Sinh viên ĐH Phương Đông tự tin trình bày đề tài NCKH bằng tiếng Anh

(Dân trí) - Năm qua, sinh viên ĐH Phương Đông có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có hàm lượng kỹ thuật cao, cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất và nâng cao khả năng thuyết trình, đặc biệt là trình bày nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ.

Sinh viên ĐH Phương Đông tự tin trình bày đề tài NCKH bằng tiếng Anh

Hội thảo “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019” của Đại học Phương Đông diễn ra sáng ngày 26/3. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 25 ngày thành lập trường Đại học Phương Đông (24/10/1994 - 24/10/2019).

Tại Hội thảo, Hiệu trưởng nhà trường PGS.TS Bùi Thiện Dụ cho biết: “Từ năm 2015 - 2019 có 233 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên, thu hút 400 sinh viên tham gia trong đó có 3 đề tài sự thi cấp Bộ GD&ĐT và đoạt 2 giải thưởng”.

Các đề tài tham gia hội thảo trải đều ở tất cả các chuyên ngành đào tạo, được thông qua hội đồng chuyên môn và được cấp kinh phí 7-10 triệu đồng (tối đa 7 triệu đồng cho đề tài cấp khoa, 10 triệu đồng cho đề tài cấp trường). Ngoài ra những đề tài đặc biệt có thể đề xuất kinh phí cao hơn. Tổng kinh phí dành dành nghiên cứu khoa học của nhà trường hàng năm là hơn 1 tỷ đồng.

Hội thảo “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019” của Đại học Phương Đông

Hội thảo “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019” của Đại học Phương Đông

Trong nhiều năm nay, công tác NCKH của sinh viên nằm trong công tác NCKH chung của nhà trường. Để nâng cao tính tự chủ, nhà trường phân cấp đề tài NCKH của sinh viên thành 2 cấp là cấp trường và cấp khoa.

Thời gian tới, phương hướng hoạt động NCKH của trường ĐH Phương Đông sẽ: tạo môi trường NCKH cho sinh viên, đầu tư hệ thống thông tin, trang thiết bị kỹ thuật để sinh viên NCKH, tạo điều kiện để những NCKH của sinh viên có tính ứng dụng cao được đưa vào thực tiễn...

“Trong suốt 25 năm qua, các cán bộ, giảng viên luôn luôn suy nghĩ về tầm quan trọng và tác động của hoạt động NCKH tới chất lượng đào tạo, để cũng cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho xã hội trong thời đại Cách mạng KHCN 4.0”, Phó Hiệu trưởng Vũ Phán cho hay.

Tại hội thảo, các bạn sinh viên có đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc đã đứng lên trình bày về sản phẩm của mình. Nhiều đề tài sáng tạo, có tính ứng dụng cao.

Tiêu biểu trong số đó có đề tài “Những khó khăn khi học kỹ năng nghe của sinh viên năm nhất ngành ngôn ngữ Tiếng Anh” do sinh viên Đoàn Thị Ngọc thực hiện (Giảng viên hướng dẫn ThS. Nguyễn Thị Bích Trang, đơn vị chủ trì Khoa Ngoại Ngữ). Trong nghiên cứu này, người viết đã khảo sát sinh viên năm nhất lớp ngôn ngữ Anh với 183 người tham gia bằng cách trả lời bảng câu hỏi dựa trên thang đo likert. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình học kỹ năng nghe. Quan trọng hơn là người tham gia giúp đỡ nghiên cứu viên tìm ra gốc rễ của vấn đề gây ra khó khăn trong kỹ năng nghe, giúp người viết tìm ra các giải pháp phù hợp cho từng vấn đề. Do đó, nghiên cứu này sẽ mang lại lợi ích cho người học đang gặp phải vấn đề nghe hiểu.

Đoàn Thị Ngọc sử dụng ngoại ngữ Tiếng Anh trôi chảy, thuyết phục toàn trường với đề tài NCKH “Những khó khăn khi học kỹ năng nghe của sinh viên năm nhất ngành ngôn ngữ Tiếng Anh”

Đoàn Thị Ngọc sử dụng ngoại ngữ Tiếng Anh trôi chảy, thuyết phục toàn trường với đề tài NCKH “Những khó khăn khi học kỹ năng nghe của sinh viên năm nhất ngành ngôn ngữ Tiếng Anh”

Đoàn Thị Ngọc tự tin trình bày nghiên cứu của mình bằng Tiếng Anh. phong cách trình bày trôi chảy, mạch lạc của Ngọc đã gây ấn tượng cho các giáo viên và sinh viên.

