"Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ"

(Dân trí) - "Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ, chỉ nên chọn 1 hoặc 2 lĩnh vực mà cảm thấy tự tin để hiểu nhất và làm tốt nhất. Biết rằng việc lựa chọn quyết định sẽ rất khó khăn, nhưng nếu không mạo hiểm sẽ không thành công".

Đó là chia sẻ của ông Lê Đình Hiếu, Giám đốc tuyển sinh trường Đại học Vinunitại “Diễn dàn tiếng nói trẻ - YouthSpeak Forum HaNoi 2019” với chủ đề định vị bản thân, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên do Khoa Quốc tế - ĐHGHN phối hợp với tổ chức AIESEC diễn ra ngày 27/10.

Loay hoay lựa chọn kỹ năng cần học

Tại diễn đàn, sinh viên Nguyễn Phương Mai, khoa Quốc tế - ĐHQGHN chia sẻ, là một sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp đại học nhưng bản thân em vẫn đang loay hoay chưa khám phá ra thế mạnh, năng lực thực sự.

Dù tất cả các hoạt động học tập, vui chơi ngoại khóa em đều tham gia đầy đủ với mong muốn trau dồi được tối đa kĩ năng mềm, tăng cơ hội xin việc làm nhưng cho đến giờ em vẫn chưa xác định được đâu là lĩnh vực mình tự tin nhất, đâu là điểm yếu cần học hỏi nhiều hơn.

Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ - 1
Diễn đàn với sự có mặt của hàng nghìn sinh viên đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Tương tự, sinh viên Trần Cao Bằng, khoa Quốc tế, ĐHQGHN cũng nhận thấy rằng việc học tập ở trên lớp và sách vở chỉ mang lại cho bản thân được một phần kiến thức rất nhỏ, vẫn còn bị lép vế hơn so với các bạn du học sinh nước ngoài cùng lớp. Em lo lắng không biết cần tập trung vào kỹ năng và khối lượng kiến thức nào để có thể dễ dàng có việc làm sau khi ra trường.

Bà Nguyễn Thị Việt Bằng, Giám đốc chuyên môn Tổ chức hướng nghiệp quốc tế Edutas nhận định, không riêng gì bạn Phương Mai và Cao Bằng, hầu hết các em sinh viên hiện nay đều đang trong tình trạng mất phương hướng như vậy; các bạn lúng túng đặt câu hỏi về năng lực bản thân và tích cực trau dồi các kỹ năng nhưng không biết có phù hợp với bản thân hay không.

Bà Nguyễn Thị Việt Bằng chia sẻ cùng các bạn sinh viên về định vị năng lực bản thân.

Do đó, bà Việt Bằng đã đưa ra mô hình cây nghề nghiệp hay còn gọi là phương pháp giúp sinh viên lựa chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân sau khi ra trường. Mô hình gồm 5 nhánh rễ cây: việc làm phù hợp với sở thích; năng lực học tập; khả năng của bản thân; tính cách bản thân; giá trị nghề nghiệp mang lại bản thân và xã hội.

Các bạn sinh viên cần phát triển tốt 5 nhánh rễ cây năng lực này càng sớm càng tốt, nếu có thể hãy làm từ những năm học phổ thông đến đại học. Sinh viên cần hiểu rõ năng lực của bản thân tới đâu sẽ giúp tìm được việc làm phù hợp dẫn đến thành công dễ dàng hơn thay vì mơ hồ tìm việc làm không phù hợp với năng lực, bà Bằng đưa ra lời khuyên.

Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ - 2
Mô hình cây nghề nghiệp.

Bà Bằng cho rằng khi các bạn trẻ xác định hướng nghiệp cho bản thân không nên đặt nặng yếu tố công việc, ngành học theo cơ hội việc làm, mức lương, môi trường làm việc… đó là những điều viển vông, sẽ không giúp tương lai của các em tốt đẹp, chỉ khiến ta thấy mệt mỏi và mất phương hướng sau này.

