấy báo điểm của con mình.

 

Anh Trương Thanh Ngọc, Đắk Lắk-có con đang học tại trường Kỹ thuật Công nghệ TPHCM cho biết: "Cũng có khi nhận được, cũng có khi không. Có bốn đứa con học ĐH, nhưng đây là đứa quan tâm nhất vì tôi xem cháu là cá biệt. Lúc nào không nhận được phiếu điểm, tôi phải gọi điện lên trường hỏi. Mỗi lần như thế, tôi phải tốn cả chục cuộc điện thoại mới gặp được người cần gặp. Họ cứ chuyển điện thoại, kêu gọi đến phòng này phòng kia mới được". Cầm phiếu điểm của con mình trong tay, anh Ngọc cảm thấy yên tâm hơn.

 

Các trường gửi điểm về cho phụ huynh theo địa chỉ mà SV cung cấp. Nhà trường gửi đi và không quan tâm đến chuyện phụ huynh có nhận được thư thông báo của nhà trường hay không. Nhiều phụ huynh không bao giờ nhận được thư thông báo của nhà trường bởi có những SV, thấy điểm số của mình khá thấp nên tìm mọi cách "ém" thư đi.

 

Một cựu SV trường Kỹ thuật công nghệ bật mí: "Mình là cầu nối mà, muốn làm gì chẳng được". Cô bạn không cung cấp địa chỉ thực của nhà mình, và thường về quê đúng dịp nhà trường gửi phiếu điểm để nhận được những lá thư của nhà trường, nếu có.

 

Cho con đi học ĐH, gia đình gửi trọn niềm tin vào con mình và nhà trường. Nhưng rồi, cũng sẽ có những phụ huynh luôn sống trong tình trạng: thắc mắc không biết hỏi ai?!

 

Theo Đoan Trúc

Vietnamnet