Ngọc chia sẻ: “Khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình đó là việc tìm hiểu hiện trạng của sinh viên năm nhất trong quá trình học Tiếng Anh. Qua làm quen, chia sẻ, mình đã hiểu sâu hơn về nhu cầu, vướng mắc trong học tập của các bạn để đưa vào nghiên cứu, đồng thời kiến nghị những giải pháp".

Bên cạnh đó là đề tài “Xây dựng website hỗ trợ học, thi Toeic online dành cho sinh viên Đại học Phương Đông trên nền tảng công nghệ PHP và Framework Lavarel". Tác giả để tài là sinh viên Phạm Văn Phương (Giảng viên hướng dẫn ThS. Nguyễn Thị Hạnh, đơn vị chủ trì là Khoa Công nghệ thông tin & TT Ngoại ngữ). Nghiên cứu giúp việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn ở bất kỳ đâu đều có thể học được ngoại ngữ; cải thiện các hệ thống học ngoại ngữ online hỗ trợ tối đa cho học sinh, sinh viên và hướng tới nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên Phương Đông đạt chuẩn Toiec.

Tiếp đó là “Nghiên cứu xây dựng ứng dụng đọc sách trực tuyến” của sinh viên Nguyễn Lương Nam (Giảng viên hướng dẫn ThS. Nguyễn Thu Vân, đơn vị chủ trì là Khoa Công nghệ thông tin &TT). Nghiên cứu xây dựng ứng dụng đọc sách trực tuyến đưa ra sản phẩm ứng dụng Đọc sách trực tuyến PDUBook là nơi chia sẻ những cuốn sách hay và nhiều chủ đề bổ ích trong đời sống là học tập. Với phương châm hoạt động là hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trong ghế nhà trường có một kho kiến thức di động, giảm thời gian tìm kiếm, không lo thời gian mượn đọc mà còn lưu giữ tài liệu để sau này đọc lại. Trong thời gian đầu tiên, ứng dụng đọc sách này phục vụ cho trường đại học Phương Đông sau đó là ứng dụng ra rộng rãi bên ngoài,  tiếp cận nhiều hơn với mọi người và cho mọi người thấy tầm quan trọng của việc đọc sách.

Sinh viên được đầu tư cho NCKH ngày càng hăng say và tự tin hơn với lĩnh vực học thuật của mình
Sinh viên được đầu tư cho NCKH ngày càng hăng say và tự tin hơn với lĩnh vực học thuật của mình

Công trình NCKH “Xây dựng ứng dụng quản lý nhà trọ trên nền tảng công nghệ Reactjs Native" của sinh viên Nguyễn Thị Thanh Giang (Giảng viên hướng dẫn ThS. Trần Thị Nga, Đơn vị chủ trì Khoa Công nghệ thông tin &TT). Ý tưởng nghiên cứu bắt nguồn từ thực tiễn là số lượng nhà trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM là rất lớn. Quy mô nhà trọ càng ngày càng mở rộng, như các chung cư mini vẫn quản lý bằng các cách truyền thống như ghi giấy, tính nhầm và dùng máy tính cầm tay. Nếu có một giải pháp tổng thể giúp số lượng lớn các chủ nhà trọ có thể quản lý người thuê trọ, giúp họ dễ dàng tính tiền, xuất hợp đồng hay hóa đơn. Thêm nữa với thông tin quản lý còn dễ dàng giúp các nhà chức trách có thể truy xuất thông tin khi xảy ra các tình trạng bất ổn an ninh xã hội là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Đề tài “Xây dựng website và SEO website" do sinh viên Phạm Văn Binh thực hiện (Giảng viên hướng dẫn ThS. Trần Thị Hiền, đơn vị chủ trì Khoa Công nghệ thông tin &TT). Ngày nay, kinh doanh online đã chiếm được phần lớn thị trường Việt Nam. Nắm bắt được tình hình, tác giả đã nghiên cứu và xây dựng một trang web thương mại để giúp các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng phát triển hơn. Đề tài đã đáp ứng được những chức năng cơ bản của một trang web, đặc biệt đề tài đã sử dụng kỹ thuật SEO để đẩy website lên top đầu giúp khách hàng có thể nhìn thấy sản phẩm trên trang web.

Những nghiên cứu trên thể hiện sự quan tâm của sinh với tới nghiên cứu khoa học, mang tới sự tự tin hơn cho bạn trẻ khi hoạt động trong lĩnh vực học thuật của mình.