Sinh viên Ngoại thương bị “chém đẹp” trong lễ tốt nghiệp

(Dân trí) - Gửi xe 10.000 đồng, chụp ảnh 50.000 đồng, hoa tươi đắt hơn 3 - 4 lần so với thực tế nhưng nhiều SV Ngoại thương cơ sở 2 và người thân của họ vẫn phải chịu móc hầu bao cho các dịch vụ “ăn theo” trong lễ tốt nghiệp cho SV khóa 46.

Lễ tốt nghiệp SV K46, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 diễn ra vào chiều 17/11 vừa rồi tại sân trường. Với số lượng SV đông đảo và người nhà, bạn bè cũng đông không kém đến tham dự là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải. Kèm theo đó rất nhiều dịch vụ ăn theo như trông xe, chụp ảnh, hoa tươi… xuất hiện để phục vụ nhu cầu trong ngày tốt nghiệp với giá “cắt cổ” mà các SV, tân cử nhân của ngôi trường vốn nổi tiếng giỏi về kiến thức kinh tế hay có nhiều ý tưởng kinh doanh này cũng phải chịu thua.

Sinh viên Ngoại thương bị “chém đẹp” trong lễ tốt nghiệp  - 1

Những bó hoa sơ sài như thế này được bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/bó trước cổng trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 trong ngày lễ tốt nghiệp chiều 17/11.

Ngay trước cổng trường, hàng chục hàng hoa tươi xuất hiện đáp ứng nhu cầu tặng hoa cho các tân cử nhân với mức giá “khủng”. Mỗi bó nhỏ nhắn với vài ba bông hoa được bó sơ sài nhưng giá thấp nhất cũng phải 80.000 đồng, đẹp hơn chút đỉnh đều trên 100.000 đồng… SV nào hỏi giá cũng kêu “Sao mắc vậy” nhưng rồi chẳng đấu nổi lý “Hoa hiếm, nhu cầu cao, mua thì mua không mua thì thôi” của mấy người bán hoa, trong khi lại cần gấp để tặng nên đành phải “cắn răng” để mua.

Đặc biệt, những hàng hoa “mặt tiền” ngay lối ra vào cổng trường giá cao hơn những hàng hoa ở xung quanh khá nhiều vẫn đông người mua nhất. Xem ra các cử nhân kinh tế và người nhà của họ cũng không tránh được tâm lý mua hàng theo đám đông, mua ở nơi giá trị hàng hóa chủ yếu nằm vào “chi phí mặt bằng”…

N.T.Nh, SV năm 3 đi cùng bạn chọn bó hoa với giá 80.000 đồng than: “Mắc quá thể. Lúc nãy đi trên trên đường đến em tính ghé chợ mua rồi nhưng rồi nghĩ đến trường mua cho tiện. Bó hoa này ngoài chợ chắc chỉ 30.000 đồng”.

Sinh viên Ngoại thương bị “chém đẹp” trong lễ tốt nghiệp  - 2

Thợ ảnh 50.000 đồng/bức sẵn sàng phục vụ SV.

Rất nhiều thợ chụp ảnh lưu động cũng nhanh chóng “nắm bắt thời cơ” khi có mặt tại đây. Và dù giá không hề dễ chịu, trung bình 50.000 đồng/bức kích thước 20 x 30cm nhưng nhiều bạn vẫn "cắn răng" chụp. Theo ghi nhận cũng có một số bạn biết trả giá, có khi giảm được hơn nửa. Còn phần lớn các SV, tân cử nhân đều “cho qua”, người ta “hét giá” thế nào chịu như vậy, rất có thể vì ngại đôi co trong ngày “Cả đời chỉ có một lần”.

Sinh viên Ngoại thương bị “chém đẹp” trong lễ tốt nghiệp  - 3

Và không phải SV, tân cử nhân kinh tế nào cũng… trả được mức giá đúng với thực tế.

Chưa hết, do sân trường được giải tỏa để làm lễ tốt nghiệp, số lượng người đến trường ngày này rất đông cũng là cơ hội cho hàng loạt nhà dân, nhà hàng, quán cà phê… xung quanh chuyển mục đích kinh doanh sang trông xe. Giá trông xe không dễ thở chút nào, bình quân 5.000 - 10.000 đồng/chiếc, thậm chí có nơi “chém” 20.000 đồng/chiếc.

Tại bãi gửi xe đối diện với trường, ở hẻm 432/44 Xô Viết Nghệ Tĩnh, một nam sinh năm 3 phản ứng với người đàn ông trông xe khi phải trả 10.000 đồng: “Chú lấy mắc vậy hôm sau còn ai dám gửi?”. Người đàn ông trông xe vẫn… lởi xởi: “Thông cảm, thông cảm nhé… Cả năm chỉ có vài ba lần, người này không gửi thì có người khác” rồi bỏ đi dắt xe cho khách để cậu SV với nỗi ấm ức.

Sinh viên Ngoại thương bị “chém đẹp” trong lễ tốt nghiệp  - 4

Việc gửi xe với giá “cắt cổ” trong các ngày lễ của trường tồn tại từ lâu và được SV xem là… bình thường.

“Những ngày lễ em thường gửi bên kia đường, chỉ 5.000 đồng thôi nhưng hôm nay hết chỗ. Lúc vào gửi em có hỏi giá tiền nhưng người ta lấy cớ đông khách bận việc chẳng ai trả lời”, cậu ta bức xúc. Đây cũng là một trong số rất ít SV phản ứng lại với giá của nhà xe, còn số đông đều trả tiền trong im lặng.

Nghe SV này nói thấy thêm buồn vì cũng như cậu, hầu như SV đều xem mức giá trông xe 5.000 đồng là hiển nhiên trong khi quy định chỉ 2.000 đồng.

Bạn Nguyễn Văn Quang, SV trường ĐH Nguyễn Tất Thành sang chúc mừng người bạn cùng quê nhận bằng tốt nghiệp cho hay: “Đến SV Ngoại thương giỏi về kinh tế mà còn bị chặt chém và chấp nhận bị chặt chém thế này thì hỏi nơi nào thoát được? Xem ra có uyên bác đến mấy cũng khó mà thắng nổi với mấy người làm ăn “chộp giật” kiểu này”.

Được biết, tình trạng các dịch vụ “ăn theo” với giá cắt cổ như trên đã xuất từ lâu trong các ngày lễ khác của trường. Có thể vì thế mà hầu hết SV thấy đó là… bình thường? Xem ra, SV Ngoại thương - các cử nhân kinh tế trong tương lai - lại bị "thua" ngay trên chính sân nhà.

Hoài Nam