Sinh viên ngành Tài chính - Kế toán “hổng” kỹ năng mềm

(Dân trí) - Thiếu kỹ năng thực hành, yếu về kỹ năng chuyên môn, ít cập nhật thông lệ quốc tế, hổng về kỹ năng mềm… đó là nhận xét của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với sinh viên ngành Tài chính - Kế toán hiện nay.

Sinh viên tốt nghiệp đều phải đào tạo lại

Sáng 6/5 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức Diễn đàn giáo dục ACCA Việt Nam năm 2010 với chủ đề “Hợp tác hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính - kế toán đáp ứng yêu cầu xã hội”.

Nhận xét về nguồn nhân lực ngành Tài chính - Kế toán, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay quy mô kinh doanh ngày càng phát triển nên môi trường cạnh tranh quyết liệt... nên đòi hỏi chất lượng đội ngũ ngày càng cao nhưng bộ máy kế toán hiện nay rất thấp, tuy phổ cập đại học nhưng phần lớn năng lực chuyên môn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thiếu kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực kế toán hợp nhất tập đoàn tài chính, kế toán quản trị và các thông lệ quốc tế, các chuẩn mực quốc tế... do vậy nhiều đơn vị không tuyển được người.

Đánh giá về sinh viên ngành Tài chính - Kế toán hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lo ngại về chất lượng.

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam cho biết: “4 năm học ở đại học, sinh viên được trang bị kiến thức nhiều nhưng khả năng thực hành rất hạn chế, thiếu kỹ năng mềm nên kiến thức học không vận dụng linh hoạt trong thực tế. Bên cạnh đó, ít cập nhật thông lệ quốc tế... Trong khi đó để thành công trong công việc thì sinh viên cần đến 70% năng lực xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Quang Anh, sinh viên là nguồn lao động dồi dào nhất và rẻ nhất nên công ty phải chấp nhận đầu tư lớn để đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn, kèm cặp sau tuyển dụng.

Đồng quan điểm với ông Quang Anh, bà Bùi Thu Trang, Giám đốc Tài chính và Hành chính Tập đoàn Comin tại Việt Nam cho hay: Với sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính - Kế toán, chúng tôi chỉ yêu cầu nắm vững các chuẩn mực tài chính kế toán hiện hành của Việt Nam và chuẩn mực quốc tế; Am hiểu phương pháp tổ chức bộ máy tài chính - kế toán thông dụng trong các doanh nghiệp; Nắm vững nguyên tắc kế toán và biết lập các báo cáo tài chính cho công ty; Nắm được nguyên tắc và có thể lập các báo cáo tài chính tập đoàn ở mức độ đơn giản và yêu cầu về hiểu biết pháp luật và chính sách thuế. Đặc biệt, sinh viên không thể thiếu kỹ năng mềm vì đó cũng là một bước quan trọng để các sinh viên chứng tỏ được năng lực của mình.

Doanh nghiệp không mặn mà với sinh viên thực tập

Đại diện các trường đại học cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đứng ngoài quá trình đào tạo. Các doanh nghiệp chỉ đứng ngoài để đón nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường và muốn rằng họ bắt tay ngay vào làm việc đúng như những gì mình cần rồi phàn nàn rằng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu và kỹ năng công việc.

Bà Lê Thị Thu Hà, khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng cho hay, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập, nếu có chỉ đến thực tập cho xong nghĩa vụ với nhà trường để có đủ điều kiện tốt nghiệp. Qua mấy tháng thực tập, nhiều sinh viên chả được làm gì, chỉ ngồi quan sát và thậm chí ngồi một phòng riêng để đọc tài liệu, cần số liệu gì để viết chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp thì có người cung cấp. Nếu các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên đến thực tập và làm việc ngay từ những năm đầu, tham gia vào hoạt động thực tiễn một cách phù hợp theo tiến độ học của sinh viên thì chắc chắn các em sẽ có điều kiện cọ sát với thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu mà doanh nghiệp mong muốn.

Lãnh đạo nhiều trường cũng cho rằng, khi tuyển dụng nhân viên Kế toán - Tài chính nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên phải tốt nghiệp đại học loại khá - giỏi nhưng thực tế lại sử dụng họ như những nhân viên kế toán thông thường với những công việc kế toán đơn giản mà chỉ cần ở trình độ trung cấp cũng có thể làm tốt.

Bà Hà còn cho biết thêm, các doanh nghiệp chưa có cơ chế tuyển dụng đứng đắn. Khi tuyển dụng lao động không phải bao giờ cũng tuyển những người có năng lực thực sự mà rất nhiều trường hợp là dựa trên các mối quan hệ, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.

"Học viện cũng đã có dịp được đón tiếp những nhà doanh nghiệp về giao lưu với sinh viên và cùng với các doanh nghiệp tổ chức hội chợ giới thiệu việc làm. Đã có nhiều vị lãnh đạo tuyên bố trước sinh viên về cơ chế tuyển dụng cũng như văn hóa doanh nghiệp hết sức hấp dẫn. Sau đó nhiều em sinh viên giỏi ra trường đến nộp đơn và tham gia thi tuyển cán bộ tại doanh nghiệp đó đã bị thất vọng vì quá trình tuyển dụng không được như những gì tuyên bố. Cách tuyển dụng vẫn bị chi phối bởi các mối quan hệ" - bà Hà cho hay.

Nhà trường - doanh nghiệp bắt tay đào tạo

Về phía lãnh đạo các trường đại học ngành tài chính - kế toán mong muốn các doanh nghiệp nên có chính sách khuyến khích và tận dụng sinh viên về làm việc part-time (bán thời gian) cho mình tại bộ phận kế toán.

Bà Lê Thị Thu Hà, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Doanh nghiệp và Nhà trường cần thống nhất quan điểm là trường đại học cần đào tạo cho sinh viên những kiến thức lý thuyết nền căn bản và vững chắc, còn việc đào tạo kỹ năng thực hành là trách nhiệm của doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, các cán bộ từ doanh nghiệp cần tham gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm ở các trường đại học trong chương trình chính khóa và ngoại khóa và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên”.

Về phía doanh nghiệp, PGS.TS Ngô Trí Tuệ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Kiểm toán Nhà nước đề xuất với các trường khi xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo cũng như ban hành chuẩn đầu ra cho sinh viên từng chuyên ngành cần có sự tham gia rộng rãi hơn của các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng. Vì không có sự tham gia của người sử dụng lao động thì việc xây dựng nội dung và các chuẩn đánh giá quá trình đào tạo sẽ xa rời yêu cầu thực tiễn.

Hồng Hạnh