Tự quyết định việc làm

Chia sẻ thêm về bí quyết giúp các bạn sinh viên nắm bắt cơ hội xin việc sau khi ra trường, bà Việt Bằng cho hay, trước đây công thức tìm việc làm thường là bằng cấp + mối quan hệ của gia đình + đơn vị mong muốn được vào làm; nhưng hiện nay công thức thay đổi: kỹ năng mềm + mạng lưới kết nối chuyên nghiệp + nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

Do đó, các bạn sinh viên đừng quá quan tâm đến bằng cấp, chủ yếu vẫn là sự cố gắng, quyết tâm để có được việc làm tốt nhất. Tại thời điểm bạn quyết định, không có quyết định nào sai lầm, phải luôn tin vào sự lựa chọn của bản thân, làm hết sức mình để đạt được kết quả nhất định. Có thể hôm nay bạn thấy chưa đúng, chưa phù hợp nhưng chắc chắn tương lai sẽ cần và có cơ hội dùng đến, bà Việt Bằng cho hay.

Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ - 3
Các bạn sinh viên tham gia bài khảo sát đánh giá năng lực bản thân, giúp hiểu được thế mạnh và công việc phù hợp với bản thân.

Ông Lê Đình Hiếu, Giám đốc tuyển sinh trường Đại học Vinuni, Tập đoàn Vingroup cho biết, chúng ta đang sống ở đất nước 96 triệu dân, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ bước ra một thị trường lao động cực kì khủng khiếp và cạnh tranh khốc liệt. Đất nước chúng ta đang mở cửa để đón các nguồn nhân lực khu vực Đông Nam Á vào làm việc nên các em sẽ phải cố gắng gấp nhiều nhiều lần nếu không muốn bị thất nghiệp ngay trên sân nhà.

Sinh viên không cần phải biết nhiều thứ - 4

Ông Lê Đình Hiếu, Giám đốc tuyển sinh trường Đại học Vinuni, Tập đoàn Vingroup chia sẻ bí quyết xin việc làm cùng sinh viên.

Ông Hiếu đưa ra ví dụ, cách đây 100 năm thì học trò nào học thuộc lòng càng nhiều kiến thức sách vở sẽ có cơ hội cao thi đậu tú tài và ra làm quan cho vua; tiếp đến 50 năm trước, người nào học được nhiều kinh nghiệm nhất từ thị trường và biết chớp thời cơ sẽ thành công. Nhưng hiện nay thì đã khác, không phải cứ học nhiều, ôm đồm mọi kiến thức, kỹ năng là sẽ thành công.

Các bạn sinh viên đừng lầm tưởng chỉ cần học thuộc hết những điều thầy cô dạy là giỏi, chúng ta phải biết chắt lọc cái nên học và cái cần học; muốn làm được điều đó thì phải xác định rõ mục tiêu đi học để làm gì, học ra sao và học như thế nào thì việc học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Hiếu cho rằng, sinh viên không cần phải biết nhiều thứ, chúng ta chỉ nên chọn 1 hoặc 2 lĩnh vực mà cảm thấy tự tin để hiểu nhất và làm tốt nhất. Biết rằng việc lựa chọn quyết định sẽ rất khó khăn, nhưng nếu không mạo hiểm sẽ không thành công.

Đồng thời, các bạn trẻ cần luôn luôn đặt câu hỏi việc mình làm có tạo ra giá trị cho xã hội và có tính nhân văn, hạnh phúc với ước muốn, với việc làm, với chính bản thân các bạn hay không? Nếu bạn tự tin trả lời “yes” thì hãy theo đuổi nó đến cùng, dù có làm việc trái với ngành các bạn đang học nhưng tỷ lệ thành công vẫn rất cao..

Ông Hiếu khuyên sinh viên, dù có làm công việc gì, lựa chọn hướng nghiệp ra sao, hãy luôn đặt câu hỏi “bạn có hạnh phúc với việc mình đang làm không?” sẽ giúp chúng ta có mục đích sống rõ ràng và không bị mất phương hướng.

Hà Cường