Sinh viên kêu than học môn thể chất quá khó vì lâu nay lười vận động

Lan Hương

(Dân trí) - Giáo dục thể chất từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên đại học. Tuy nhiên, ít ai biết rằng lý do thực sự không hẳn là do môn học quá khó, mà là do lối sống lười vận động của giới trẻ.

Sinh viên sợ thể dục hay sợ vận động?

Không phải tự nhiên mà môn thể dục xuất hiện trong chương trình giảng dạy của mọi trường đại học. Tập luyện thể dục thể thao là một trong những cách tốt nhất để nâng cao thể lực, trí lực và nhân cách. Do đó, môn học giáo dục thể chất là rất cần thiết đối với sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều sinh viên không có thói quen tập thể dục thường xuyên. Lối sống lười vận động này là nguyên nhân chính khiến sinh viên e ngại môn học giáo dục thể chất và đổ lỗi rằng môn học này là quá sức đối với họ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lượng (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng) cho biết: "Xu hướng lười vận động khá phổ biến đối với các bạn trẻ ngày nay. Việc không vận động lâu ngày không chỉ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi phải tập thể dục, thể thao mà còn là nguyên nhân chính gây ra một số căn bệnh như đau lưng, mỏi gối".

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Phạm Như Mai (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng) cũng chia sẻ: "Tôi cảm thấy môn học giáo dục thể chất là vô cùng cần thiết đối với sinh viên bởi các hoạt động thể dục thể thao sẽ giúp các em hình thành thói quen vận động và lối sống lành mạnh hơn.

Đồng thời, khi thể chất được nâng cao thì tinh thần mới có thể thoải mái và tập trung hơn vào việc học tập".

Sinh viên kêu than học môn thể chất quá khó vì lâu nay lười vận động - 1

Nhiều sinh viên có thể chất kém do chế độ ăn uống, vận động thiếu khoa học (Ảnh: Canva).

Sinh viên tự đẩy mình vào thế khó

Chia sẻ quan điểm về vấn đề sinh viên sợ học giáo dục thể chất, một giảng viên bộ môn giáo dục thể chất của trường Đại học Hải Phòng cho biết: "Mặc dù giáo dục thể chất chỉ là một môn học phụ tại trường đại học nhưng nó cũng có những quy định, yêu cầu riêng.

Thế nhưng, đa số sinh viên thường thờ ơ hoặc không luyện tập hay vận động gì trong tiết học. Trong giờ học, nhiều em thường chỉ tập một, hai lần cho có rồi lại ra một góc nói chuyện riêng, ăn quà vặt, có em thậm chí còn trốn học bỏ về.

Với những trường hợp như thế, dù tôi có tạo điều kiện đến mức nào thì các em vẫn trượt môn vì không đủ điều kiện thi. Đến khi trượt môn, các em lại than vãn, kêu ca rằng môn học khó, yêu cầu cao trong khi chính các em là những người đẩy bản thân vào thế khó.

Sinh viên kêu than học môn thể chất quá khó vì lâu nay lười vận động - 2

Thể dục nhịp điệu là một nội dung không khó nhưng vẫn khiến nhiều sinh viên phải học lại (Ảnh: Canva).

Chính việc sinh viên cứ lấy lý do "thể dục khó", "sợ thể dục" để bào chữa cho sự thờ ơ, lười tập luyện của bản thân mỗi khi đạt kết quả không như mong muốn đã khiến môn học này trở nên đáng sợ và xấu xí hơn trong mắt nhiều người".

Giải pháp là gì?

Bác sĩ Phạm Như Mai chia sẻ rằng: "Theo tôi, cách để sinh viên có cái nhìn thiện cảm hơn về bộ môn giáo dục thể chất có lẽ là phải làm cho các em thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao thể lực, thể chất.

Khi sinh viên tự giác hơn về sức khỏe của bản thân thì mới có thể yêu thích môn học này hơn. Phải hiểu rằng bệnh lười vận động mới là nỗi sợ thực sự chứ không phải môn học giáo dục thể chất".

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lượng thì cho rằng giải pháp tốt để cải thiện lối sống lười vận động đó là tăng tiết học giáo dục thể chất ở trường và thay đổi nội dung của môn học.

"Nếu muốn sinh viên hết sợ môn thể dục thì nhà trường nên thay đổi nội dung của môn học này. Thay vì cho sinh viên học những bộ môn truyền thống như chạy bền, nhảy xa thì hãy giúp các em có những giờ học thú vị hơn với các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bơi, cầu lông…

Những bộ môn thể thao này đều rất tốt cho việc rèn luyện sức khỏe, thể lực mà không bị nhàm chán", bác sĩ Lượng nói thêm.